📞

Israel bình thường hóa quan hệ với UAE và Bahrain: Người vui, kẻ buồn

Minh Vương 16:08 | 17/09/2020
TGVN. Thỏa thuận của Israel với UAE và Bahrain ký kết ngày 15/9 tại Washington đã đi vào lịch sử Nhà nước Do Thái, song lại khiến người Palestine phiền lòng. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.
Lễ ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel-Bahrain và Israel-UAE ngày 15/9 tại Washington, Mỹ (từ trái qua phải: Ngoại trưởng Bahrain, Thủ tướng Israel, Tổng thống Mỹ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế UAE). (Nguồn: AP)

Ngày 15/9 tại Washington D.C, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah bin Zayed al Nahyan, Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid al Zayani và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, dưới sự chứng kiến của Tổng thống nước chủ nhà.

Phát biểu về thỏa thuận này, ông Donald Trump tin rằng đây là “một khởi đầu mới” cho Trung Đông, đồng thời cho rằng có năm, sáu quốc gia Arab sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Israel.

Trước khi ký thỏa thuận, Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al Nahyan đã cảm ơn Israel vì đã ngừng các kế hoạch sáp nhập vùng lãnh thổ Palestine.

Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố nỗ lực hòa bình mới của Mỹ có khả năng chấm dứt xung đột Arab – Israel mãi mãi: “Đây là điểm then chốt của lịch sử, báo hiệu một khởi đầu mới về hòa bình”.

Đối với Tel Aviv, hai thỏa thuận trên sẽ đi vào lịch sử của Nhà nước Do Thái bởi những lý do sau.

Vui ta

Thứ nhất, đây là lần thứ ba và thứ tư Israel bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Hồi giáo, hai lần trước đó là với Ai Cập (1979) và Jordan (1994). Đáng chú ý, khoảng cách giữa các lần bình thường hóa quan hệ đã rút ngắn đáng kể, khi Bahrain tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Israel chỉ 29 ngày sau khi UAE có bước đi chấn động giới Arab.

Như vậy, khả năng năm, sáu quốc gia Arab sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Israel thời gian tới không hẳn chỉ là câu nói để ghi điểm với cử tri của ông Trump, khi quan hệ Israel – Saudi Arabia, “anh cả” khối Hồi giáo tại Trung Đông đã ấm lên rõ nét.

Hẳn UAE, Bahrain đã tham khảo ý kiến và được sự đồng thuận của Saudi Arabia trước khi tiến hành bình thường hóa quan hệ với Israel. Thêm vào đó, sau khi Saudi Arabia cấp phép cho các chuyến bay dân sự của Israel bay qua bầu trời, Israel đã thiện chí đáp trả khi đưa Saudi Arabia vào danh sách các quốc gia “trung dung, mong muốn thúc đẩy hòa bình tại Trung Đông”. Do đó, không loại trừ khả năng Saudi Arabia sẽ sớm có động thái tiếp tục cải thiện quan hệ với Israel.

Thứ hai, đối với Israel, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ này là một thỏa thuận hòa bình, bởi họ cho rằng nó sẽ đóng góp tích cực cho tiến trình hòa giải giữa người Do Thái và người Hồi giáo, mang lại hòa bình cho một Trung Đông nhiều sóng gió.

Thỏa thuận này sẽ mở ra tiềm năng to lớn về hợp tác kinh tế - chính trị giữa Israel và các quốc gia Hồi giáo, đặc biệt UAE, khi đây đều là hai nền kinh tế lớn ở Trung Đông, với thế mạnh về công nghệ. Đáng chú ý, về mặt chiến lược, Israel giờ đây đã có thể công khai thảo luận với các quốc gia vừa thiết lập quan hệ về Iran, quốc gia được Tel Aviv liệt vào danh sách “cố tình duy trì sự bất ổn để trục lợi”.

Buồn người

Tuy nhiên, niềm vui của người Israel chỉ châm ngòi cho giận dữ, lo âu của người Palestine. Người Palestine cảm thấy bị phản bội khi với họ, các nước anh em Hồi giáo từng “thề non hẹn biển” lần lượt bình thường hóa quan hệ với quốc gia đang tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ với họ.

Văn phòng Tổng thống Palestine khẳng định hai thỏa thuận bình thường hóa quan hệ trên sẽ không đóng góp tích cực vào hòa bình tại Trung Đông và từ chối công nhận tính hợp pháp của chúng. Theo đó, vấn đề người Palestine di cư cần được giải quyết theo Nghị quyết 194 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Văn phòng này khẳng định: “Mọi nỗ lực qua mặt người Palestine và lãnh đạo Palestine sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng”; chính quyền Mỹ và Israel phải chịu trách nhiệm.

Song người Palestine cần làm nhiều hơn thế. Giờ đây, Palestine cần tìm kiếm sự đồng cảm mới, trong đó nhấn mạnh tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền và lãnh thổ, quá trình mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều từng trải qua, thay vì gói gọn trong câu chuyện tình anh em giữa các quốc gia Hồi giáo.

Để phát triển bền vững, một quốc gia không chỉ cần hướng về tương lai, mà còn phải trân trọng quá khứ, gìn giữ bản sắc văn hóa và giá trị lịch sử của dân tộc. Hợp tác với Israel có thể là tương lai hứa hẹn mà các quốc gia mong muốn, nhưng cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Palestine, gợi nhớ về hành trình giành độc lập, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ họ từng trải qua, cũng cần được tôn trọng, ủng hộ và thúc đẩy.

Hành trình của người Palestine sẽ còn trắc trở, nhưng không hề đơn độc, bởi còn đó nhiều quốc gia sẵn sàng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa mà dân tộc này hằng theo đuổi, nhằm xây dựng một Nhà nước độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.