Ông Rajesh Agrawal, Trợ lý Bộ trưởng, Tổng vụ thương mại, Bộ Công Thương Ấn Độ và bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương tại cuộc họp. (Nguồn: Digpu) |
Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 23 của Ấn Độ trên toàn cầu và thứ 5 trong số các nước ASEAN với tổng kim ngạch thương mại đạt 14,70 tỷ USD trong năm tài khóa 2022-2023. Tổng kim ngạch thương mại với Việt Nam chiếm 11,02% tổng kim ngạch của Ấn Độ với các nước ASEAN. Việt Nam là đối tác nhập khẩu quan trọng của Ấn Độ với các mặt hàng sắt thép và các sản phẩm nông sản bao gồm thịt đông lạnh, thủy sản, ngũ cốc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Tại cuộc họp, hai bên đã điểm lại những tiến bộ đã đạt được trong quan hệ thương mại và kinh tế song phương và trao đổi về những biện pháp phát huy tiềm năng của quan hệ thương mại, giúp cộng đồng doanh nghiệp hai bên có thể khai thác được những lợi ích từ sự hợp tác giữa hai nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Hai bên đã lựa chọn những lĩnh vực sẽ tăng cường hợp tác trong thời gian tới như nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày, dược phẩm, hóa chất, phân bón, máy móc thiết bị, sản phẩm tiêu dùng, năng lượng và công nghiệp ô tô và nhất trí sẽ cùng nhau hợp tác để giải quyết những vấn đề liên quan đến mở cửa thị trường và hàng rào kỹ thuật đối với các nhà xuất khẩu của cả hai bên thông qua cơ chế tham vấn và trao đổi thường xuyên.
Những vấn đề được phía Ấn Độ nêu ra tại cuộc họp bao gồm việc không phê duyệt hồ sơ đăng ký của các đơn vị chế biến thịt và hải sản Ấn Độ, hạn chế đối với các doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ trong đấu thầu mua sắm thuốc tại các cơ sở công lập và việc áp mức thuế chống bán phá giá quá cao đối với sản phẩm sợi polyster và sorbitol của Ấn Độ.
Phía Ấn Độ nhấn mạnh tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ và đề nghị hai bên hợp tác trong lĩnh vực CNTT, dịch vụ tài chính, giáo dục, du lịch, y tế, telemedicine (khám chữa bệnh từ xa), du lịch chữa bệnh và hệ sinh thái khởi nghiệp.
Phía Ấn Độ cũng đề nghị hai bên công nhận bằng cấp của nhau (MRAs) trong lĩnh vực cung cấp chuyên gia, công nhận thẻ thanh toán RuPay, hệ thống thanh toán theo QR và thanh toán giữa hai nước bằng đồng bản tệ.
Hai bên cũng trao đổi về những thách thức liên quan đến hậu cần, ảnh hưởng tới quan hệ thương mại song phương và nhất trí tiếp tục trao đổi để mở tuyến vận tải hàng hải trực tiếp, hợp tác trong vận chuyển hàng hóa và cải thiện kết nối hàng không.