Gig economy – tạm dịch là kinh tế tự do, trong đó người lao động thay vì làm cố định cho một công ty có xu hướng tạm thời tự do hóa công việc của mình ở nhiều công ty khác nhau... Với tỷ lệ người lao động ưa làm các công việc tự do ngày càng lớn hơn, đã có lúc nhiều người cho rằng nền kinh tế thế giới vào khoảng năm 2040 sẽ có một diện mạo khác, khó có thể nhận ra. Tuy vậy, tác giả Patrick Gillespie của CNNMoney lại có bài viết cho rằng dù có tốc độ tăng trưởng đang tăng rất nhanh, nhưng loại hình kinh tế này chỉ chiếm một phần siêu nhỏ.
Định hình khái niệm lao động mới
Tác giả dẫn chứng từ nghiên cứu của nhà kinh tế học Alan Krueger thuộc Đại học Princeton, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh tế của Nhà trắng 2011-2013. Theo ông Krueger, dù nhóm này có tốc độ phát triển ấn tượng nhưng chỉ là một nhóm nhỏ. Tại Mỹ, chỉ có khoảng 0,5% lực lượng lao động Mỹ làm việc theo kiểu trung gian trực tuyến cho Uber và Taskrabbit, theo nghiên cứu của Krueger. Điều này có nghĩa, trong 159 triệu người Mỹ ở độ tuổi lao động, chỉ có khoảng 800.000 người thuộc nhóm gig economy.
Những nghiên cứu tương tự của Krueger được đưa ra vào thời điểm xã hội ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề về gig economy. Một mặt, hiện tượng lao động tự do này bùng nổ khắp nước Mỹ và trên thế giới, nhưng mặt khác, những nền tảng trực tuyến mà lao động thuộc dạng này đang làm việc cho như Uber, Airbnb,... cũng đang phải đối mặt với làn sóng ngày càng tăng của các cuộc biểu tình và các vấn đề về pháp lý.
Uber, Airbnb,... cũng đang phải đối mặt với làn sóng ngày càng tăng của các cuộc biểu tình và các vấn đề về pháp lý (Nguồn: Triplepundit). |
Khái niệm về một “gig worker” (tạm dịch: người lao động tự do) cũng khiến người ta đặt câu hỏi về quyền của người lao động, liệu họ chỉ là người làm thuê tạm thời hay là lao động theo hợp đồng. Vấn đề này cũng đã thu hút sự chú ý của bà Hillary Clinton và nhiều nhà lãnh đạo khác ở Mỹ, theo nhà kinh tế này.
Báo cáo của JPMorgan Chase chỉ ra rằng tỷ lệ tham gia hàng tháng của nhóm “kinh tế tự do” đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2012 đến 2015. Về lương, một lao động trong nhóm nhân lực trực tuyến như của Taskrabbit kiếm được khoảng 2.500 USD mỗi tháng, ít hơn so với mức thu nhập trung bình hàng tháng của một người lao động bình thường ở Mỹ là 3.500 USD, theo số liệu của Bộ lao động Mỹ. Tuy vậy, họ lại có thể tham gia nhiều công ty với những mức lương khác nhau. Thêm vào đó, để phản biện lại ý kiến này, CEO của TaskRabbit Stacy Brown-Philpot cho biết những người làm việc cho họ có thu nhập trung bình 35 USD/giờ, gấp nhiều lần so với lương tính theo giờ tối thiểu của Mỹ vốn chỉ là 7,25 USD.
Chưa được kiểm soát rõ ràng
"Chúng tôi đang thực sự tạo ra việc làm cho người dân hàng ngày", bà Brown-Philpot nói. Bà cho biết họ cũng giúp cho người lao động có thể tham gia làm việc bất cứ lúc nào họ muốn. Dù không giống như cách sử dụng lao động thông thường, nhưng TaskRabbit cũng có kiểm soát về lý lịch người lao động để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sử dụng của những khách hàng tiềm năng của họ. Do vậy, những người làm việc cho TaskRabbit cũng có thể bị sa thải. Những người này nửa giống như được thuê tự do, nửa lại giống như lao động theo hợp đồng có điều kiện.
Uber cũng gặp vấn đề tương tự. Uber quyết định giá của chuyến đi nhưng tài xế lại đặt giờ của riêng họ. Cách đây hai tuần, Uber lại dính vào hai vụ kiện từ phía tài xế bởi họ cho rằng họ chỉ là người làm thuê tự do nhưng lại bị đối xử như nhân viên làm việc theo hợp đồng. Uber đã đồng ý trả số tiền lên tới 100 triệu USD cho 385.000 tài xế nhưng tư cách lao động của các tài xế vẫn đang còn tranh cãi, và theo Krueger, họ thuộc nhóm lực lượng lao động xám mà luật lao động Mỹ còn chưa phân biệt rõ ràng.
Uber đã đồng ý trả số tiền lên tới 100 triệu USD cho 385.000 tài xế nhưng tư cách lao động của các tài xế vẫn đang còn tranh cãi (Nguồn: Triplepundit). |
Điều này cũng từng được các quan chức Mỹ thừa nhận. Hồi tháng 12 năm ngoái, Bộ Lao động nước này đã tổ chức diễn đàn “Tương lai của lực lượng lao động” nhằm tìm hiểu sâu hơn về nền kinh tế tự do gig economy này. Sau đó đến tháng Một năm nay, Bộ trưởng Lao động Tom Perez đã tuyên bố rằng những lao động tự do theo kiểu này cũng được tính vào số lao động có việc làm chính thức, theo cách tính mới sẽ được triển khai vào tháng 5/2017.