TIN LIÊN QUAN | |
Hoa Kỳ - Việt Nam hợp tác rà phá bom mìn nhân đạo | |
Mỹ tăng cường tài trợ cho công tác rà phá bom mìn ở Lào |
Dự Lễ khánh thành Trung tâm, về phía Bộ Quốc phòng có: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn, Đại tướng Ngô Xuân Lịch; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh; Thiếu tướng Hồ Bá Vinh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn; Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Chánh Văn phòng Chương trình 504, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC); Thượng tá Lương Văn Mạnh, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng.
Lãnh đạo các Bộ, ngành gồm có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Ủy viên Ban chỉ đạo 504; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cùng nhiều vị lãnh đạo các tỉnh thành có bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Đại diện các Đại sứ quán Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Sri Lanka cũng tham dự Lễ khánh thành.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đại diện các Bộ ngành liên quan và các Đại sứ cắt băng khánh thành Trung tâm VNMAC. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Tại Lễ khánh thành Trung tâm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 nêu rõ, trải qua nhiều cuộc chiến tranh liên tục, đất đai và con người Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi số lượng lớn bom mìn.
Do yêu cầu cấp thiết của công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504), và tiếp đến là Quyết định thành lập Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC).
Được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành việc xây dựng trụ sở làm việc hiện đại, có quy mô quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, giúp Ban chỉ đạo Chương trình 504 điều phối các nguồn lực và hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn.
Bộ trưởng khẳng định, với khuôn viên rộng rãi, hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam sẽ hướng tới trở thành Trung tâm hành động bom mìn khu vực và quốc tế, là nơi diễn ra các hoạt động hợp tác quốc tế cả song phương và đa phương trong hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh.
Bộ trưởng yêu cầu Trung tâm chủ động tham mưu, đề xuất và triển khai kế hoạch công tác khắc phục hậu quả bom mìn, bảo đảm an toàn, hiệu quả, không ngừng nâng cao năng lực quản lý và triển khai Chương trình quốc gia khắc phục hậu quả bom mình, làm tốt công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về khắc phục hậu quả bom mìn.
Trung tâm cũng cần chú trọng hợp tác quốc tế, sớm đưa nước ta thành quốc gia không có ô nhiễm bom mìn và xảy ra tai nạn bom mìn; đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân và ra cộng đồng quốc tế nhằm huy động mọi hỗ trợ, thu hút nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện Chương trình; đồng thời tuyên truyền giáo dục để phòng tránh tai nạn rộng khắp trong toàn xã hội, nhất là đối với trẻ em các khu vực bị ô nhiễm.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, hiện nay khắc phục hậu quả bom mìn đã trở thành một nội dung quan trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các đối tác trong khu vực và quốc tế, mà tiêu biểu là sáng kiến của Việt Nam về thành lập Nhóm chuyên gia về hành động mìn nhân đạo trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
Đại tướng bày tỏ sự cảm ơn và kêu gọi các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế, các Đại sứ tiếp tục hợp tác cùng Việt Nam chung tay khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ Trung tâm hoạt động hiệu quả.
Hội nghị đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn
Ngay sau Lễ khánh thành Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, Hội nghị đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã được tổ chức trọng thể ngay tại Trung tâm.
Hội nghị đã tuyên bố chính thức ra mắt Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (MAPG), bao gồm sự tham gia của nhiều Bộ, ngành Việt Nam như Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội… và các địa phương đang còn ô nhiễm bom mìn. Đây là diễn đàn quốc tế trao đổi chính sách hiệu quả, hữu ích cho chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Hội nghị cũng đã công bố Bản đồ ô nhiễm bom mìn Việt Nam trên phạm vi toàn quốc.
Tại Hội nghị, nhiều đối tác quốc tế trong công tác rà phá bom mìn ở Việt Nam cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác, chia sẻ và cùng nỗ lực trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius khẳng định: “Mỹ, Việt Nam và nhiều đối tác khác, mà tôi thấy nhiều vị đại diện của họ có mặt tại đây hôm nay, tập trung vào tương lai và cùng nhau thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng, và phẩm giá con người. Nói một cách đơn giản, thế giới mà chúng ta xây dựng cho con em mình phải tốt đẹp hơn thế giới hiện nay hoặc trước kia. Khi thảo luận về tương lai chung của chúng ta, người Việt Nam thường nói: 'Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai'."
Ông Ted Osius cho biết thêm: “Sự tài trợ hàng năm của chúng tôi, năm nay là 12 triệu USD, phản ánh cam kết vững chắc đó. Trên cả nước, chúng tôi đang hỗ trợ mọi mặt về trợ giúp nạn nhân bom mìn, giáo dục nâng cao nhận thức về nguy cơ bom mìn, xây dựng năng lực, khảo sát và dọn sạch bom mìn chưa nổ. Hải quân hai nước chúng ta đang cùng nhau làm việc về rà phá bom mìn dưới nước. Lục quân hai nước chúng ta đang hợp tác để lồng ghép kinh nghiệm sâu rộng của Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế. Thông qua việc hợp tác này, chúng ta hy vọng tạo ra cho trẻ em một thế giới mà ở đó, trẻ em sẽ tự do đi lại mà không gặp sự sợ hãi nào.”
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ông Harish Parvathaneni nhấn mạnh, với số lượng bom mìn chiến tranh sót lại rất lớn, nhiệm vụ là rất nặng nề. Ông cho biết các chuyên gia hàng đầu của Ấn Độ có khả năng hoạt động ở những khu vực còn sót bom mìn, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nước, và khẳng định cam kết giúp Việt Nam tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình thế giới.
Hội nghị Đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Hội nghị Nhóm Chuyên gia ADMM+ về Hành động mìn nhân đạo
Chiều cùng ngày, Hội nghị Nhóm Chuyên gia ADMM+ về Hành động mìn nhân đạo lần thứ 4 được tổ chức tại Trung tâm.
Việt Nam và Ấn Độ đang là đồng chủ trì đầu tiên của Nhóm Chuyên gia ADMM+ về Hành động mìn nhân đạo giai đoạn 2014-2017.
Tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, với tinh thần trách nhiệm, Việt Nam cam kết hợp tác hết sức mình với các nước ADMM+ và đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Với chủ đề “Tổng kết hoạt động Nhóm Chuyên gia hành động mìn nhân đạo giai đoạn 2014-2017 và bàn giao đồng chủ trì giai đoạn 2017-2020”, Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả diễn tập thực binh kết hợp giữa Nhóm Chuyên gia Hành động mìn nhân đạo và Gìn giữ hòa bình của hai nước Việt Nam và Ấn Độ tại Ấn Độ; tổng kết nhiệm kỳ 2014-2017, thảo luận về định hướng hợp tác trong khuôn khổ của Nhóm trong thời gian tới; và bàn giao cương vị đồng chủ trì nhiệm kỳ 2017-2020 cho Lào và Nga.
Được khởi công ngày 27/4/2015, với nhiều hạng mục được đầu tư xây dựng như Nhà trưng bày, Trung tâm hội nghị, khu Ký túc xá cho học viên bộ đội công binh… VNMAC là nơi làm việc của các đối tác liên quan đến bom mìn; trưng bày, lưu giữ tài liệu, hiện vật về các loại bom mìn, vật nổ do bộ đội công binh dò tìm, xử lý an toàn và các loại trang bị, phương tiện phục vụ công tác dò tìm, xử lý bom mìn; tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế… |
Việt Nam - Hoa Kỳ tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng Ngày 17/10, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã tiếp bà Cara Abercrombie, Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc ... |
Đề nghị Hoa Kỳ tăng cường các dự án rà phá bom mìn tại Việt Nam Ngày 03/03/2015, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách ... |
Mở rộng hợp tác quốc tế để xử lý bom mìn sau chiến tranh Chiến tranh đã lùi xa, song bom mìn, vật nổ còn sót lại thực sự là một hiểm họa về nhiều mặt đối với đất ... |