Các nghệ sĩ Hàn Quốc biểu diễn Jongmyo Jeryeak tại Paris. |
Tối 18/9, Nhà hát Quốc gia Chaillot ở quận 16, Thủ đô Paris sáng đèn với một chương trình đặc biệt. Gần đó, tháp Eiffel được chiếu sáng bởi màu đỏ và xanh đặc trưng của Taegukgi – quốc kỳ Hàn Quốc. Dòng người kéo nhau về “thánh địa nghệ thuật” này để theo dõi nhạc lễ hoàng gia Jongmyo Jeryeak (âm nhạc tế lễ tông miếu) của Hàn Quốc. Nhiều chính khách quan trọng như Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo Ahn, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Fleur Pellerin đã đến dự.
Báu vật Hàn Quốc trong lòng Paris
Nhạc lễ cung đình phương Đông khá xa lạ với công chúng châu Âu. Tuy nhiên, người Pháp nổi tiếng về thẩm mỹ và sự trân trọng văn hóa, còn Paris có trụ sở UNESCO - nơi hàng trăm kiệt tác của nhân loại từng được công diễn.
Công chúng Pháp đã được thưởng thức màn biểu diễn hoành tráng với hơn 200 nghệ sĩ. Đây là lần đầu tiên toàn bộ các chương, hồi… của Jongmyo Jeryeak được biểu diễn bên ngoài lãnh thổ. Phiên bản ngắn gọn của nó từng được giới thiệu tại Nhật Bản (2000), Italy và Đức (2007).
Jongmyo Jeryeak được xem là báu vật quan trọng nhất trong nền âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, dẫn đầu danh sách các di sản văn hóa phi vật thể của nước này được UNESCO công nhận từ năm 2001. Tuyệt tác này gắn liền với thời kỳ hoàng kim của triều đại Joseon (1392-1910), sử dụng trong các nghi lễ tưởng niệm tổ tiên tại đền Jongmyo ở kinh thành. Người Hàn Quốc tự hào vì tác giả của nhạc lễ này chính là nhà vua vĩ đại nhất lịch sử Hàn Quốc Sejong (Thế Tông). Sau đó, Vua Se Jo (Thế Tổ) quyết định dùng Jongmyo Jeryeak làm âm nhạc nghi lễ cúng tế tổ tiên thay cho nhạc Ahak của Trung Quốc.
Buổi biểu diễn trên là hoạt động mở màn 209 chương trình giao lưu nghệ thuật được tổ chức luân phiên từ lúc đó đến giữa năm 2016 nhân kỷ niệm 130 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn Quốc – Pháp. “Năm Hàn Quốc tại Pháp” khởi động từ tháng 9/2015 đến tháng 8/2016 với 149 chương trình, trong khi “Năm Pháp tại Hàn Quốc” sẽ khởi động từ đầu tháng 1/2016 và kéo dài đến hết năm 2016 với 60 hoạt động. Hàng loạt buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống và đương đại, ẩm thực và nghệ thuật Hàn Quốc sẽ được tổ chức liên tục tại các thành phố lớn như Paris, Nantes, Marseille, Lyon và Nice. Các sự kiện triển lãm nghệ thuật, thời trang, biểu diễn âm nhạc và phim ảnh Pháp cũng sẽ được tổ chức ở Seoul, Busan, Daegu và Daejeon.
Sự gần gũi từ lòng dân
Ông Choe Jun Ho (Đại học Quốc gia Seoul) từng nhận được nhiều câu hỏi về việc một quốc gia châu Âu và một nước Á Đông thì có gì để tương tác với nhau? Hai đất nước cách xa nhau hàng ngàn km có mối lương duyên khởi nguồn từ tận 130 năm trước - năm 1886, khi linh mục Philippe Maubant trở thành nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân đến bán đảo Triều Tiên.
Năm 1886, Pháp và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức sau khi ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Thương mại. Năm 1887, Pháp cử đại diện chính thức đầu tiên của mình đến Hàn Quốc là Victor Collin de Plancy cùng phiên dịch viên Maurice Courant - người sau này được biết đến là "cha đẻ" của ngành nghiên cứu Hàn Quốc tại Pháp. Trong khi đó, ông Hong Jong U được xác nhận là người Hàn đầu tiên đến Pháp vào năm 1890. Ông làm việc tại một viện bảo tàng ở Marseille và trở thành người khởi xướng nhiều chương trình giao thoa văn hóa giữa hai nước.
Tuy có nhiều lần gián đoạn trong thời kỳ Hàn Quốc bị phát xít chiếm đóng 1906-1949 do Đại sứ quán bị đóng cửa nhưng mối quan hệ giữa hai nhà nước vẫn tiếp diễn. Người Hàn Quốc cảm kích việc Paris cử 3.200 binh lính đến hỗ trợ Seoul và gần 300 trong số đó tử nạn trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Ngày nay, hai nước có quan hệ chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực. Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống nước chủ nhà Francois Hollande, Thủ tướng Hwang Kyo Ahn khẳng định văn hóa là một trong những động lực quan trọng để cùng Pháp phát triển mối quan hệ “Đối tác chiến lược trong thế kỷ XXI”.
Có khoảng 7.000 người Hàn Quốc sống ở Pháp và 2.000 người Pháp định cư ở xứ sở kim chi cùng các Trung tâm văn hóa đặt tại Thủ đô của nhau. Đó là cơ sở để hai bên cùng nỗ lực đầu tư mạnh vào những chiến lược ngoại giao văn hóa, để những sự kiện có một không hai như Jongmyo Jeryeak có cơ hội được biểu diễn ở nước bạn một cách trọn vẹn.
Nguyên Bảo (tổng hợp)