Tàu tuần tra do tổ chức từ thiện Mediterranea Saving Humans của Italy điều hành và tàu cứu hộ người di cư NGO Sea-Eye của Đức trên đảo Lampedusa (Italy). Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Trong bài phát biểu tại Thượng viện hôm 23/2, Thứ trưởng Nội vụ Italy Nicola Molteni đã nhấn mạnh: “Không kiểm soát vấn đề nhập cư sẽ dẫn đến sự bóc lột, lao động cưỡng bức, lao động bất hợp pháp và tội phạm, từ đó tạo ra cảm giác bất an trong xã hội”.
Theo nghị định trên, các tàu cứu hộ phải đưa những người được cứu về cảng ngay lập tức, và dừng tiến hành thêm các hoạt động cứu hộ. Vì vậy, điều này đi ngược lại Luật biển của LHQ, trong đó quy định tàu có nghĩa vụ cứu người gặp nạn.
Hơn nữa, các cơ quan có thẩm quyền sẽ chỉ định các cảng an toàn, do đó các con tàu phải chở những người được giải cứu đi xa hơn.
Trước đó, ngày 15/2, Hạ viện Italy đã bỏ phiếu thông qua nghị định này thành luật. Bộ luật mới là nỗ lực của Thủ tướng Giorgia Meloni nhằm vào các tàu cứu hộ, mà chính phủ của bà cho rằng đang khuyến khích người dân từ Bắc Phi thực hiện những chuyến đi nguy hiểm vượt Địa Trung Hải.
Phủ nhận điều này, các tổ chức từ thiện khẳng định, những người di cư vẫn sẽ ra khơi, cho dù có thuyền cứu hộ ở gần đó hay không.
Trong những năm gần đây, Italy phải đối mặt với tình trạng gia tăng số người nhập cư trái phép từ Bắc Phi, song hoạt động của các tổ chức NGO chỉ giải cứu được hơn 10% trong số đó.
Theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Italy, khoảng 105.140 người di cư bằng đường biển đã “cập bến” nước này trong năm ngoái, tăng mạnh so với mức 67.477 người năm 2021 và gấp 3 lần so với con số 34.154 người trong năm 2020.
Chính phủ Italy cũng cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 12.667 người đến quốc gia Nam Âu, trong đó ít nhất 157 người đã mất tích, so với cùng kỳ năm 2022, số người nhập cư chỉ ở mức 5.273 người.