Thời tiết là một trong những yếu tố quyết định khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. (Nguồn: Global Times) |
Các kho dự trữ khí đốt tự nhiên trên lục địa này đã gần đầy. Việc bảo quản những kho dự trữ đó, đặc biệt là trong mùa Đông, sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, nhu cầu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của châu Á và nguồn cung khí đốt ít ỏi từ Nga.
Công ty tư vấn Timera Energy của Anh nhận định, những yếu tố nói trên có thể “gây ra sự biến động mạnh và đòi hỏi các chính phủ trong khu vực phải can thiệp mạnh tay để giảm nhu cầu”. Những gì diễn ra ở châu Âu trong mùa Đông này cũng có khả năng định hình thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu trong năm tới.
Yếu tố quyết định
Ông Tom Marzec-Manser, Trưởng bộ phận phân tích khí đốt tại ICIS cho biết, nếu tất cả các đường ống cung cấp khí đốt của Nga cho Liên minh châu Âu (EU) bị dừng lại, các nước thành viên vẫn có thể vượt qua mùa Đông. Tuy nhiên, khối sẽ phải đạt được mục tiêu cắt giảm nhu cầu khí đốt tự nguyện ở mức 15% và thời tiết không quá lạnh.
Ông nói: “Mối quan tâm trên thị trường hiện nay là làm thế nào để châu Âu có đủ nguồn cung khí đốt và LNG vào mùa Hè tới để các kho dự trữ lại được lấp đầy trước mùa Đông năm 2023. Nếu không có khí đốt Moscow, làm thế nào để đạt mục tiêu này, đây sẽ là một câu hỏi khó”.
Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu giảm 44% so với cùng kỳ năm 2021. Khí đốt bắt đầu giảm mạnh trong mùa Hè năm 2022 khi căng thẳng giữa Nga với phương Tây về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 bảo trì và gặp sự cố.
Nguồn cung cấp khí đốt của Nga vẫn đang chảy nhỏ giọt vào châu Âu thông qua Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay, sự thay đổi dòng chảy khí đốt của Nga đã tạo ra "những rủi ro chưa từng có" đối với an ninh nguồn cung khí đốt của châu Âu.
Công ty Timera Energy lưu ý rằng, thời tiết có thể sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường khí đốt trong mùa Đông này ở cả châu Âu và châu Á. Nhiệt độ lạnh hơn có thể khiến nhu cầu khí đốt của châu Âu tăng mạnh.
Nhà phân tích năng lượng độc lập Neil Atkinson cũng nhận thấy, thời tiết sẽ là yếu tố quyết định liệu EU có thể vượt qua mùa Đông hay không.
IEA cho rằng, duy trì kho dự trữ khí đốt ở mức thích hợp thời gian tới sẽ là yếu tố quan trọng để ứng phó với đợt lạnh mùa Đông và đảm bảo an ninh nguồn cung vào năm 2023.
Phân tích của IEA cho thấy, việc cắt giảm nhu cầu khí đốt ở châu Âu xuống 9% so với mức trung bình 5 năm sẽ là cần thiết để duy trì mức dự trữ của châu lục trên 25%, đặc biệt nếu dòng chảy LNG giảm.
Cạnh tranh với châu Á
Việc nhập khẩu LNG của châu Âu thời gian tới phần lớn sẽ phụ thuộc vào thị trường khí đốt tự nhiên châu Á.
Ông Felix Booth, người đứng đầu LNG tại Vortexa nói rằng, thị trường châu Á đang bình tĩnh tiến vào mùa Đông. Các quốc gia trong khu vực này chủ yếu đang mua LNG với các hợp đồng dài hạn.
Trung Quốc - nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới - đang mạnh tay nhập khẩu LNG và khí đốt Nga, cùng với các nhiên liệu khác như than đá. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể nhập khẩu nhiều nhiên liệu hơn trong mùa Đông tới nếu thời tiết lạnh hơn.
Tập đoàn Dầu khí và hóa chất Trung Quốc cho hay, thâm hụt nguồn cung khí đốt có thể xuất hiện sớm vào mùa Đông nếu nhiệt độ lạnh hơn và các chính sách hạn chế sự lây lan của Covid-19 được nới lỏng.
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cũng cho rằng, hiện tượng thời tiết La Nina nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong suốt mùa Đông, có thể khiến nhiệt độ giảm sâu hơn.
Hơn nữa, chính phủ Nhật Bản trong tháng này tiết lộ, họ sẽ tăng mua LNG, nếu các công ty tư nhân không thể đảm bảo đủ nguồn cung trong bối cảnh thị trường cạnh tranh hơn.
Nhà phân tích Laura Page của Kpler nhấn mạnh: “Những rủi ro lớn nhất là thời tiết và sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc - hai yếu tố có khả năng thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu LNG và thu hút nguồn cung ra khỏi châu Âu”.
Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến
Theo các chuyên gia, một cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài nhiều năm đang xuất hiện. Ông Atkinson nhận định: “Tôi nghĩ điều tồi tệ nhất có thể sẽ đến vào năm 2023. Châu Âu phải nỗ lực rất nhiều để bù đắp những gì đã mất từ Nga”.
Mỹ đã cung cấp một phương án khả thi cho châu Âu. Theo dữ liệu của Kpler, trong 9 tháng đầu năm, 43% tổng lượng LNG nhập khẩu của châu Âu là từ Mỹ. LNG gần như thay thế nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga cho khu vực này.
Tuy nhiên, ông Atkinson nhấn mạnh rằng, Mỹ không thể gửi nhiều LNG đến châu Âu hơn mức hiện tại. Không có sự bổ sung đáng kể nào được có thể đưa đến khối thời gian tới.
Hiệp hội cung cấp khí đốt tự nhiên (NGSA) cho hay, các nhà sản xuất LNG của Mỹ sẽ hoạt động ở công suất tối đa. Xuất khẩu của Mỹ được dự báo sẽ đạt trung bình 13,4 Bcf/ngày trong mùa Đông này, so với mức 12,2 Bcf/ngày của năm ngoái.
Nếu châu Âu muốn tăng mua LNG trong năm tới, khu vực này sẽ phải trả giá cao hơn.
Những vấn đề kể trên sẽ tạo áp lực lên các chính phủ ở châu Âu, những quốc gia đang phải vật lộn ứng phó với tình huống tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng.
Chuyên gia Atkinson nói: “Tôi nghĩ rằng, các nhà hoạch định chính sách đang lên kế hoạch về một thị trường năng lượng không có bất kỳ nguồn cung cấp nào từ Nga. Tôi nghĩ đó là một sự thay đổi lớn, dù muốn hay không”.