📞

ISOM - Cơ sở để hoàn thiện nội dung Năm APEC 2017

16:00 | 08/12/2016
Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp (ISOM) và hoạt động liên quan được tổ chức vào ngày 8-9/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội nổ “phát súng đầu tiên” khởi động các hoạt động của Năm APEC 2017.

Hội thảo do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch UBQG về APEC tham dự, phát biểu chỉ đạo. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017, tham dự và điều hành ISOM.

Đại biểu tham dự Hội thảo gồm các quan chức cao cấp của các nền kinh tế APEC; đại diện của Ban Thư ký quốc tế APEC tại Singapore, các tổ chức quốc tế; học giả từ các tổ chức quốc tế như IMF, WB, FAO, tổ chức nghiên cứu Đông Á (trụ sở tại Indonesia); các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong nước.

Hội thảo Năm APEC Việt Nam 2017: Hướng tới cộng đồng APEC năng động, tự cường và gắn kết, 2015.

Theo thông tin từ Ban Thư ký APEC Việt Nam, các hoạt động chính sẽ diễn ra gồm: (i) Hội nghị ISOM là hoạt động quan trọng nhất của đợt Hội nghị, được tổ chức dưới hình thức phiên họp kín; (ii) Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017; (iii) Đối thoại APEC và doanh nghiệp “Tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và liên kết APEC” là sáng kiến của Việt Nam trong vai trò chủ nhà, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam và APEC có được thông tin đầy đủ hơn về Diễn đàn, về những cơ hội mà các doanh nghiệp có thể có được trong Năm 2017; (iv) Họp báo quốc tế về Năm APEC 2017.

Những thông điệp chính

Theo ông Nguyễn Minh Vũ, Vụ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Trưởng ban thường trực Ban Thư ký APEC, sự kiện lần này chuyển tải ba thông điệp lớn.

Thứ nhất, hoạt động đầu tiên này cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng cho việc đăng cai APEC 2017, và công tác chuẩn bị chu đáo, bài bản, chuyên nghiệp của phía Việt Nam. Công tác chuẩn bị của Việt Nam được tiến hành rất sớm, từ cách đây 3 năm. Gần ba năm qua, đặc biệt khi UBQG APEC 2017 được vận hành do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, hai đại diện thường trực là một Thứ trưởng Ngoại giao và một Thứ trưởng Công Thương cùng sự tham gia của 23 Bộ ngành, địa phương, bộ máy của UBQG và 5 tiểu ban (nội dung, lễ tân, tuyên truyền văn hóa, an ninh y tế, thông tin tuyên truyền) đã chuẩn bị rất chu đáo cho Năm APEC 2017. Thực tế này thể hiện sự chuẩn bị chủ động và tích cực của Việt Nam.

Thứ hai, mục tiêu chính của sự kiện là giành được sự đồng thuận, ghi nhận, đánh giá cao của các nền kinh tế thành viên đối với chủ đề và các ưu tiên mà Việt Nam đưa ra. Chủ đề “Tạo  động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và bốn ưu tiên “thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo, bao trùm”, “đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng”, “nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số”, “tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” là những kết quả thu được từ rất nhiều hội thảo, các cuộc trao đổi, tham vấn trong và ngoài nước mà chúng tôi đã triển khai trong 3 năm qua, ông Vũ cho biết. Qua  tham vấn từ Hội nghị APEC tại Peru vừa rồi, những vấn đề này được đánh giá là đánh trúng xu thế hiện nay mà các nước rất chú trọng.

Theo ông Vũ,  trong các vấn đề: thương mại số, phát triển dịch vụ, liên kết kinh tế khu vực, tăng trưởng bền vững, bao trùm, tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ”.

Cuối cùng, một trong những ưu tiên khi đăng cai APEC 2017 là quảng bá đất nước con người. Nhân dịp này, Đối thoại giữa APEC và Doanh nghiệp Việt Nam do TP. Hà Nội và UBQG APEC chủ trì sẽ là dịp để quảng bá thủ đô Hà Nội cũng như hình ảnh Việt Nam thân thiện, môi trường thương mại và đầu tư văn minh, cải thiện, minh bạch, thông thoáng. Mục tiêu này rất quan trọng và cũng là ẩn ý đằng sau việc các hoạt động được tổ chức ở rất nhiều địa phương khác nhau của Việt Nam, giúp các đại biểu có cái nhìn gần gũi hơn về các địa phương được lựa chọn trong cả nước.

Chú trọng vai trò động lực của doanh nghiệp

Doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong chủ trương chung và các hoạt động lớn của APEC 2017. Do vậy, cuộc Đối thoại doanh nghiệp là điểm mới nhất trong đợt sự kiện, diễn ra ngay sau khi kết thúc Hội thảo về các ưu tiên của APEC. Đối thoại được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong APEC (của Việt Nam và các nền kinh tế thành viên), qua đó, thu hút ý kiến đóng góp của giới doanh nghiệp về APEC, nội dung của APEC 2017.

Ông Vũ chia sẻ, với mong muốn xây dựng kiến tạo một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương vì người dân, vì doanh nghiệp, chủ nhà Việt Nam đã lồng ghép ý nghĩa này vào trong chủ đề, trong các nội dung ưu tiên cũng như  các thành phần tham dự.

Qua các hoạt động, Việt Nam mong muốn gắn kết các doanh nghiệp, doanh nhân với nhiều thành phần khác nhau, các học giả quốc tế, đại diện các tổ chức quốc tế, ...để thấy được tâm tư của các giới này về APEC, từ đó thiết kế chương trình hoạt động cho phù hợp với nhu cầu, đúng như những thông điệp đưa ra.

Được biết, kết quả của Hội nghị ISOM sẽ là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện các ưu tiên về nội dung và đưa vào chương trình Hội nghị chính thức tháng 3 năm sau chứ chưa phải đã cố định.

Nỗ lực ghi đậm dấu ấn Việt Nam

Trước những chuyển biến sâu sắc trên thế giới và xu thế liên kết ở khu vực và trong APEC ngày càng sâu rộng, việc tổ chức Năm APEC 2017 thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về châu Á - Thái Bình Dương.

Năm APEC 2017 có chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” với nhiều ý nghĩa thể hiện ở ba khía cạnh: Thứ nhất, phản ánh quan tâm chung của các nền kinh tế thành viên APEC về tìm kiếm “động lực mới” cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương. Thứ hai, thể hiện mẫu số chung, mục tiêu dài hạn của APEC và châu Á - Thái Bình Dương về “vun đắp một tương lai chung”, đó là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng. Thứ ba, thể hiện kỳ vọng về những phát triển mới của APEC trong năm 2017, góp phần khẳng định vị thế của Diễn đàn trong cục diện mới.

Trong phát biểu tại APEC lần thứ 24 Lima, Peru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Việt Nam đảm nhận vai trò nước chủ nhà APEC 2017. Chủ tịch nước kêu gọi sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân cả nước để các thành viên APEC và bạn bè quốc tế cảm nhận sâu sắc về một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển đầy năng động, con người Việt Nam giàu tình nghĩa, nhân văn và mến khách.

Trong vai trò là Chủ tịch UBQG APEC 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 là một ưu tiên của đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Có thể cảm nhận rõ sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ và cả kỳ vọng của các thành viên cũng như cộng đồng doanh nghiệp APEC đối với Năm APEC 2017 ở Việt Nam.

Đông Nhi (tổng hợp)