📞

“Không gian Nhật” ở Hóc Môn

19:00 | 10/02/2016
Đó là khu vườn cảnh Nhật Bản xuất hiện từ cuối Xuân 2014 tại Hóc Môn, một huyện ngoại thành TP. Hồ Chí Minh. Có đến thăm xứ Phù tang, người ta mới cảm nhận hết trong kiến trúc, người Nhật ưa chuộng bố trí một không gian vườn tược như thế nào! Điều đó gắn với một triết lý sống là “đưa thiên nhiên gần lại mình”.
 

Chủ khu vườn - ông Ngô Chánh là một Việt kiều đã sống ở Nhật 24 năm. Có lưng vốn, ông Chánh về nước kinh doanh từ 1993, dành nhiều tiền bạc và công sức thực hiện bằng được ý tưởng “mang” một phần đời sống tinh thần của người Nhật về quê hương. Như ông tâm sự, đây như “món quà cuối đời” ông muốn dành tặng bà con quê nhà...

Nhớ lại mùa Hè năm ngoái, tôi cùng với mấy ông bạn già lần đầu tiên đến “Vườn Đá Hóc Môn” mạn Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh. Tìm được tới nơi cũng là một kỳ công dù có bản đồ trong tay. Dưới nắng gắt, mặt trời đổ lửa khi mới chín giờ sáng đã làm mấy ông lão được phen mệt lử… Nhưng rồi khi bước vào cái không gian Nhật Bản kia, nơi sắc màu của thiên nhiên tràn ngập, anh em tôi đều thấy mình “bõ công”!

Có nhiều cách gọi tên khu vườn. Như bạn tôi sống ở quận Thủ Đức, người đưa sáng kiến tìm thăm vườn thì kêu là Vườn Đá Hóc Môn. Trong khi “người chủ quản” của nó, công ty của ông Ngô Chánh thì lại muốn mọi người nhớ đến cái tên đầy “chữ nghĩa”: Tùng Sơn Thạch Hoa Viên. Còn dân chúng vào thăm do thích thú với đàn cá cảnh Nhật Bản rất đẹp, gọi ngắn gọn là Công viên cá Koi. Sau hết, cái tên thông dụng trên truyền thông và các diễn đàn du lịch là Rin Rin Park. Gọi sao cũng được, miễn hiểu đó là một khu vườn, một “Không gian Nhật Bản” nằm ở huyện Hóc Môn.

Khu vườn nay đã trở thành một điểm du lịch sinh thái quen thuộc và ưa thích của thành phố lớn nhất phương Nam. Nó vừa đẹp vừa độc đáo nếu không muốn nói là độc nhất vô nhị ở Việt Nam cho đến lúc này. Sự độc đáo ở đây chính là nghệ thuật thiết kế và cách bài trí hết sức tinh tế của khu vườn này.

Thế nào là vườn cảnh Nhật Bản?

Có thể chúng ta sẽ thấy thú vị hơn nếu tìm hiểu đôi chút về nghệ thuật thiết kế vườn tược của Nhật Bản trước khi đến Rin Rin Park.

Người Nhật coi trọng nghệ thuật thiết kế một khu vườn cảnh. Cũng như Trà đạo, kịch Noh, việc thiết kế và bài trí vườn gần như là điều không tách rời đời sống tinh thần của nước này.

Nhật Bản nổi tiếng với nhiều vườn cảnh, vườn dạo chơi. Hầu như chúng đều được xây dựng trong sân các Thiền viện, trà thất và nhà ở. Dù nhỏ hay lớn, các khu vườn mang dấu ấn của từng triều đại phong kiến đều có đặc điểm chung quán xuyến - đó là chịu ảnh hưởng của tư tưởng Thiền. Người ta bảo rằng chính giá trị thẩm mỹ Thiền ẩn giấu trong từng chi tiết trong vườn đã làm nên vẻ đẹp đơn sơ mà lại cuốn hút.

Với vườn cảnh, đó chính là nơi “thiên nhiên được nghệ thuật sắp xếp mang lại ý nghĩa tượng trưng”, tức cái vi mô trong vườn gợi lên vũ trụ vĩ mô. Một hòn đá, một gốc cây đặt rải rác đây đó đều mang nét gợi cảm, gợi sự cảm thông giữa con người nhỏ bé và vũ trụ bao la. Người Nhật mến chuộng nét trầm tư trong Thiền, do vậy các vị Thiền sư bao giờ cũng lấy vườn làm nơi thiền định.

Thế còn Rin Rin Park Hóc Môn?

Nói thế này không sợ sai, đây là khu vườn Nhật Bản “hoàn chỉnh” đầu tiên tại Việt Nam. Toàn bộ khu vườn trải rộng tới 20 ngàn m2 nhưng nhìn vào đâu cũng thấy không hề dàn trải hoặc thừa thãi. Tất cả đều chỉn chu, cuốn hút du khách.

Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân cả Việt lẫn Nhật, cùng sự dốc sức đầy nhiệt tâm của ông chủ Ngô Chánh, dường như cây, đá, sỏi, cá ở nơi đây đều như có hồn cốt. Tất cả được bài trí hợp lý đến mức không bắt gặp sự can thiệp nào của “màu sắc” nhân tạo. Thiên nhiên có quyền năng cao nhất và hiện hữu khắp nơi.

Đích thân ông chủ Ngô Chánh lựa chọn hơn 4.000 tấn đá cùng hàng trăm cây Vạn Niên Tùng từ tỉnh Ehime bên Nhật và nhập về Việt Nam. Vạn Niên Tùng có thể sống hàng trăm năm. Cụ thể ở đây có cây đã vượt mốc 700 năm.

 

“Ông vua đá Nhật” là danh xưng dân chơi đá cảnh Sài Gòn tặng cho ông Ngô Chánh quả chẳng quá lời. Con người duyên nợ với đá bền lâu là thế, song lúc ông đưa ra quyết định nhập về ba tảng đá như mấy “trái núi” thì không khỏi có người thân can ngăn. Ông vẫn cương quyết làm dù rất tốn kém. Mấy chữ “Thạch Tâm”, “Mộc Tâm” khắc vào đá tảng đã nói thay tấm lòng ông chủ vườn nay hiển hiện bên lối đi vào vườn.

Đá với Tùng hấp dẫn thì những dòng suối trong vắt nhởn nhơ cả trăm con cá Koi cũng hút mắt khách thăm. Cá được mang từ Nhật về, chúng thuộc giống loài đặc biệt, tuổi thọ có thể lên tới 60–70 năm. Cá Koi màu sắc phong phú và bắt mắt. Tôi đếm được ba con thân trắng muốt, đỉnh đầu điểm một chấm tròn đỏ tươi, in hệt quốc kỳ nước Nhật.

Vườn Nhật khó mà thiếu suối, thiếu ao hồ. Trên mặt nước thường là hình ảnh cây cầu cong, luôn có màu đỏ sẫm. Tại Rin Rin Park Hóc Môn cũng vậy, cây cầu bán nguyệt như vật thể kết nối các phần đất với nhau, tạo cho du khách ngắm cảnh vừa thuận thiện vừa thơ mộng.

Đèn đá Nhật Bản cũng là một điểm nhấn của vườn Nhật. Những cây đèn đá ở Rin Rin Park với kích thước và hình dáng khác nhau dường như được sắp đặt “không thể khác” vị trí mà nó đang ngự.

***

Sự góp mặt của Rin Rin Park đem đến cho người dân đô thị thêm một lựa chọn về du lịch. Một ngày cuối tuần, hoặc dịp nghỉ lễ, điểm đến hợp lý phải chăng là Rin Rin Park?

Là một không gian mở, khu vườn còn rất hợp để tổ chức các sự kiện, triển lãm sinh vật cảnh, hội ngộ bạn bè vì có khu ẩm thực trong khuôn viên. Không gian thấm đẫm màu sắc Nhật Bản này chắc chắn cũng là điểm hẹn cho ai mê thích chụp ảnh. Ở đây mở dịch vụ cho thuê kimono, trâm cài, ô (dù), quạt…, chiều những khách thích thú “cải trang” làm người Nhật. Chỉ thoáng chốc thôi khách đã sở hữu tấm ảnh mong ước, một kỷ niệm không tồi cho ai chưa có dịp đặt chân lên đất nước hoa anh đào… 

Được biết Tùng Sơn – Thạch Hoa Viên còn là nơi dừng chân quen thuộc cho cộng đồng người Nhật và bạn hữu của họ đang làm ăn sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh.

Khu vườn Nhật ở Hóc Môn vậy là góp phần làm bền chặt hơn mối giao hảo văn hóa giữa nhân dân Việt Nam và Nhật Bản.