Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thăm Khu di tích lịch sử Bộ Ngoại giao tại Minh Thanh. |
Đến với Khu di tích
Trước cách mạng Tháng Tám, khu Đồng chùa thuộc xóm Dõn, xã Thanh La, huyện Sơn Dương, sau cách mạng đổi thành xã Tân Tiến, cuối năm 1947 sáp nhập với xã Minh Khai thành xã Quang Trung, năm 1954 lại tách ra thành Minh Khai và Thanh La, đến năm 1969 lại sáp nhập với xã Minh Khai thành xã Minh Thanh.
Đây là một vị trí tiện đường đi lại, đảm bảo an toàn bí mật, khi cần có thể dễ dàng cơ động tiến, lui. Cách địa điểm Bộ Ngoại Giao chừng vài trăm mét là di tích Nha Công an Trung ương thuộc thôn Đồng Đon xã Minh Thanh. Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ Đồng Chùa có thể liên lạc dễ dàng với các cơ quan bộ, ban, ngành đóng tại xã Minh Thanh như: Bộ Y tế, Bộ Lao động, Bộ Tư pháp, Ban Thường trực Quốc Hội, Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông, Bộ Canh nông, Trung ương Đoàn, Tổng Liên Đoàn Lao Động, Nha Thông tin… Cách Đồng Chùa khoảng 7 km về phía Nam là trụ sở Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ, nơi ở và làm việc của chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Từ Đồng Chùa đi khoảng 5 km theo hướng Đông là tới di tích Chi Liền xã Trung Yên, nơi ở và làm việc của đồng chí Tôn Đức Thắng, Quyền trưởng Ban Thường trực Quốc Hội và Mặt trận Liên Việt. Cách Đồng Chùa khoảng 10 km về phía Bắc là di tích Kim Quan, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính Phủ.
Từ thị xã Tuyên Quang qua cầu Nông Tiến, theo quốc lộ 37 đi khoảng 30 km đến thị trấn Sơn Dương, rẽ trái đi theo đường vào khu di tích Tân Trào 13 km, đến đình Hồng Thái đi tiếp khoảng 5 km theo đường nối di tích Tân Trào với di tích Kim Quan thì rẽ trái, từ đây đi ngược dòng suối Lê khoảng 2 km rẽ phải và đi thêm khoảng 500 m (vượt qua suối Lê) là đến Khu di tích Bộ Ngoại giao.
Những năm tháng không thể nào quên
Tháng 12/1946, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc, nơi có vị trí chiến lược thuận lợi, an toàn, nhân dân tuyệt đối trung thành với cách mạng, để chuẩn bị mọi mặt cho việc xây dựng vùng căn cứ địa kháng chiến.
Hai tháng sau ngày toàn quốc kháng chiến, cùng với cuộc tổng di chuyển của Trung ương Đảng, Chính Phủ, các cơ quan bộ, ngành, các cơ sở kháng chiến lên Việt Bắc. Đầu năm 1947, cơ quan Bộ Ngoại Giao từ thủ đô Hà Nội di chuyển lên Hoà Bình, đi thuyền đến Việt Trì, đi bộ ngược lên Phú Thọ rồi tới thị xã Tuyên Quang. Đoàn cán bộ của Bộ Ngoại Giao ở lại thị xã Tuyên Quang chừng mười ngày, sau đó lên đường vào An toàn khu (ATK).
Địa điểm đầu tiên của Bộ Ngoại Giao là Làng Hản, xã Kim Quan Thượng (nay là xã Kim Quan, huyện Yên Sơn), cạnh địa điểm của Bộ Kinh tế. Sau khi ở đây vài tuần, để thuận tiện cho công việc, Bộ Ngoại Giao đã chuyển sang xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Nằm lọt giữa vùng căn cứ địa cách mạng, Minh Thanh có địa thế hiểm yếu, nhân dân địa phương một lòng trung thành với cách mạng, bảo đảm an toàn bí mật, tiện đường giao thông đi lại, có điều kiện hậu cần tốt.
Đầu năm 1947, khi chuyển từ Kim Quan sang Minh Thanh, cơ quan Bộ Ngoại Giao ở nhờ nhà dân trong xóm Dõn. Đồng chí Bộ trưởng Hoàng Minh Giám cùng gia đình ở nhờ nhà ông giáo Hội, các đồng chí cán bộ nhân viên của Bộ ở nhờ nhà ông Nguyễn Minh Châu (còn gọi là ông Cốc). Đây là hai ngôi nhà sàn to của đồng bào dân tộc Tày. Khi Bộ Ngoại Giao đến, gia đình dành một nửa nhà cho Bộ làm nơi ở và làm việc.
Thời kỳ này, ngoài đồng chí Bộ trưởng Hoàng Minh Giám. Bộ Ngoại Giao chỉ có 7 cán bộ:
- Đồng chí Lê Hữu Tân (tức Lê Hiếu) là cán bộ nghiên cứu - Thư ký Bộ trưởng.
- Đồng chí Lê Kim Chung (tức Lê) là chuyên viên Luật Pháp.
- Đồng chí Đoàn Hựu (tức Lê Hiệu) là cán bộ nghiên cứu.
- Đồng chí Nguyễn Duy Phong (tức Lâm) phụ trách Hành chính - Quản trị.
- Đồng chí Ruyện, đánh máy.
- Đồng chí Vân (tức Dần) là anh nuôi.
- Đồng chí Lộ là anh nuôi.
Văn phòng Bộ Ngoại Giao đặt tại nhà cụ Cốc, hàng ngày Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đến đây để làm việc. Thời gian sau, khi số cán bộ nhân viên tăng lên, Bộ ở nhờ nhà bà Tít ở xóm Dõn.
Cuối năm 1950, Bộ Ngoại Giao chuyển địa điểm đến xã Đông Lý (huyện Yên Bình- tỉnh Tuyên Quang nay thuộc tỉnh Yên Bái) và xã Yên Nguyên (huyện Chiêm Hoá - Tuyên quang). Sang đầu năm 1951 Bộ lại chuyển về xóm Dõn.
Do số lượng cán bộ lúc này đã đông hơn nên khi trở về xóm Dõn, cơ quan không ở nhờ nhà dân mà xây dựng cơ sở riêng ở Đồng Chùa, một quả đồi thấp nằm ở bên kia suối Lê, cách địa điểm cũ chừng 1,5 km. Nhà cửa được ban
công tác đội xây dựng gồm hội trường, nhà làm việc, nhà ăn, nhà bếp, khu tập thể gia đình… Bộ trưởng Hoàng Minh Giám và gia đình ở trong một căn nhà nhỏ thuộc xóm Cây Vải (xã Minh Thanh) cách Đồng Chùa khoảng 2 km, gần một hang đá lớn mà nhân dân trong vùng quen gọi là "Hang ông Minh" (Đồng chí Hoàng Minh Giám lấy bí danh là Minh).
Thời gian ở Đồng Chùa, cơ quan được bổ sung thêm nhiều cán bộ. Văn phòng có tới gần 50 người và được chia ra làm nhiều bộ phận như: Phòng nghiên cứu, Phòng tuyên truyền, Phòng kế hoạch quản trị, kết toán … Thời kỳ này đồng chí Phan Hiền là Đổng lý văn phòng, hai đồng chí Phó đổng lý là Lê Hữu Tân và Lê Kim Chung. Nhân viên văn phòng Bộ có đồng chí Hoàng Duy Phong phụ trách hành chính, đồng chí Nguyễn Bá Bảo phụ trách công đoàn, Hoàng Minh Bàn là kế toán, Hoàng Đức Vọng là y tá, các đồng chí khác làm chuyên môn có: Hoàng Mạnh Tú, Nguyễn Bá Chính, Lưu Đoàn Huynh, Nguyễn Văn Cộng, Đoàn Hựu, Vũ Bội Quỳnh, Phiệt, Đức, Tỉnh, Hồng, Hằng, Kim, Vượng, Đình Quang Thụy, Nguyễn Đức Quỳ, Hoàng Thành Trai, Vũ Hoàng, Lâm…
Trong điều kiện kháng chiến gian khổ, thiếu thốn cả về đời sống vật chất và phương tiện làm việc, cán bộ nhân viên Bộ Ngoại Giao đã cố gắng hết sức mình vượt lên mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài giờ làm việc, anh em trong cơ quan tổ chức tăng gia, cải thiện bữa ăn hàng ngày, tổ chức văn nghệ, thể thao, tham gia dạy bình dân học vụ cho đồng bào địa phương… Những hoạt động trên đã giúp anh em cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại Giao có được tinh thần lạc quan phấn khởi sau những giờ làm việc vất vả, căng thẳng, đồng thời thắt chặt mối quan hệ cá nước với nhân địa phương.
Để nâng cao trình độ, nhằm đáp ứng yêu cầu của công việc hiện tại và tương lai, cán bộ nhân viên trong Bộ đã đặc biệt chú trọng đến việc tự học ngoại ngữ, học công tác lễ tân, học luật pháp Quốc tế, nghiên cứu Hiến chương Liên Hiệp Quốc, thu thập, tổng hợp chuẩn bị tài liệu cung cấp ra ngoài hoặc chuyển cho các ngành.
Là nơi Bộ Ngoại Giao đặt trụ sở ở, làm việc với thời gian dài nhất trong kháng chiến chống Pháp, xóm Dõn xã Minh Thanh nói riêng và Tuyên Quang nói chung, là nơi chứng kiến những bước xây dựng, trưởng thành của ngành Ngoại giao Việt Nam. Đây là nơi Bộ đã có những hoạt động, những quyết định quan trọng, nơi diễn ra những sự kiện có ý nghĩa hết sức lớn lao không những đối với ngành Ngoại Giao, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam bị bao vây và cô lập với thế giới bên ngoài. Việc phá vòng vây để mở rộng quan hệ, tranh thủ thêm bạn bè, nêu rõ lập trường chính nghĩa của nhân dân ta và tố cáo tội ác của thực dân Pháp là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Nhiệm vụ công tác ngoại giao lúc này là bằng mọi cách mở rộng thông tin tuyên truyền ra nước ngoài để nhân dân thế giới hiểu rõ và ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chính Phủ đã vạch ra chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại. Cán bộ ngoại giao chủ yếu làm công tác nghiên cứu, tham mưu, giúp việc triển khai hoạt động đối ngoại, phục vụ công tác thông tin đối ngoại trong và ngoài nước. Bộ phối hợp chặt chẽ với Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam để tích cực đóng góp vào các hoạt động tuyên truyền Quốc tế.
Ngày 15/01/1950, từ Đồng Chùa, xóm Dõn Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã gửi thông điệp nhân danh Chính Phủ Việt Nam tuyên bố công nhận nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và tỏ ý sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ. Ngày 18/01/1950, Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai đã gửi thông điệp cho Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám tán thành thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Việc Trung Quốc công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà là một sự kiện rất quan trọng, mở đầu một loạt thắng lợi ngoại giao.
Ngày 23/01/1950, từ Đồng Chùa, xóm Dõn Bộ trưởng Hoàng Minh Giám gửi thông điệp cho Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân đề nghị cùng Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ngày 30/01/1950, Chính Phủ Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Và sau đó, nhiều nước trên thế giới đã công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.
Việc Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân công nhận Chính Phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà là một thắng lợi to lớn về chính trị, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử ngoại giao nước ta. Thắng lợi đó có ảnh hưởng lớn đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam.
Với thắng lợi ngoại giao này chúng ta đã chấm dứt tình trạng Việt Nam chiến đấu trong vòng vây và đánh dấu bước chuyển biến mới của cách mạng. Ta đã hoàn thành việc giải phóng vùng biên giới Việt - Trung, bảo đảm mối liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước đồng minh, giữa Việt Nam và nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Từ trụ sở Bộ Ngoại Giao ở Đồng Chùa, các cán bộ ngoại giao lần lượt được cử đi công tác tại đại sứ quán ta ở Bắc Kinh, Matxcơva và 3 Biện sự xứ tại Nam Ninh, Quảng Châu, Côn Minh (Trung Quốc).
Giữa năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm trụ sở Bộ Ngoại Giao tại Đồng Chùa. Bác đến vào một buổi chiều, khi anh em hết giờ làm việc đang làm vườn xung quanh cơ quan. Cùng đi với Bác có đồng chí Phan Mỹ, Chánh văn phòng Chủ tịch Phủ - Thủ tướng Phủ. Khi Bác đến chỉ có đồng chí Nguyễn Bá Chính do có việc cần làm gấp nên còn ở lại cơ quan. Trong khi đồng chí Chính đi gọi anh em về, Bác thăm nơi ăn, ở, làm việc của anh em. Bác tỏ ý khen anh em ăn ở ngăn nắp, sạch sẽ và khuyên anh em nên học hỏi kinh nghiệm tăng gia sản xuất của cơ quan Phụ nữ Trung ương. Sau đó anh em cán bộ nhân viên tập trung ở sân để nghe Bác nói chuyện về tình hình thế giới và cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Bác động viên cán bộ nhân viên trong cơ quan phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, chuẩn bị mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa.
Hơn tám năm ở và làm việc tại xóm Dõn, cán bộ nhân viên Bộ Ngoại Giao đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, tiếp tục học tập nâng cao kiến thức. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân địa phương nơi đóng quân, cùng bà con chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ nhân dân khi ốm đau, ma chay… Tuyên truyền vận động bà con ăn ở vệ sinh, học chữ quốc ngữ, bỏ các tập tục lạc hậu…
Những năm tháng gian khổ tại chiến khu Việt Bắc, cán bộ nhân viên ngành ngoại giao bằng những chiến công thầm lặng của mình, đã góp phần công sức không nhỏ vào thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cùng quân dân cả nước vượt mọi gian lao, giành độc lập tự do cho dân tộc.
Di tích lịch sử Bộ Ngoại Giao có ý nghĩa và vai trò hết sức lớn lao, với những sự kiện lịch sử trọng đại, từng diễn ra cách đây nửa thế kỷ, đã đi vào lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam, đánh dấu một thời kỳ vừa kháng chiến vừa kiến quốc hào hùng của dân tộc. Những năm tháng sống và làm việc tại Đồng Chùa, xóm Dõn là minh chứng hùng hồn về cuộc kháng chiến anh dũng, kiên cường của nhân dân ta. Di tích là nơi chứng kiến những ngày tháng gian nan vất vả những việc làm, những chiến công thầm lặng của thế hệ ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Năm 2000, thực hiện chủ trương của Chính phủ về xây dựng, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng "Chiến khu Việt Bắc", ATK (An toàn khu), Bộ Ngoại giao đã tiến hành xây dựng và quy hoạch địa điểm Bộ Ngoại giao tại ATK thành một nơi "về nguồn" của cán bộ trong ngành ngoại giao. Năm 2010, đúng dịp 65 năm thành lập Ngành, Bộ Ngoại giao đã tiến hành tu bổ khu di tích này thuận tiện hơn cho cán bộ trong Ngành đến thăm, và cũng tạo thêm sự gắn kết giữa Bộ Ngoại giao với địa phương.
Phạm Văn Chút
Ban Lịch sử-Truyền thống ngoại giao