Theo đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị lùi thời hạn đến 1/1/2013 mới thu phí bảo trì đường bộ đồng thời mức thu phí năm 2013 bằng 60% mức đề nghị hiện nay. Phấn đấu sang năm 2014 thu phí bằng thẻ và về lâu dài thu phí bằng công nghệ tin học, xe chạy nhiều thu nhiều để đảm bảo công bằng.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, Quỹ bảo trì đường bộ nếu thu ngay lập tức làm sẽ làm cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn bởi giá điện, xăng dầu tăng. Trước ngày 1/7, doanh nghiệp cũng phải lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình (ước tính mỗi đầu xe mất gần 7 triệu đồng tiền lắp đặt).
Hiệp hội cũng đề nghị miễn hoàn toàn hoặc có lộ trình thu phí xe máy với các đối tượng chính sách như thương binh và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, thu nhập còn chưa đủ ăn…
Trước đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm cùng với đề án hạn chế và lộ trình cấm xe máy tham gia giao thông tại các đô thị lớn, trình Thủ tướng chính phủ quý IV năm 2012, Hiệp hội Vận tải cũng đề xuất cần xem xét cấm xe cá nhân là ôtô, taxi hoạt động trong một số tuyến phố dễ ùn tắc trong giờ cao điểm.
Theo ông Liên, cá nhân nào cần đi trong giờ cao điểm thì xin cấp giấy phép vào phố cấm, ngoài giờ cao điểm đi lại tự do như xe tải nhỏ bởi từ lâu nay Thành phố vẫn cấp giấy phép cho các loại xe du lịch vào phố cấm.
“Việc hạn chế và cấm xe máy chắc phải 5-10 năm nữa mới thực hiện được khi hạ tầng giao thông được cải thiện. Bây giờ cấm xe máy thì dân đi bằng phương tiện gì? Bây giờ có tăng thêm xe buýt thì không có đường cho xe buýt chạy và cũng không có vốn đầu tư, bến bãi tập kết, xưởng sửa chữa bảo dưỡng, nhân lực…,” ông Liên đưa ra các câu hỏi.
Liên quan đến vấn đề chấn chỉnh và hạn chế hoạt động xe taxi trên địa bàn thành phố, Ông Liên cho rằng, taxi là loại hình vận chuyển hành khách chở nhiều người, luân chuyển hành khách trên một phương tiện cả ngày nên không đánh đồng nó vào phương tiện cá nhân.
“Đề nghị Nhà nước đưa loại hình taxi vào loại hình vận tải hành khách công cộng để địa phương quản lý quy hoạch có kế hoạch, đầu tư điểm đỗ, bến bãi, ưu đãi với các loại phí…,” ông Liên bày tỏ quan điểm.
Trước mắt, Hiệp hội Vận tải đề nghị Thành phố cho Hiệp hội thuê đất ở một số khoang gầm cầu từ Linh Đàm - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng để làm điểm đỗ taxi và xe du lịch.
Mức phí bảo trì thu qua đầu phương tiện đối với từng loại như: 80.000-150.000 đồng/năm đối với xe máy ; Xe con, xe tải dưới 2 tấn, xe du lịch dưới 12 chỗ ngồi: 180.000 đồng/tháng; Xe tải 2 - 4 tấn, xe du lịch 12 - 30 chỗ ngồi: 270.000 đồng/tháng; Xe tải 4 - 10 tấn, xe du lịch từ 31 chỗ ngồi trở lên, đầu kéo sơ mi rơ moóc chở container 20 – 40 feet: 296.000 đồng/tháng; Sơ mi rơ moóc chở container 20 feet: 324.000 đồng/tháng; Sơ mi rơ moóc chở container 40 feet: 1.044.000 đồng/tháng; Xe chở hàng 10 – 18 tấn, chở hàng bằng container 20 feet: 720.000 đồng/tháng; Xe tải chở hàng trên 18 tấn, chở hàng bằng container 40 feet: 1.440.000 đồng/tháng.
Theo đề xuất của Bộ Giao thông, mức phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ hàng năm đối với ôtô là 20-50 triệu đồng, môtô là 500.000 đồng - 1 triệu đồng, dung tích xi lanh càng lớn phí càng cao. Phí lưu hành xe máy trước mắt chỉ áp dụng ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Còn phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm áp dụng với ôtô các loại (trừ xe công và xe buýt) trong giờ cao điểm (6 giờ -8 giờ 30; 16 giờ -19 giờ), dự kiến 30.000 đồng với xe dưới 7 chỗ và 50.000 đồng với các loại xe còn lại. Trước mắt sẽ thí điểm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng bằng các trạm thu phí thông minh (tự động, không dừng).
Theo Vietnam+