Sau bảy năm rưỡi, Khu công nghiệp Khâm Châu vẫn là một vùng đất hoang vắng và xa xôi. (Nguồn: SMCP) |
Ngày 1/4/2012, Lễ khai trương Khu công nghiệp Khâm Châu thuộc tỉnh Quảng Tây diễn ra rầm rộ với tham vọng tạo dựng một thành phố quốc tế, công nghệ cao, carbon thấp và khoảng nửa triệu cư dân.
Tuy nhiên, có rất ít nhà đầu tư vào các ngành y sinh, điện tử và năng lượng mới quan tâm đến nơi này. “Giấc mơ Khâm Châu” bỗng chốc chỉ còn là một “chuỗi giá trị quốc tế” chuyên chế biến các sản phẩm có nguyên liệu là tổ chim yến. Chuỗi sản phẩm này vốn liên quan tới việc nhập khẩu nguyên liệu yến sào từ Đông Nam Á rồi được chế biến thành một món súp của Trung Quốc.
Kế hoạch cũ và chiến lược mới
Đến nay, thành phố công nghệ cao được hứa hẹn đã không trở thành hiện thực, Khu công nghiệp Khâm Châu vẫn là một vùng đất hoang vắng và xa xôi. Rất ít nhà đầu tư chọn nơi này là điểm dừng chân, dù là ở mức tối thiểu. Doanh nghiệp duy nhất hiện hữu tại đây là một nhà hàng đồ ăn nhanh có tên Three Brothers, phục vụ các món ăn, thuốc lá và đồ uống cho một nhóm nhỏ công nhân xây dựng ở khu công nghiệp này.
Sự phát triển của các khu công nghiệp thường được coi là yếu tố chính trong công cuộc hội nhập vào chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu của Trung Quốc, cũng như đóng góp vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nước này.
Kể từ khi khu công nghiệp đầu tiên được mở tại Shekou của Thâm Quyến vào năm 1979 để đón nhận đầu tư từ Hong Kong, với các ưu đãi đi kèm như giảm thuế, chính sách về đất đai và phát triển công nghiệp cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại một khu vực được chỉ định, mô hình này nhanh chóng trở nên phổ biến đến mức, hàng chục nghìn khu vực ưu tiên như đã vậy mọc lên trên khắp đất nước. Trong số này, chỉ có khoảng 600 khu được Bắc Kinh chấp thuận và phần lớn do chính quyền tỉnh và thành phố lập ra.
Các khu công nghiệp thường được dựng lên với mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu và phát triển các ngành công nghệ cao hoặc một ngành công nghiệp cụ thể như ô tô hay điện tử. Nhưng chính mục tiêu đó lại đang khiến cuộc đua thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trở thành một “cuộc chiến” ngày càng khốc liệt, khi số nhà đầu tư có hạn còn các khu công nghiệp với các ưu đãi giống hệt nhau thì là cả “một rừng”.
Có diện tích chỉ bằng khoảng một phần mười Hong Kong, nhưng Khâm Châu hiện vẫn đang phải vật lộn để lấp đầy các chỗ trống. (Nguồn: SMCP) |
Nhằm dịu bớt tình hình trên trên, giải pháp chiến lược mới nhất mà Bắc Kinh đưa ra là nâng cấp các khu công nghiệp thành các khu vực thương mại tự do. Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu kế hoạch thí điểm tại Thượng Hải vào năm 2013, vừa tháng trước, trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ ngày càng căng thẳng, Bắc Kinh đã thu hút sự chú ý khi công bố phê duyệt thêm 6 khu thương mại tự do, nâng tổng số lên 18. Theo đó, mỗi tỉnh sẽ dành khoảng 120 km2 để thu hút các nhà đầu tư bằng cách cung cấp các ưu đãi, bao gồm miễn thuế, giảm chi phí hải quan, giảm rào cản gia nhập thị trường và tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới.
Trong kế hoạch thành lập các khu thương mại tự do thí điểm mới, Bắc Kinh nhấn mạnh đây là một quyết định trọng đại, bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy cải cách và mở cửa trong kỷ nguyên mới. Trung Quốc hy vọng, các khu vực thương mại tự do có thể giữ cho nền kinh tế hòa vào dòng chảy thương mại quốc tế và chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như đảm bảo vai trò của nền kinh tế thứ hai thế giới trong bối cảnh gia tăng rủi ro với Mỹ và giữ vị thế đối với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Tuy nhiên, “đến nay, các chính sách ưu đãi chi tiết vẫn chưa sẵn sàng, vẫn chưa có thêm các điểm mới khác biệt so với các chính sách ưu đãi hiện có”, Giám đốc điều hành bộ phận Xúc tiến đầu tư vào Khâm Châu cho biết. Thậm chí, cả độ chuyên nghiệp của các khu thương mại tự do mới cũng không được đánh giá cao, không hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Tên gọi mới, cơ chế mới?
Vào một ngày làm việc bình thường, các trung tâm dịch vụ tại Khâm Châu, Sùng Tả và Nam Ninh hầu như trống rỗng, lác đác một vài nhà đầu tư tiềm năng. Một nhân viên tại Nam Ninh cho biết, hơn một chục doanh nghiệp mới đã đăng ký kể từ khi cơ chế khu vực thương mại tự do được phê duyệt, nhưng tất cả đều là các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong tháng 7, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Quảng Tây là 570 triệu USD, tăng tới 75% so với một năm trước đó. Tuy nhiên, tại Khâm Châu, vốn FDI đã giảm 71% xuống chỉ còn 22,8 triệu USD.
Các trung tâm dịch vụ tại Khâm Châu, Sùng Tả và Nam Ninh hầu như trống rỗng. (Nguồn: SMCP) |
Tuy nhiên, sẽ không dừng ở đó, cuộc chiến thương mại với Mỹ đang khiến nhiều nhà đầu tư cân nhắc đến bài toán dời bỏ Trung Quốc tìm đến những nơi ngoài tầm ảnh hưởng của cơn thịnh nộ mang tên Trump và Quảng Tây đang đứng trước “chiến tuyến”. Theo một báo cáo do Cục thống kê Quảng Tây công bố hồi tháng 8, các doanh nghiệp gia công thương mại, đặc biệt là điện tử đang đẩy nhanh cuộc di cư tới các nước Đông Nam Á, để giảm thiểu tác động từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.
Trên thực tế, độ hấp dẫn của các nước láng giềng Đông Nam Á ngày càng tăng. Có rất ít lý do để các nhà xuất khẩu lựa chọn những điểm đến tại Trung Quốc, trong khi họ có thể trực tiếp đến Đông Nam Á, Gao Jian, một đại lý chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp tại Trung Quốc tìm các địa chỉ kinh doanh mới cho biết. Theo đó, ưu đãi về đất đai, môi trường việc làm, trình độ của người lao động, chi phí sản xuất thấp hơn và chính sách cởi mở hơn… là những ưu thế của họ.
GS. Simon Zhao của Đại học Quốc tế - cơ sở đào tạo được thành lập bởi Đại học Sư phạm Bắc Kinh và Đại học Baptist Hong Kong nhận định, các khu vực thuộc nội địa Trung Quốc như Quảng Tây, mặc dù có cơ chế thương mại tự do vẫn sẽ gặp khó khăn hơn bao giờ hết để thu hút đầu tư nước ngoài, bởi vì, ngay cả những nơi như Thượng Hải hay Quảng Đông còn phải đi xa hơn để tung ra những “tấm thảm đỏ”.
Theo phân tích của GS. Zhao, chỉ khi nào các cơ chế mới thực sự được vận hành và chứng minh được tính hiệu quả; luật pháp và hệ thống tài chính phù hợp với tiêu chuẩn hàng đầu thế giới, thì những nơi đó mới có thể trở thành một khu vực thương mại tự do thực sự, đồng thời tạo nên một hệ thống mới đáng để thử nghiệm.
Hiện tại, có rất ít hứng khởi về các cơ chế thương mại tự do mới. Ông Xie Sange, người điều hành nhà hàng đồ ăn nhanh Three Brothers ở Khu công nghiệp Khâm Châu tỏ rõ sự băn khoăn, liệu một cái tên mới có đủ để giúp doanh nghiệp nhỏ của mình thay đổi hay không.
“Quảng Tây đã có nhiều khu kinh tế như vậy, với các cái tên như khu vực thương mại tự do, khu thương mại xuyên biên giới, nhưng tất cả dường như đang cho thấy sự thiếu hiệu quả trong việc thu hút dòng vốn đầu tư hay thúc đẩy tổng sản phẩm địa phương”, ông Xie Sange chia sẻ trong nhà hàng vắng vẻ của mình.