📞

Khởi động xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều của Việt Nam

15:56 | 26/02/2019
Sáng nay tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức chương trình Tọa đàm Khởi động xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều của Việt Nam, nhằm góp phần tư vấn, khuyến nghị cho Việt Nam trong xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự và phát biểu chỉ đạo cuộc Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm còn có Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, các chuyên gia của OECD và các bộ ngành, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, học giả và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc Tọa đàm. (Ảnh: Trung Hiếu)

Phát biểu tại cuộc Tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều của Việt Nam được xây dựng với phương pháp đánh giá khách quan, độc lập, đa chiều, liên ngành, liên lĩnh vực về các chính sách phát triển của Việt Nam, từ đó đưa ra các tư vấn, khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam để xây dựng Chiến lược phát triển của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Phó Thủ tướng cho rằng, trong Chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn 2045, báo cáo này cần có những đánh giá sâu sắc các bối cảnh trong và ngoài nước, dự báo những vấn đề trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng, đồng thời, cần nghiên cứu mục tiêu hướng đến một nước phát triển trong giai đoạn này Việt Nam nằm ở trình độ nào trong các nhóm nước công nghiệp, phát triển.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, Báo cáo cần làm rõ đâu là những rào cản đối với phát triển trong các chiến lược, chính sách Việt Nam đang triển khai hiện này, từ đó, khuyến nghị cho Việt Nam trong xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, có tầm nhìn 2045, nhất là các khuyến nghị chính sách xử lý các rào cản đối với phát triển cũng như các chính sách khơi thông và giải phóng các động lực tăng trưởng mới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Chính phủ hoan nghênh việc OECD thực hiện Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều với những đánh giá khách quan, độc lập về các chính sách phát triển hiện nay của Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị về xây dựng chiến lược phát triển của Việt Nam đến năm 2030. Thông qua Báo cáo này, Chính phủ mong muốn OECD chia sẻ với Việt Nam những nhận thức mới, phương pháp, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trên thế giới về thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm".

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Trung Hiếu)

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu nhấn mạnh: "Đây là Báo cáo do OECD phối hợp với Việt Nam xây dựng, nhằm góp phần tư vấn, khuyến nghị cho Việt Nam trong xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030. Bộ Ngoại giao đánh giá cao sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của OECD để sớm khởi động quá trình xây dựng Báo cáo quan trọng này".    

Thứ trưởng thường trực cảm ơn Liên minh Châu Âu, chính phủ Hàn Quốc đã tích cực ủng hộ việc xây dựng Báo cáo.

Thứ trưởng khẳng định, nhìn lại hơn 30 năm tiến hành Đổi mới, Việt Nam đã có bước tiến dài trên con đường phát triển của mình, với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh ngày càng được cải thiện. Bên cạnh việc hoàn tất thực hiện cam kết WTO, Việt Nam đang thực hiện cam kết của 12 Hiệp định thương mại tự do.

Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là 1 trong những quốc gia phát triển ấn tượng, không chỉ về kinh tế mà còn về giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo...

Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều của OECD hỗ trợ cho Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển thông qua cung cấp các đánh giá, tư vấn chính sách phát triển có tính đa chiều, liên ngành, liên lĩnh vực phục vụ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Toàn cảnh cuộc Tọa đàm. (Ảnh: Trung Hiếu)

Để thực hiện mục tiêu này, Báo cáo sẽ thực hiện chương trình hành động cụ thể nhằm đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các cải cách như: Kiến nghị chính sách và xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm bảo đảm việc thực hiện hiệu quả các cải cách; Xác định các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn, nâng cao năng lực dự báo và thích ứng của Việt Nam với các diễn biến, thách thức trong quá trình xây dựng, triển khai Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội sau năm 2021-2030.

Báo cáo cũng xác định một cách đa chiều, tổng thể các rào cản đối với việc thực hiện tầm nhìn phát triển quốc gia; Xây dựng bộ công cụ định lượng nhằm đánh giá quá trình thực hiện và hiệu quả thực hiện kế hoạch hành động.