📞

Khi đồ chơi khơi nguồn sáng tạo cho trẻ

14:39 | 08/12/2016
Nhắc đến những bộ đồ chơi xếp hình thì ai cũng sẽ nghĩ ngay đến thương hiệu Lego. Nhưng không phải ai cũng biết món đồ chơi này có tác dụng phát triển trí tuệ ở trẻ như thế nào.

Lego là một dòng sản phẩm đồ chơi xếp hình phổ biến được tập đoàn Lego có trụ sở tại Billund (Đan Mạch) chế tạo.

Lego quả là loại đồ chơi rất lý tưởng. Tuy chỉ là những mảnh ghép nhỏ xíu (cao 9,6mm) nhưng ẩn chứa trong chúng là câu chuyện về niềm khát khao được vui chơi của nhiều thế hệ trẻ em. 

Đồ chơi Lego mang lại niềm vui và kích thích sự sáng tạo cho trẻ em. (Nguồn: Daily Mail)

Dù có tuổi đời trên 30 năm, hình thù những miếng Lego không thay đổi. Từng miếng Lego đều ăn khớp với tất cả các miếng Lego khác dù miếng Lego đó có "tuổi đời" từ năm 1949 đi chăng nữa. (Năm 1949 là thời điểm miếng Lego đầu tiên ra đời từ ‎ý tưởng của ông Ole Kirk Kristiansen). 

Chặng đường phát triển

Các miếng Lego tiêu chuẩn chỉ sai lệch về kích thước vào khoảng 0,004mm, tức là còn chính xác hơn máy pha café, tivi hoặc thậm chí là điện thoại iPhone. Nhờ vậy mà bạn có thể sử dụng 5.922 miếng Lego để xây lăng mộ Taj Mahal cao 40cm hoặc sử dụng 5.335.200 miếng Lego để lắp ghép "Máy bay Chiến đấu X-Wing".

Công ty Lego bị cho là “thất thủ” vào những năm 1990 do các chuyên gia nhận định cho rằng đa số trẻ em dành thời gian rảnh rỗi ít ỏi cho các game video vào thời kỳ sơ khai của internet thay vì ngồi tỷ mẩn với các miếng ghép lego.

Nhưng sau hàng loạt các động thái mới nhằm vực dậy, kể từ năm 2005, mỗi năm Lego đều tăng trưởng gấp hai lần về doanh thu. Đã có 40 video game về Lego, rất nhiều chương trình truyền hình và phim nói về Lego, ví dụ như The Lego Movie, The Lego Batman Movie…

Lego từng bị coi là những món đồ chơi chỉ dành cho các cậu bé. (Nguồn: Science of Us)

Thuở sơ khai, Lego từng bị coi là đồ chơi dành riêng cho các cậu bé. Theo thống kê thời đó, Lego dành cho các bé gái chỉ chiếm 10% thị phần. Năm 2008, công ty đã dành bốn năm nghiên cứu về thị hiếu của các bé gái và họ nhận ra rằng các cô bé có xu hướng tìm đến các mô hình giống như thật, đầy đủ các chi tiết, màu sắc tươi sáng và rực rỡ. Và kể từ năm 2012 trở đi, đã xuất hiện các mô hình búp bê cao lớn hơn, giống người thật hơn, có mái tóc mềm và mượt hơn để đáp ứng nhu cầu của phân khúc khách hàng này.

Lego sẽ không là gì nếu không thực sự nghiêm túc. Đã có riêng Quỹ Lego dành hơn 30 năm nghiên cứu về thị hiếu vui chơi của trẻ em, ngoài ra, công ty cũng viết rất nhiều bài chứng minh rằng đồ chơi lego rất cần cho sự phát triển của trẻ, ví dụ như giúp trẻ tự giải thoát mình khỏi các điều tiêu cực, cùng chung sức để chiến thắng kẻ địch…

Có người quan niệm rằng đồ chơi lego giống như “Mua một chiếc hộp, mở ra, xem hướng dẫn, lắp ghép mô hình, bày lên kệ, rồi lại mua chiếc hộp tiếp theo.”

Tuy nhiên, Lego phản bác rằng các hướng dẫn chỉ giúp các em hiểu được cách chơi, cũng giống như khi đưa cho bạn chiếc piano, rất ít người có thể chơi được ngay, nếu không được hướng dẫn đôi chút.

Khơi nguồn sáng tạo

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Lego đã gây ấn tượng bằng cách tạo ra mối liên hệ giữa “sở thích tự tay làm nên điều gì đó” của các con với khát khao hòa bình của cha mẹ, những người cho rằng: “khi thế giới đang căng thẳng đến vậy, cần phải có loại đồ chơi không liên quan đến súng đạn”.

Và đó chính là Lego. Một đoạn quảng cáo của công ty thời đó có nội dung “Hãy để các con tự tạo nên hầm trú bom cho riêng mình. Qua đó chiến tranh sẽ không còn quá khắc nghiệt nữa.”

Việc lắp ráp thành công những đồ chơi phức tạp luôn kích thích sự sáng tạo của trẻ. (Nguồn: Child Toys Guide)

Theo các nhà nghiên cứu, Lego là loại đồ chơi luôn kích thích sự sáng tạo và khám phá, nó luôn tạo động lực khiến trẻ phải vận động và làm việc. Lego thực sự không chỉ là đồ chơi lắp ghép, bản chất của nó là đồ chơi giả lập và kể chuyện.

Các chuyên gia về chăm sóc và nuôi dạy trẻ cũng cho rằng, đồ chơi Lego là một trong những sản phẩm giúp trẻ phát triển một cách tốt nhất về trí tuệ, rèn luyện tính tỉ mỉ, khả năng tư duy logic và sáng tạo vô hạn của các em.

Nghiên cứu còn cho thấy, trẻ thường xuyên chơi với các khối hình và Lego sẽ đạt được điểm kiểm tra các môn cần tư duy logic (đặc biệt là môn toán) cao hơn.

(theo Science of Us)