Qua hàng thế kỷ, các kênh đào nhân tạo đã chứng minh giá trị chiến lược không thể thay thế của mình, trở thành những nhân chứng lịch sử và động lực phát triển của nhân loại.
Kênh đào Suez, một trong những tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất thế giới, nối liền Biển Địa Trung Hải và Biển Đỏ. (Nguồn: Shutter stock) |
Suez - Kênh đào “quốc dân”
Kênh đào Suez, tuyến đường thủy nhân tạo nối Biển Địa Trung Hải với Biển Đỏ, từ lâu đã đóng vai trò chiến lược trong cả thương mại và địa chính trị, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới. Với chiều dài 193,5 km, kênh đào đi qua lãnh thổ Ai Cập và tách biệt lục địa châu Phi khỏi châu Á.
Được xây dựng trong một thập kỷ và khánh thành vào ngày 17/11/1869, Suez trở thành tuyến vận tải ngắn nhất giữa châu Âu và các khu vực quanh Ấn Độ Dương. Hành trình từ Ấn Độ Dương đến Đại Tây Dương giảm xuống chỉ còn 7.000 km, ngắn hơn nhiều so với việc đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí vận tải.
Không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, kênh đào Suez còn được xem như biểu tượng của toàn cầu hóa. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, được nhiều quốc gia sử dụng nhất trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong định hình thương mại toàn cầu và các động lực kinh tế.
Theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), ngày nay, Suez xử lý khoảng 12% tổng khối lượng thương mại thế giới, trong đó có 7% lượng dầu mỏ toàn cầu. Năm 2023 ghi nhận kỷ lục 23.000 tàu qua lại với 1,3 tỷ tấn hàng hóa được vận chuyển qua công trình này, tương đương trung bình 63 tàu mỗi ngày.
Tuy nhiên, hồi tháng Bảy năm nay, Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie cho biết, doanh thu hàng năm của kênh đào Suez của Ai Cập đã giảm khoảng 23,4% trong năm tài chính 2023-2024. Số lượng tàu qua lại trong năm tài chính này cũng giảm hơn 5.000 so với giai đoạn 2022-2023, còn 20.048 tàu. Nguyên nhân của sự sụt giảm là những thách thức về an ninh ở Biển Đỏ, khi phong trào Houthi ở Yemen tăng cường tấn công vào các tàu thuyền di chuyển qua vùng biển này.
Đây không phải là lần đầu tiên kênh đào Suez đối mặt với các thách thức chính trị, dù Công ước Constantinople năm 1888 tuyên bố, kênh phải mở cửa tự do cho tất cả các quốc gia trong thời bình và chiến tranh, đồng thời cấm các hành vi quân sự trên vùng nước này.
Theo đó, kênh đào Suez đã bị đóng cửa hai lần vì căng thẳng chính trị. Lần đầu tiên diễn ra vào năm 1956-1957 sau khi liên quân của Anh, Pháp và Israel tấn công lực lượng Ai Cập để trả đũa việc Cairo quyết định quốc hữu hóa kênh đào. Lần thứ hai là hậu quả của Chiến tranh Arab - Israel năm 1967, khi kênh đào trở thành ranh giới chiến sự và phải đóng cửa trong suốt tám năm.
Việc kiểm soát kênh đào Suez không chỉ mang lại cho Ai Cập nguồn thu lớn mà còn khẳng định tầm quan trọng của quốc gia Bắc Phi này như một trung tâm thương mại và giao thông chiến lược.
Kênh đào Panama là tuyến đường vận chuyển quan trọng giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. (Nguồn: Getty Images) |
Panama - Kỳ quan hiện đại
Kênh đào Panama, dài 82 km, là một trong những công trình kỹ thuật vĩ đại nhất thế giới, được Hiệp hội kỹ sư xây dựng Mỹ xếp vào danh sách bảy kỳ quan hiện đại.
Nằm ở Trung Mỹ, băng qua eo đất Panama và kết nối hai đại dương lớn là Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, kênh đào Panama là công trình mang tính cách mạng, không chỉ về kỹ thuật mà còn về tầm ảnh hưởng trong thương mại và chiến lược quốc tế.
Việc xây dựng kênh đào này là một trong những thử thách kỹ thuật lớn nhất trong lịch sử, kéo dài 30 năm và trải qua hai giai đoạn xây dựng chính với sự tham gia của Pháp và Mỹ. Sau nhiều khó khăn về địa hình, khí hậu và dịch bệnh, kênh đào được khánh thành vào năm 1914.
Sự thành công của công trình mở ra cuộc cách mạng trong vận tải biển toàn cầu, tạo nên tuyến đường tắt an toàn và ngắn hơn nhiều so với hành trình nguy hiểm vòng qua mũi Horn ở Nam Mỹ. Nhờ đó, khoảng cách từ New York đến San Francisco giảm từ 22.500 km xuống chỉ còn 9.500 km, giúp tăng hiệu quả vận tải biển và kết nối chặt chẽ hơn giữa các khu vực kinh tế lớn như châu Á, châu Mỹ và châu Âu.
Hiện nay, kênh đào Panama tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế. Theo thống kê của Cổng thông tin hậu cần Panama, mỗi năm, hơn 14.000 tàu thuyền qua lại, vận chuyển hơn 203 triệu tấn hàng hóa, tương đương khoảng 6% thương mại hàng hải toàn cầu. Trong năm tài chính 2024, kênh đào Panama ghi nhận tổng cộng 11.240 chuyến tàu thương mại nhỏ và sâu, vận chuyển 210 triệu tấn hàng hóa.
Ngoài ý nghĩa kinh tế, kênh đào Panama còn mang giá trị chiến lược quan trọng. Trong gần một thế kỷ, công trình thuộc quyền kiểm soát của Mỹ, giúp nước này dễ dàng di chuyển quân đội và hàng hóa giữa hai bờ biển. Điều này không chỉ củng cố sức mạnh quân sự mà còn tăng cường ảnh hưởng của Washington trên trường quốc tế. Tuy nhiên, đến cuối năm 1999, kênh đào đã được chuyển giao hoàn toàn cho Panama.
Nằm tại bang Schleswig-Holstein của Đức, kênh đào Kiel kết nối Biển Bắc với Biển Baltic. (Nguồn: Getty Images) |
Kiel – Huyết mạch châu Âu
Kênh đào Kiel, dài 98 km, khánh thành vào năm 1895, là một trong những tuyến đường thủy nhân tạo nhộn nhịp nhất châu Âu.
Nằm tại bang Schleswig-Holstein của Đức, kênh đào này kết nối Biển Bắc với Biển Baltic, đóng vai trò quan trọng trong việc rút ngắn hành trình khoảng 460 km so với lộ trình qua eo biển Kattegat. Nhờ đó, các tàu thuyền không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn tránh được rủi ro từ bão biển và những khó khăn trong vận tải hàng hóa.
Ban đầu, kênh đào Kiel được xây dựng để phục vụ cho Hải quân Đức. Đây là con đường chiến lược giúp tàu chiến di chuyển nhanh chóng giữa hai vùng biển mà không cần đi qua eo biển Kattegat, vốn dễ bị kiểm soát bởi các thế lực bên ngoài. Tuy nhiên, sau Thế chiến I, Hiệp ước Versailles đã yêu cầu mở cửa kênh đào cho tất cả các tàu thuyền quốc tế, dù quyền quản lý vẫn thuộc về Đức.
Đến nay, không chỉ giới hạn trong mục đích quân sự, kênh đào Kiel trở thành tuyến đường thủy huyết mạch của châu Âu.
Theo cổng thông tin Geeksforgeeks, khoảng hơn 20.000 du thuyền và 40.000 tàu buôn đi qua kênh đào Kiel mỗi năm, vận chuyển từ 80 - 100 triệu tấn hàng hóa. Con số này khẳng định vai trò không thể thay thế của Kiel trong thúc đẩy giao thương tại khu vực Bắc Âu và toàn châu Âu cũng như liên kết nền kinh tế châu lục.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu vận tải biển ngày càng tăng, Đức đã triển khai nhiều dự án hiện đại hóa kênh đào Kiel. Các dự án không chỉ tăng cường năng lực vận chuyển, đáp ứng nhu cầu của tàu thuyền hiện đại mà còn chú trọng giảm thiểu tác động môi trường, bảo vệ hệ sinh thái khu vực, phản ánh nỗ lực của Đức trong việc duy trì vai trò chiến lược của kênh đào, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững.
Kênh đào nội địa nổi bật
Ngoài những kênh đào quốc tế kết nối các vùng biển lớn, trên thế giới còn nhiều kênh đào nội địa quan trọng, trong đó nổi bật là Đại Vận Hà (Grand Canal) của Trung Quốc và kênh đào Erie của Mỹ.
Đại Vận Hà, với chiều dài 1.776 km, là kênh đào dài nhất hành tinh và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới. Kênh đào này được xây dựng từ thời cổ đại, kết nối các khu vực phía Bắc và phía Nam của Trung Quốc, giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế và giao thương trong nước.
Kênh đào Erie, dài khoảng 584 km, là một trong những công trình thủy lợi nổi bật của Mỹ, nối liền khu vực Ngũ Đại Hồ với thành phố New York. Hoàn thành vào năm 1825, kênh đào Erie đóng vai trò quan trọng kết nối các khu vực sản xuất với các trung tâm thương mại lớn, góp phần không nhỏ phát triển nền kinh tế Mỹ trong thế kỷ XIX, giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy các ngành công nghiệp nội địa.
Các kênh đào trên thế giới, dù mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và kinh tế riêng, song đều là biểu tượng cho khát vọng vượt qua các rào cản tự nhiên để kết nối các nền văn minh cũng như thúc đẩy thương mại quốc tế.
Những “cánh cổng thần kỳ này” không chỉ hiện thực hóa giấc mơ về một thế giới không biên giới mà còn khẳng định tầm quan trọng của giao thông đường thủy trong sự phát triển bền vững và hội nhập của nhân loại.