📞

Khi nào Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Linh Chi 08:04 | 30/11/2023
Giới chuyên gia đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến đà trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc có nguy cơ bị đảo ngược. Tuy nhiên, Thống đốc PBOC Pan Gongsheng khẳng định, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn kiên cường.
Kinh tế Trung Quốc đang trải qua một sự chuyển đổi lớn và đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. (Nguồn: DD News)

Đà trỗi dậy có nguy cơ đảo ngược

Thời báo tài chính Financial Times dẫn lời ông Ruchir Sharma, Chủ tịch Rockefeller International cho rằng, quá trình tăng trưởng vượt bậc kéo dài hàng thập kỷ của nền kinh tế Trung Quốc cuối cùng đã đi đến hồi kết.

Nếu tính theo đồng USD danh nghĩa - điều mà ông Ruchir Sharma cho là thước đo chính xác nhất về sức mạnh tương đối của một nền kinh tế - tỷ trọng của Bắc Kinh trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu bắt đầu giảm từ năm 2022 do các biện pháp phòng, chống Covid-19.

Theo ông Ruchir Sharma, cho dù kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục giảm hơn nữa vào năm 2023 và ở mức 17%.

Chủ tịch Rockefeller International nhìn nhận, điều đó khiến Trung Quốc phải đối mặt với mức giảm 1,4 điểm phần trăm trong vòng 2 năm qua - một mức sụt giảm chưa từng thấy kể từ những năm 1960-1970, khi nền kinh tế nước này còn gặp nhiều khó khăn.

Sau thập niên đầu tiên cải cách mở cửa, đến năm 1990, tỷ trọng GDP của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa đến 2%. Tuy nhiên, việc duy trì liên tục con số tăng trưởng trên dưới 2 con số trong thời gian dài nhiều năm tỷ trọng này đã tăng gấp gần 10 lần, lên tới 18,4% vào năm 2021.

"Đây là mức tăng nhanh chưa từng thấy trước đây với bất kỳ quốc gia nào trên toàn cầu. Và điều đó đã đưa đất nước tỷ dân này trở thành cường quốc kinh tế số hai thế giới sau Mỹ", ông Ruchir Sharma đánh giá.

Giới chuyên gia đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến đà trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc có nguy cơ bị đảo ngược. Trước đây, sự phát triển tới mức bùng nổ của kinh tế nước này là do dòng vốn đầu tư lớn bất thường vào cơ sở hạ tầng và các tài sản cố định khác. Trung bình trong các năm từ 2008 đến 2021, dòng vốn đầu tư này chiếm khoảng 44% GDP, trong khi cùng kỳ, tỷ lệ này trên thế giới là 25% và ở Mỹ chỉ khoảng 20%.

Hay tình trạng số sinh thấp của Trung Quốc đã làm giảm tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của thế giới từ mức cao nhất là 24% xuống còn 19% và dự kiến sẽ giảm xuống 10% trong 35 năm tới. Với tỷ lệ người lao động trên thế giới ngày càng giảm, tỷ lệ tăng trưởng nhỏ hơn của cả nền kinh tế Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu gần như là điều chắc chắn.

Khó vượt Mỹ?

Trước đây, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) từng dự báo, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào 2028. Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật mới đây, tổ chức này đã lùi thời điểm thêm 2 năm, tới năm 2030.

Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản nhận định, việc kinh tế Bắc Kinh vượt Washington sẽ không thể xảy ra cho đến năm 2033.

Một số tổ chức khác thậm chí còn hoài nghi khả năng trở thành nền kinh tế lớn nhất của Trung Quốc.

Theo Capital Economics, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm từ mức 5% trong năm 2019 xuống còn 3% và sẽ giảm xuống quanh 2% vào năm 2030. Với tốc độ suy giảm này, Trung Quốc có thể sẽ không đạt được mục tiêu đặt ra vào năm 2020 là tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035.

"Điều đó có thể khiến Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới", Capital Economics dự đoán.

Nhận định về nền kinh tế Trung Quốc, GS. Adam Tooze tại Đại học Columbia nói rằng: “Tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc có thể định hình lại trật tự thế giới. Khoảng trống mà Trung Quốc để lại sẽ được lấp đầy bởi Mỹ và các quốc gia mới nổi khác như Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Brazil…".

"Trung Quốc đang chuyển đổi từ sản xuất và bất động sản - động lực tăng trưởng truyền thống - hướng tới một mô hình kinh tế mới hơn được thúc đẩy bởi tiêu dùng và dịch vụ. Và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay" - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Pan Gongsheng.

Nền kinh tế vẫn kiên cường

Về phía Trung Quốc, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Pan Gongsheng cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trải qua một sự chuyển đổi lớn và đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.

Ông nói rõ, đất nước đang chuyển đổi từ sản xuất và bất động sản - động lực tăng trưởng truyền thống - hướng tới một mô hình kinh tế mới hơn được thúc đẩy bởi tiêu dùng và dịch vụ. Và "nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay".

Ông Pan Gongsheng nhận thấy, tiêu dùng và sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng tốt trong tháng 10.

Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản vẫn đang phải vật lộn với tình trạng doanh số bán hàng trì trệ và giá nhà giảm. Lĩnh vực này đã bùng nổ trong ba thập kỷ nhờ dân số tăng và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Tổng cộng, bất động sản chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc.

Thị trường bất động sản tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã rơi vào khủng hoảng vào năm 2020. Thống đốc PBOC cho hay: “Thị trường bất động sản đang trải qua một số điều chỉnh. Về lâu dài, những điều chỉnh như vậy sẽ có lợi cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế của đất nước. Thị trường nhà ở đang ở giữa một sự chuyển đổi lớn".

Trước bối cảnh này, Thống đốc Pan Gongsheng cam kết sẽ giữ chính sách tiền tệ phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế, mặc dù lạm phát đang “chạm đáy”. Ông cho rằng, giá tiêu dùng tại đất nước tỷ dân dự kiến ​​sẽ tăng trong những tháng tới.

Đặc biệt, trong tháng 11, tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ so với USD có xu hướng phục hồi mạnh. Điều này được cho là sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế Trung Quốc và việc khôi phục niềm tin thị trường.

Truyền thông quốc tế cũng thông tin, các công ty và ngân hàng toàn cầu đang huy động số lượng Nhân dân tệ kỷ lục, điều này đã thúc đẩy đồng nhân dân tệ vượt qua đồng Euro, nhanh chóng trở thành đồng tiền tài trợ thương mại lớn thứ hai toàn cầu.

Ngoài ra, tỷ trọng của nội tệ Trung Quốc trong giao dịch ngoại hối cũng không ngừng tăng lên. Theo khảo sát năm 2022 của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tỷ trọng giao dịch ngoại hối bằng Nhân dân tệ trên thị trường toàn cầu đã tăng từ 4,3% lên 7% trong 3 năm qua.

Ông Thịnh Tùng Thành, cựu Cục trưởng Cục Khảo sát và Thống kê thuộc PBOC nhận định, sự phục hồi của tỷ giá Nhân dân tệ là biểu hiện của nền kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy và bắt đầu phục hồi.

Với những tín hiệu tích cực nói trên, Thống đốc PBOC khẳn định: “Nhìn về phía trước, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn kiên cường. Tôi tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ đạt được mức tăng trưởng lành mạnh, bền vững vào năm 2024 và hơn thế nữa”.

(theo CNN, Financial Times)