Giữa cạnh tranh Mỹ-Trung, Indonesia đang có cách tiếp cận cân bằng để hưởng lợi. Ảnh: Jakarta và Washington đã hợp tác xây dựng một Trung tâm huấn luyện hàng hải trị giá 3,5 triệu USD ở Batam, phía nam eo biển Malacca. (Nguồn: Nikkei Asia) |
Hợp tác để tăng sự hiện diện
Cuối tháng 6 vừa qua, Jakarta và Washington đã hợp tác xây dựng một Trung tâm huấn luyện hàng hải trị giá 3,5 triệu USD ở Batam, phía nam eo biển Malacca.
Diễn biến này có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược do trung tâm được quy hoạch gần với các tuyến hải lộ sầm uất giữa Biển Đông và Eo biển Malacca. Động thái này cũng là dấu hiệu mới nhất cho thấy Mỹ đang tăng cường hiện diện ở Indonesia nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Trong buổi lễ khởi công xây dựng trung tâm huấn luyện vào ngày 27/6, Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim khẳng định, sáng kiến này là một phần trong nỗ lực không ngừng của Washington nhằm hợp tác với Indonesia trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ cung cấp thiết bị, hỗ trợ đào tạo và kỹ thuật cho Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia (Bakamla), cơ quan phụ trách điều hành trung tâm. Đại sứ Sung Kim nhấn mạnh: “Là bạn và là đối tác của Indonesia, Mỹ vẫn cam kết ủng hộ vai trò hàng đầu của Indonesia trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực bằng cách chống lại tội phạm trong nước và tội phạm xuyên quốc gia”.
Trung tâm này được xây dựng dựa trên cam kết an ninh ngày càng bền chặt giữa Mỹ và Indonesia. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Indonesia đã nhận được 39 triệu USD viện trợ từ Mỹ vào năm ngoái để hỗ trợ quân sự và an ninh, đào tạo và giáo dục.
Trước đó, Indonesia cũng đã nhận được 5 triệu USD nhằm nâng cao nguồn lực quốc phòng, bao gồm tăng cường an ninh hàng hải của nước này trong giai đoạn 2016-2020. Lực lượng Vũ trang Indonesia và lực lượng quân đội Mỹ khu vực Thái Bình Dương cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung song phương và đa phương như Garuda Shield (Lá chắn Garuda), trong đó tập trung vào nâng cao năng lực gìn giữ hòa bình và phối hợp tác chiến.
Trung tâm huấn luyện hàng hải nêu trên được xây dựng tại một vị trí chiến lược quan trọng nằm giữa Biển Đông và eo biển Malacca, có thể được coi là nỗ lực của Mỹ nhằm tái khẳng định vị thế của Washington với tư cách là đối tác quốc phòng hàng đầu của Indonesia và kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á.
Tiếp cận cân bằng
Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đã thay đổi trên một số khía cạnh. Cuộc cạnh tranh liên tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy Indonesia vào thế khó. Tuy nhiên, Indonesia có một vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực và có thể được hưởng lợi khi hai siêu cường tìm cách tăng cường sự hiện diện của họ ở Đông Nam Á.
Cho đến nay, Indonesia đã tương đối thành công trong việc duy trì quan hệ song phương với hai cường quốc trên thế giới và duy trì nguyên tắc lâu nay về đường lối đối ngoại “tự do và chủ động”.
Cách tiếp cận của Jakarta với hai cường quốc cũng đem lại những lợi ích bổ sung cho nhau. Theo Tiến sĩ Collin Koh, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Singapore, quan hệ của Indonesia với Trung Quốc chủ yếu về kinh tế, trong khi Jakarta gần gũi hơn với Mỹ về mặt quốc phòng và an ninh.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang cố gắng mở rộng phát triển quan hệ quốc phòng với Indonesia. Ví dụ gần đây nhất là hồi tháng 5/2021, Trung Quốc đã tích cực phối hợp với Indonesia trục vớt tàu ngầm KRI Nanggala bị chìm ngoài khơi đảo Bali. Năm 2020, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa để thảo luận về hợp tác xử lý đại dịch Covid-19, bao gồm hợp tác sản xuất vaccine Sinovac của Trung Quốc tại Indonesia, hỗ trợ máy thở, robot khử trùng và các thiết bị y tế khác cho bệnh viện.
Mặc dù mức độ hợp tác quốc phòng của Trung Quốc với Indonesia vẫn kém xa so với mức độ hợp tác quốc phòng giữa Jakarta và Washington song Bắc Kinh lại vượt trội về quan hệ đầu tư và thương mại. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Indonesia sau Singapore, với giá trị đầu tư là 4,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, bất chấp hợp tác kinh tế bền vững giữa Bắc Kinh và Jakarta, các cuộc khảo sát do Pew Research thực hiện cho thấy 48% người dân Indonesia cho rằng đầu tư của Trung Quốc sẽ chỉ gây ra tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là liên quan đến vấn đề việc làm.
Theo The Diplomat, khi tính đến vị trí chiến lược của Indonesia trong thời kỳ cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay, Jakarta cần tối đa hóa tiềm năng hiện có trong mối quan hệ với cả hai siêu cường để duy trì sự thịnh vượng và chủ quyền của mình về lâu dài.
Indonesia nên cải thiện quan hệ quân sự với Trung Quốc và thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư với Mỹ mạnh mẽ hơn. Chỉ khi tạo ra sự cân bằng lớn hơn trong quan hệ với hai siêu cường thì Indonesia mới có thể duy trì chính sách đối ngoại “tự do và chủ động” của mình.