Ngẫm về chiến thắng của người được gọi tên, kỳ vọng vào một lá thư kết nối

Truyền thông Mỹ đã xác nhận ông Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã có những bình luận sau chiến thắng của ứng cử viên được người Mỹ gọi tên

“Sợ” Covid-19,
người Mỹ ngả về ông Biden

Nhìn nhận chiến thắng của ông Joe Biden như thế nào? Việc truyền thông Mỹ sớm công bố ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử là một hình thức tuyên bố theo thông lệ và tin cậy của nước Mỹ. Việc ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc Bầu cử Mỹ 2020 lần này cho thấy những chính sách tranh cử của ông đã thỏa mãn được kỳ vọng của người Mỹ, nhất là trong bối cảnh tình hình Covid-19 đã làm thay đổi tâm lý của người dân.

Điều mà ông Biden đã làm được còn là hiệu triệu được tinh thần đoàn kết trong lòng nước Mỹ trong bối cảnh thời gian qua nước Mỹ bị chia rẽ và phân hóa sâu sắc. Có lẽ, ông Joe Biden là sự lựa chọn của cử tri Mỹ giữa việc bình ổn và trở lại cuộc sống bình thường, thoát khỏi dịch và những ưu tiên khác.

Thông điệp và tinh thần là quan trọng nhưng vẫn đòi hỏi ông Biden phải có những quyết sách để đáp ứng được những bộ phận cử tri khác nhau, giải được bài toán về đại dịch và kinh tế.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao

ĐẠI SỨ PHẠM QUANG VINH

Ngẫm về chiến thắng của người được gọi tên, kỳ vọng vào một lá thư kết nối

Chiến thắng này cũng cho thấy, mặc dù đương kim Tổng thống Donald Trump đã tạo ra được những thành tích nổi bật về kinh tế trong vòng 4 năm qua với những chỉ số đáng ngưỡng mộ về việc làm, tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể, tuy nhiên, đây cũng không phải là “điểm tựa” để Tổng thống Donald Trump đứng vững trong lòng cử tri Mỹ tại cuộc Bầu cử Tổng thống lần này.

Tuy vậy, điều này cũng đặt ra một vấn đề rằng, con đường phía trước của ông Joe Biden sẽ không hề dễ dàng, một nhiệm vụ “kép” đang chờ đợi ông. Khi nhậm chức, một mặt ông phải nhanh chóng tìm ra những giải pháp cấp bách cho việc khắc phục đại dịch Covid-19, vốn đã và đang là nỗi ám ảnh của người dân Mỹ. Người Mỹ tin rằng nước Mỹ cùng với ông Joe Biden có thể vượt qua được khủng hoảng để trở lại cuộc sống bình thường.

Mặt khác, có thể thấy nước Mỹ đã bị phân hóa sâu sắc, qua cuộc tranh cử lần này lại càng phân hóa hơn, do vậy, ông Joe Biden sẽ phải đứng trước bài toàn hàn gắn và đoàn kết lại nước Mỹ như thế nào. Ngay sau khi ông Biden nghe tin mình đã trở thành tân Tổng thống của nước Mỹ, thông điệp lớn nhất của ông cũng nhằm hướng tới mục tiêu đoàn kết và hàn gắn, nhấn mạnh rằng ông không chỉ đại diện cho đảng Dân chủ mà còn đại diện cho tất cả các công dân của nước Mỹ, cả những người đã bỏ phiếu ủng hộ cũng như những người không bỏ phiếu ủng hộ ông.

Trước một nước Mỹ rối ren nhiều chiều như vậy, thông điệp và tinh thần là quan trọng nhưng vẫn đòi hỏi ông Biden phải có những quyết sách để đáp ứng được những bộ phận cử tri khác nhau, giải được bài toán về đại dịch và kinh tế. Đây là một chặng đường rất khó khăn của ông Biden.

Quá trình chuyển giao
có khác biệt

Tôi làm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ từ 2014-2018, chính trong thời kỳ này tôi đã được chứng kiến cuộc bầu cử Mỹ 2016 và giai đoạn chuyển giao Tổng thống Donald Trump thắng cử.

Vào thời điểm đó, ông Donald Trump và thắng lợi của ông là những nhân tố rất bất ngờ, ông không xuất thân từ chính trường mà từ doanh nghiệp, vì vậy, cũng có nhiều câu hỏi đặt ra với nước Mỹ lúc đó, không rõ rằng ông Trump sẽ tiếp nhận chính quyền mới như thế nào?

Tuy vậy, mọi thứ đã được quy định theo luật pháp Mỹ, tổng thống cũ phải bàn giao hòa bình quyền lực cho tổng thống mới. Từ khi ứng cử viên của 2 đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa được đề cử, những nhóm chuyển giao quyền lực giữa hai phía đã được thiết lập và phối hợp với nhau ngay từ trước bầu cử. Tháng 7, tháng 8 hàng năm, trước khi kỳ bầu cử diễn ra, các nhóm này đã gặp nhau. Các đội chuyển giao quyền lực giữa tân Tổng thống và đương kim Tổng thống gặp nhau để nắm bắt rõ những vấn đề ưu tiên và nhân sự của từng bộ ngành nhất định. Mỗi một tổng thống mới lên nhậm chức, các cán bộ cần phải thay thế trong bộ máy lên tới khoảng 4.000 người, trong đó có bộ máy chính quyền cấp cao khoảng trên 1.000 người cần được sự phê chuẩn của thượng viện. Các nước trên thế giới quan sát sự thay đổi nhân sự chủ chốt và cấp cao này để có thể tiếp cận cũng như nắm bắt được đường hướng chính sách của chính quyền mới.

Ngẫm về chiến thắng của người được gọi tên, kỳ vọng vào một lá thư kết nối

Hãy cùng chờ đợi xem liệu có một lá thư-kết nối hai đời Tổng thống, từ ông Trump viết gửi ông Joe Biden hay không!

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao

ĐẠI SỨ PHẠM QUANG VINH

Năm nay, có vẻ như quá trình chuyển giao có sự khác biệt, sau bầu cử năm 2016, khi có thông báo người thắng cuộc, ứng cử viên Hillary Clinton ngay lập tức đã có tuyên bố thua cử. Thế nhưng năm nay, khi kết quả bầu cử đã được truyền thông nêu rõ, Tổng thống Trump vẫn chưa có tuyên bố chấp nhận thua cử và tiếp tục hành trình pháp lý để kiểm tra lại quá trình kiểm phiếu.

Thêm nữa, trước ngày bàn giao lại Nhà Trắng cho tân Tổng thống mới, thường sẽ có một lá thư để lại, thể hiện sự chuyển giao quyền lực nhưng cũng là lời nhắn nhủ cả về công việc và tình cảm với người kế nhiệm. Ông Obama đã có một lá thư cho ông Trump nói rằng vị trí Nhà Trắng là một quyết sách mà người dân “đưa chúng ta đến đây. Chúng ta vì người dân Mỹ và tuân thủ Hiến pháp”. Hãy cùng chờ đợi xem liệu có một lá thư - kết nối hai đời Tổng thống, từ ông Trump viết gửi ông Joe Biden hay không!

Đối ngoại
và "Hành trình tìm bản sắc"

Về chính sách đối ngoại của nước Mỹ, trước hết, đó là việc ông Joe Biden sẽ phải điều chỉnh cách tiếp cận trên các vấn đề đối ngoại, ngay như về ứng phó với đại dịch Covid-19, cách của ông Biden sẽ thể hiện vai trò toàn cầu của nước Mỹ và cần phối hợp quốc tế, đa phương nhiều hơn.

Ngoài ra, chắc chắn ông Joe Biden cũng sẽ tiếp tục mạch quan hệ đối ngoại dựa trên sự thay đổi quan điểm lâu nay của nước Mỹ về thế giới, thúc đẩy các hệ giá trị về dân chủ nhân quyền, phát triển năng lượng sạch, các chính sách về môi trường,... Nước Mỹ sẽ vẫn muốn duy trì lợi ích cốt lõi và vị thế quốc tế của mình, tuy vậy, nước Mỹ sẽ không “bao cấp” đồng minh và sa đà vào những cuộc chiến tranh kéo dài mà không lối thoát. Dưới thời ông Joe Biden, nước Mỹ cũng sẽ yêu cầu các đồng minh chia sẻ trách nhiệm.

Đặc biệt, khi ông Biden làm Tổng thống, mô hình ngoại giao truyền thống của nước Mỹ chắc chắn sẽ được khôi phục, điều này khiến chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ phần nào dễ đoán định hơn so với thời của Tổng thống Donald Trump. Khác với ông Trump, người tập trung chú trọng vào quan hệ song phương, ông Biden cũng sẽ sớm “khởi động lại” các mối quan hệ đa phương và sử dụng các tổ chức đa phương trong hoạt động đối ngoại của mình.

4 năm qua, tình hình nước Mỹ, tình hình thế giới có nhiều khác biệt, trong bối cảnh đó có những điều ông Biden có thể thực hiện ngay nhưng cũng có những điều ông phải đối mặt với thách thức.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao

ĐẠI SỨ PHẠM QUANG VINH

Ngẫm về chiến thắng của người được gọi tên, kỳ vọng vào một lá thư kết nối

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương chắc chắn vẫn là trọng tâm đối ngoại của Mỹ, khi ông Joe Biden lên nắm quyền. Do vậy, ông Biden sẽ phải đối diện với hai di sản chính sách với khu vực, của hai đời tổng thống trước đó, là chính sách “châu Á- Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của ông Donald Trump và chính sách “Tái cân bằng ở châu Á” của ông Barack Obama.

Hai chiến lược của hai Tổng thống tiền nhiệm có những điểm chung, đó là cho thấy nước Mỹ luôn coi trọng và cần phải gắn kết với khu vực này, coi trọng duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ và quản trị quan hệ, cạnh tranh Mỹ-Trung ở khu vực. Ông Biden sẽ vừa phải kế thừa hai “di sản”, vừa phải cập nhật trước tình hình mới và tạo bản sắc riêng cho mình. Ông Biden sẽ gần hơn với chính sách thời ông Obama mà ông làm Phó Tổng thống, nhưng sẽ không thể “sao chép nguyên bản” vì thời thế đã đổi, song cũng không thể coi như không có, hay làm biến mất di sản của ông Trump về một châu Á-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dựa trên luật lệ, mà nước Mỹ đã dày công đầu tư, tranh thủ đồng minh, đối tác trong 4 năm qua. Thừa kế di sản, nhưng sẽ phải lựa chọn và cập nhật ra sao trong chính sách đối với khu vực còn là một câu hỏi lớn ở phía trước.

Chính sách của Mỹ với các nước lớn như với Nga và Trung Quốc sẽ được điều chỉnh so với chính quyền Tổng thống Trump, tuy nhiên, vẫn sẽ là mạch vừa hợp tác vừa cạnh tranh chứ không chỉ đơn thuần là hợp tác. Bởi lẽ, nước Mỹ lâu nay đã nhìn nhận một Trung Quốc hoàn toàn khác.

4 năm qua, tình hình nước Mỹ, tình hình thế giới có nhiều khác biệt, trong bối cảnh đó có những điều ông Biden có thể thực hiện ngay nhưng cũng có những điều ông phải đối mặt với thách thức. Chắc chắn, việc đưa nước Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có thể được thực hiện ngay. Thế nhưng, câu chuyện Trung Đông hiện nay đã rất khác trước. Trung Đông đang hình thành một tiến trình hòa giải và tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và một số nước Vùng Vịnh, ông Biden chắc sẽ phải “thừa kế” tiến trình này nhưng nếu muốn thực hiện các chính sách Trung Đông như ý nguyện của cựu Tổng thống Barack Obama với ông Biden chắc chắn không phải điều dễ dàng.

Mỹ cần duy trì quan hệ với
Việt Nam

Với Việt Nam, quan hệ Việt-Mỹ suốt chiều dài lịch sử đã minh chứng cho một mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhìn lại 25 năm xây dựng mối quan hệ Việt - Mỹ, gốc rễ quan trọng là xuất phát từ lòng tin, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng thể chế chính trị của hai bên. Dù ai lên làm Tổng thống, Mỹ sẽ vẫn là đối tác rất quan trọng của Việt Nam.

Nước Mỹ chắc chắn cần duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam tại khu vực nói riêng và trên trường quốc tế nói chung.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao

ĐẠI SỨ PHẠM QUANG VINH

Ngẫm về chiến thắng của người được gọi tên, kỳ vọng vào một lá thư kết nối

Bên cạnh đó, 5 năm qua đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ 2 nước. Ví dụ như kim ngạch thương mại song phương, năm 2015 là hơn 40 tỷ USD, và hiện nay đạt mốc 75-77 tỷ USD. Một khía cạnh quan trọng nữa là hợp tác về an ninh quốc phòng cũng đã tăng lên tốt đẹp. Hai nước ra Tuyên bố về tầm nhìn hợp tác quốc phòng và đến năm 2018 có chương trình hành động cụ thể. Câu chuyện về hợp tác trên tất cả các lĩnh vực khác đều được tăng cường, trong đó đặc biệt là hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề quốc tế và khu vực, mà hai bên cùng quan tâm.

Các chuyến thăm, trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên giữa Lãnh đạo hai nước trong những năm qua đã cho thấy sự phát triển không ngừng của quan hệ Việt-Mỹ. Đặc biệt, với vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam hiện nay, nước Mỹ chắc chắn cần duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam tại khu vực nói riêng và trên trường quốc tế nói chung.

Ông Joe Biden là người trực tiếp thay mặt cựu Tổng thống Barack Obama đứng ra chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm lịch sử đầu tiên tới Mỹ năm 2015. Do vậy, ông Biden chắc chắn cũng sẽ tiếp tục lưu tâm tới mối quan hệ với Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình, hy vọng sẽ có những bước tiến quan trọng hơn nữa trong quan hệ song phương thời gian tới.

Ngẫm về chiến thắng của người được gọi tên, kỳ vọng vào một lá thư kết nối

Bài viết: Phạm Hằng

Ảnh: Financial Times, Reuters, NBC, TGVN,...