📞

Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình: ‘Vịnh Hạ Long’ ở xứ Tuyên

HÀ ANH 20:00 | 27/12/2020
TGVN. Nhắc đến những địa danh như Na Hang hay Lâm Bình của tỉnh Tuyên Quang, có thể nhiều người còn thấy xa lạ. Và khi đặt chân đến đây rồi, có lẽ bạn sẽ tự hỏi mình tại sao giờ mới biết đến nơi này?...

Cách Hà Nội gần 300km, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình được công nhận danh thắng quốc gia đặc biệt, nằm trên địa bàn của hai huyện miền núi xa xôi và khó khăn của tỉnh Tuyên Quang. Thế nhưng, vượt qua những cung đường cheo leo của vùng cao, vẻ đẹp của danh thắng nơi đây có thể xua tan hết sự mệt mỏi của du khách sau một chặng đường dài gian nan...

Vẻ đẹp của những đảo đá.

Hữu xạ tự nhiên hương

Với diện tích hơn 40 nghìn ha, nằm ở 14 xã, thuộc thị trấn Na Hang và Lâm Bình, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình nằm giữa những cánh rừng đại ngàn dọc đôi bờ sông Gâm và sông Năng, có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, hệ thống hang độc đáo, kỳ thú.

Đến địa danh này vào những ngày tháng 11, lại không phải mùa cao điểm của du lịch, đoàn chúng tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh bình, nguyên sơ ấy như theo cách “hữu xạ tự nhiên hương”. Thậm chí, nếu không đặt kỳ vọng quá nhiều vào một điểm đến còn khá lạ lẫm thì rất có thể bạn sẽ còn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Chỉ cần đặt chân xuống khu bến thuyền ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, chúng ta bắt đầu bước vào một hành trình khám phá đầy thú vị với một hồ nước rộng mênh mang hiện ra ngay trước mắt. Ngồi trên thuyền và ngắm những đám mây bồng bềnh trên những ngọn núi bao xung quanh hồ, nhiều người trong đoàn đã ngỡ mình đang lạc vào vùng tiên cảnh nào đó.

Và rồi, những đảo đá vôi tương tự ở di sản thiên nhiên Hạ Long cũng dần dần hiện ra giữa mặt hồ. Người lái thuyền nói với chúng tôi rằng đó là dãy 99 ngọn núi trùng điệp nối tiếp nhau gắn với truyền thuyết phượng hoàng bay về để tìm kinh đô mới. Tuy nhiên, ấn tượng nhất trong hệ thống núi đá vôi tại Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình chính là danh thắng Cọc Vài, theo tiếng Tày nghĩa là “cọc buộc trâu”, mà giờ đây đã trở thành một biểu tượng sống của du lịch Tuyên Quang.

Cột đá tự nhiên này nổi giữa lòng hồ, gắn với sự tích về chàng trai khổng lồ Tài Ngào chăm chỉ, chịu khó đắp đập ngăn dòng để giữ nước. Chuyện kể rằng, năm đó hạn hạn kéo dài, chàng Tài Ngào nghĩ mãi rồi mới quyết định đắp đập ngăn sông cho nước dâng lên để giúp dân làng. Và Cọc Vài chính là chiếc cọc buộc trâu của Tài Ngào khi chàng cào đá để đắp đập.

Không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Cọc Vài, trên hành trình này, đoàn chúng tôi cũng dừng chân ghé thăm thác Khuổi Nhi, thuộc địa phận xã Thượng Lâm. Nhìn từ xa, thác có nhiều tầng, chảy dài 3km từ trên đỉnh núi xuống lòng hồ mềm mại tựa như suối tóc nàng tiên giữa đại ngàn.

Tại đây, mỗi người được trải nghiệm lội dưới lòng suối trong xanh và được đàn cá suối massage chân - món “đặc sản” không phải nơi nào cũng có được. Cho đến khi về thuyền và kết thúc chuyến thăm quan, các thành viên trong đoàn vẫn nhớ mãi cảm giác dễ chịu và rất “phê” từ đàn cá nhỏ đáng yêu đó.

Thác Khuổi Nhi tựa như suối tóc nàng tiên giữa đại ngàn.

Tiềm năng du lịch cộng đồng

Là mảnh đất đa bản sắc văn hóa dân tộc, Na Hang và Lâm Bình không chỉ có tiềm năng về du lịch sinh thái, tâm linh mà còn có lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Tại đây, chính quyền các địa phương cũng tích cực tạo điều kiện và định hướng giúp người dân làm du lịch.

Một mô hình du lịch đáng được nêu gương là homestay Tài Ngào của Hợp tác xã Thanh niên Thượng Lâm xây dựng dựa trên một ngôi nhà sàn cũ tại bản Nà Tông, do đoàn viên thanh niên trong xã điều hành. Hoạt động từ đầu năm 2019, trung bình mỗi tháng homestay này đón từ 350 - 400 khách, có tháng đón gần 1.000 du khách trong nước và quốc tế.

Từ bốn thành viên chủ chốt, homestay hiện đã mở rộng hơn 20 thành viên cùng góp vốn, góp sức làm du lịch và đã tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương.

Thế nhưng, homestay Tài Ngào chỉ là một trong số gần 30 homestay ở Lâm Bình hoạt động theo mô hình du lịch cộng đồng có vị trí thuận lợi, gần với nhiều điểm du lịch hấp dẫn của Tuyên Quang như hồ Na Hang, thác Khuổi Nhi, hòn Cọc Vài, động Song Long, thác Khuổi Slung, hang Phia Vài, đền Pắc Tạ, các làng nghề truyền thống của người Mông, Tày với nghề thêu, dệt vải…

Trong chuyến đi này, đoàn chúng tôi có cơ hội được nghỉ chân tại homestay Nặm Đíp và Bản Bon thuộc hai xã Lăng Can, Phúc Yên. Chủ nhân của homestay là anh Lương Duy Doanh rất cẩn thận khi lựa chọn nguyên liệu thiên nhiên như tre, nứa, gỗ để thiết kế với không gian thoáng mát, rộng rãi… và đậm sắc màu văn hóa của các dân tộc Tày, Pà Thẻn...

Mới chỉ hoạt động từ tháng 5/2019, Homestay Nặm Đíp và Bản Bon đã thu hút khá đông du khách đến trải nghiệm. Buổi trưa và tối, du khách được trải nghiệm bữa ăn tại một gian nhà sàn rộng, thoáng, mở bốn bên với những món ăn độc đáo do chính chủ nhân địa phương chế biến.

Món ăn của người Tày với cá bống suối, măng rừng nhồi thịt, trứng rán lá hôi, thịt lợn bản nướng ướp mắc khén và hạt dổi, nộm rau dớn rừng, canh rau ngót rừng… Thưởng thức ẩm thực địa phương, được nghe người dân bản địa chia sẻ về cách chế biến món ăn, cũng như được thưởng thức các điệu múa, lời ca truyền thống của các dân tộc là những trải nghiệm thực sự thích thú với du khách.

Danh thắng Cọc Vài, một biểu tượng của du lịch Tuyên Quang.

Hướng tới di sản thế giới

Có thể nói, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình đang là danh thắng có ý nghĩa quan trọng với phát triển du lịch của Na Hang - Lâm Bình nói riêng và của tỉnh Tuyên Quang nói chung. Đây cũng là cơ sở quan trọng để sắp tới, tỉnh Tuyên Quang phối hợp tỉnh Bắc Kạn xây dựng hồ sơ Khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang trình UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dưng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn nên thời gian tới huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, nhân dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tiếp tục huy động nguồn lực, nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng thiết yếu vào các điểm du lịch, ưu tiên khu vực có các di tích, danh thắng.

Cùng với việc bảo tồn và gìn giữ danh thắng quốc gia, Lâm Bình sẽ phát triển các sản phẩm thủ công nghiệp, nghề truyền thống, sản phẩm là đặc sản của địa phương như rượu ngô men lá chất lượng cao huyện Lâm Bình, rau bồ khai, rau giảo cổ lam, rêu đá...

Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giữ gìn không gian cảnh quan, bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, cũng như tăng cường thông tin và quảng bá về thế mạnh của địa phương.

Đến Na Hang, Lâm Bình hôm nay, du khách có thể hòa mình vào với không gian xanh với khoảng 80% diện tích được bao phủ bởi rừng. Tuy nhiên, để khu bảo tồn thiên nhiên này được nhiều người biết đến và phát huy được giá trị của danh thắng quốc gia đặc biệt, cũng như có thể trở thành một phần của di sản được UNESCO công nhận thì nơi đây cần được điểm tô thêm những sắc màu mới mẻ và ấn tượng hơn nữa.

Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình có hệ động vật phong phú và đa dạng sinh học về thành phần, chủng loại, cũng như về số lượng cá thể, trong đó có loài Voọc mũi hếch là loài đặc hữu của Việt Nam, đã được ghi trong sách đỏ thế giới. Tại đây có gần 1.200 loài thực vật bậc cao và là khu vực nhiều rừng nguyên sinh có nguồn gen thực vật phong phú, tính đa dạng sinh học cao. Nơi đây có nhiều di chỉ khảo cổ thời đại đồ đá mới và kim khí, là vùng đất sinh sống của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông và nhiều dân tộc khác.