Khủng hoảng năng lượng: Pháp-Đức lộ lục đục, cố tìm điểm chung ‘hâm nóng’ quan hệ liên minh. Ảnh: Các nhà lãnh đạo châu Âu thăm Ukraine, ngày 16/6/2022, nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Kiev. (Nguồn: AP) |
Tại Pháp hay tại Đức?
Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính, Công nghiệp và An ninh Kỹ thuật số Pháp Bruno Le Maire vừa lên tiếng cho rằng, mối quan hệ căng thẳng giữa Pháp và Đức trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng, cần được "thiết lập lại" để xây dựng một liên minh mạnh mẽ hơn giữa hai "đầu tàu" của Liên minh châu Âu (EU).
Theo truyền thống, mỗi quan hệ này chính là động lực thúc đẩy các sáng kiến chính sách rộng lớn hơn của EU, nhưng nay đã rơi vào khó khăn khi các chính phủ chủ động tạm lùi một cuộc họp bàn về hợp tác - vốn đã được lên kế hoạch vào tuần tới, cho đến tháng Giêng năm sau, do bất đồng về chính sách năng lượng và quốc phòng.
Ông Le Maire, một người nói tiếng Đức, thông thạo với các mối quan hệ chính trị lâu năm ở Đức, nhận định, các mối quan hệ hiện đang rất "khó khăn", trước hết là vì cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến Berlin nghiêng về phía Washington, trong khi Paris lựa chọn những gì thuộc về "chủ quyền của châu Âu".
“Việc ngừng các dòng khí đốt từ Nga cho thấy rõ hơn sự phụ thuộc của Đức. Mô hình năng lượng của nước Đức chính là một vấn đề lớn, trong khi Pháp đang chủ động thực hiện một nỗ lực mới, đối với năng lượng hạt nhân”, ông Le Maire nói.
Một ngày sau cuộc họp với các Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Đức, tại một hội nghị kinh doanh, ông Le Maire đặt vấn đề rằng, “cuộc xung đột ở Ukraine, câu hỏi về khí đốt và năng lượng và vấn đề Trung Quốc khiến chúng ta phải định nghĩa lại chiến lược quan hệ Pháp-Đức”. Vị Bộ trưởng người Pháp tin tưởng, điều đó sẽ "tạo ra một liên minh mới, có thể mạnh hơn, bằng cách thiết lập lại một số vấn đề nhất định.
Các quan chức Pháp đã bày tỏ sự thất vọng với những gì họ nói là một loạt quyết định đơn phương của Đức, bao gồm gói năng lượng 200 tỷ Euro (195 tỷ USD) do Berlin công bố, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng trong nước, mà không đưa ra cảnh báo trước cho Paris.
Về phần mình, Pháp đã khiến các quan chức Đức tức giận khi phản đối đề xuất của Đức và Tây Ban Nha về việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới qua dãy núi Pyrenees để thay thế nguồn cung cấp của Nga đang cạn dần. Thay vào đó, Paris muốn tập trung đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Quyết định của Berlin trong việc mua sắm các hệ thống vũ khí từ Mỹ thay vì châu Âu cũng đã khiến Pháp phải sửng sốt.
Quan hệ vẫn là quan trọng, nhưng...
Quan hệ Pháp-Đức có dấu hiệu căng thẳng hơn nữa khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Berlin có nguy cơ bị cô lập ở châu Âu trong các nỗ lực kiềm chế chi phí năng lượng vẫn đang tăng cao.
Lâu nay, hai nền kinh tế lớn nhất của khối vẫn thường tìm cách thể hiện sự thống nhất và điều chỉnh tốt các lập trường chung trước các cuộc họp với đối tác trong Liên minh, nhưng Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels tuần trước - Thượng đỉnh lần thứ 2 trong vòng 2 tuần, đã không còn được như vậy. Dù cuối cùng, các nhà lãnh đạo EU vẫn đạt được thỏa thuận về một lộ trình kiểm soát giá năng lượng, nhưng sự chia rẽ về cách giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng và kiềm chế giá leo thang vẫn tỏ ra quá sâu sắc, khó che đậy hết.
Ông Macron nói với các phóng viên khi đến sự kiện rằng, điều quan trọng là phải đạt được sự nhất trí giữa các quốc gia thành viên và kêu gọi chống lại sự cô lập của Đức. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Le Maire chỉ ra cụ thể rằng, trước ngưỡng của sự chia rẽ, hai quốc gia dẫn đầu cần tái khởi động một số lĩnh vực để tạo ra một liên minh - thậm chí còn phải mạnh mẽ hơn trước.
Tuy nhiên, “mọi vấn đề có dễ dàng vào lúc này không?... không. Điều đó có thể hiểu được không?... có”, ông Le Maire tự đặt câu hỏi và tự trả lời. "Điều đó sẽ dẫn chúng ta đến một định nghĩa lại chiến lược về quan hệ giữa Pháp và Đức".
Gần đây, mối quan hệ đã trở nên bế tắc, khi các nước láng giềng xung đột quan điểm về một loạt vấn đề, bao gồm cơ sở hạ tầng năng lượng, năng lượng hạt nhân, gửi vũ khí cho Ukraine và các dự án quốc phòng chung.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đối mặt với áp lực lớn hơn, do ông phải miễn cưỡng để EU thực hiện các bước kiềm chế giá khí đốt tự nhiên tăng cao, có nguy cơ đẩy khối này vào suy thoái.
“Anh cả” Đức cũng khiến các đối tác EU bối rối khi khiến họ bất ngờ với cam kết chi 200 tỷ Euro nói trên, để bảo vệ nền kinh tế của mình, khiến không chỉ có Pháp, mà tất cả các nước láng giềng có quyền lực tài chính kém hơn lo ngại bị bỏ lại phía sau.
Và tất nhiên không chỉ Pháp, mà các thành viên khác đều cho rằng, kế hoạch bơm tiền để hỗ trợ ngành năng lượng trong nước của chính quyền Thủ tướng Scholz đe dọa sự đoàn kết trong khối, có nguy cơ bóp méo thị trường năng lượng và có thể làm gián đoạn dòng chảy điện, khí đốt tự nhiên xuyên biên giới.
Tổng thống Pháp Macron cho biết, ông sẽ thảo luận với Thủ tướng Đức Scholz và các nhà lãnh đạo châu Âu khác trọng tâm về nhu cầu ổn định tài chính với các khoản vay và cơ chế bảo lãnh.
Tuy nhiên, chính phủ liên minh của Đức lại đang chia rẽ về vấn đề này. Quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner là không cần các công cụ mới, vì vẫn còn nguồn lực trong các quỹ khác và nền kinh tế đủ mạnh.
Tất nhiên, cơ hội đàm phán thêm về các vấn đề, bao gồm năng lượng và tài chính của EU, vẫn đang mở, khi họ còn nhiều điều kiện gặp nhau trong thời gian tới, nếu muốn.
Trong đó, một cuộc họp nội các chung đang được thúc đẩy để có thể diễn ra vào một ngày sớm nhất. Nhưng như Bộ trưởng Le Maire tiết lộ, đây vốn là một cuộc họp thường xuyên được khởi tạo từ cách đây 20 năm với mục đích tăng cường sự phối hợp - nhưng đã bị trì hoãn do “những khó khăn trong chương trình nghị sự”.
Tổng thống Macron dù khẳng định "không có sự đổ vỡ" trong mối quan hệ Pháp-Đức, nhưng cho biết, quyết định trì hoãn chỉ mang tính "kỹ thuật" vì thực tế, một số quan chức Berlin đã không có mặt - mặc dù, phía trước có "rất nhiều việc phải bàn".
Về phía Đức, Bộ trưởng Lindner cũng nói rằng, quan hệ Pháp-Đức vẫn là “quan trọng” đối với sự phát triển của EU. Còn Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck chia sẻ, “thành thật mà nói, khi Pháp và Đức tìm thấy điểm chung, đó luôn là tin tốt cho toàn châu Âu”.
| Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 25/10: Tỷ giá USD, Euro, CAD, Yen Nhật, Bảng Anh... Lãi suất tăng 'khủng', BOJ can thiệp, đồng Yen nhảy vọt Cập nhật tỷ giá ngoại tệ hôm nay 25/10, tỷ giá USD, Euro, CAD, Bảng Anh, Yen Nhật, tỷ giá hối đoái... Lãi suất tăng ... |
| Giá vàng hôm nay 25/10, Giá vàng giảm, nín thở đợi Fed bớt ‘diều hâu’; USD và dầu mỏ đè nén kim loại quý; Vàng SJC thuận chiều Giá vàng hôm nay 25/10, Giá vàng giảm khi đồng USD tăng giá và nhà đầu tư hy vọng về một Fed bớt “diều hâu” ... |
| Khủng hoảng năng lượng: Không chỉ châu Âu... thiếu Nga, Mỹ cũng phải 'bó tay' Ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân của Mỹ cũng đang vật lộn để tìm sự thay thế cho một loại nhiên liệu uranium làm ... |
| Ukraine thúc viện trợ, Mỹ và đồng minh châu Âu 'lục đục' vì… tiền Mỹ và đồng minh phương Tây đang gia tăng “lục đục” vì tình hình xấu đi của kinh tế Ukraine. Thậm chí, các quan chức ... |
| Báo Pháp: Hết 'thuốc chữa’ khủng hoảng năng lượng, châu Âu bên bờ hoảng loạn Báo Le Monde vừa có bài viết “Khủng hoảng năng lượng: Các nước châu Âu bên bờ vực hoảng loạn”, trong đó nhận định tại ... |