Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn trả lời phỏng vấn TG&VN. |
Công tác biên giới trên biển trong năm 2015 có những nét nổi bật gì, thưa Thứ trưởng?
Có thể nói, tình hình biên giới trên biển khá phức tạp. Tuy bề ngoài sóng yên biển lặng nhưng thực tế tại các vùng biển lại diễn ra nhiều hoạt động rất đáng lo ngại, mà nổi bật là các hoạt động xây dựng và tôn tạo đảo, đã và đang làm cho dư luận trong và ngoài nước hết sức xôn xao.
Chủ trương chung của Việt Nam là giữ vững chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia trên biển, cố gắng giữ gìn hòa bình và ổn định trên biển, thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, bất đồng và vấn đề mới nảy sinh với các bên liên quan phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)…; đồng thời triển khai hợp tác cùng có lợi ở những lĩnh vực không ảnh hưởng đến lập trường chủ quyền của mỗi bên.
Với Trung Quốc, chúng ta tiếp tục thúc đẩy đàm phán về các vấn đề trên biển và đã có được một số tiến triển. Vấn đề khu vực ngoài Vịnh Bắc Bộ hai bên đã đàm phán với nhau rất nhiều năm nhưng không đi đến nhất trí, chủ yếu do Việt Nam chủ trương phân định rõ biên giới trong khi Trung Quốc chủ trương tập trung giải quyết vấn đề “hợp tác cùng khai thác” ở khu vực này.
Năm 2013, nhân dịp dự hội chợ quốc tế Milan (Italy), Thủ tướng hai nước đã trực tiếp trao đổi và đồng ý vừa giải quyết vấn đề phân định vừa hợp tác cùng phát triển. Theo tinh thần chỉ đạo của hai Thủ tướng, từ đó đến nay hai bên đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán và nhất trí tiến hành khảo sát chung ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, phục vụ cho mục tiêu phân định và cùng hợp tác. Lễ khởi động khảo sát chung đã được tổ chức trọng thể ngày 19/12 vừa qua. Đây là bước tiến quan trọng nhưng mới là bước đầu. Hai bên cần tiếp tục kiên trì đi từ bước nhỏ đến bước lớn, giải quyết từ vấn đề đơn giản tới vấn đề phức tạp. Về hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm, năm nay, ta và Trung Quốc cũng đã thỏa thuận được một số dự án trên một số lĩnh vực cụ thể và sẽ đưa vào thực hiện trên thực địa vào năm tới.
Một trong những sự kiện quan trọng liên quan đến Biển Đông năm 2015 là vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài theo Công ước Luật Biển 1982. Phiên tòa đã bước vào giai đoạn tranh tụng quyết liệt. Do nội dung vụ kiện liên quan đến Việt Nam nên chúng ta đã và đang theo dõi sát, cụ thể là đã cử đoàn tham dự hai phiên tranh tụng của vụ kiện để có thể chủ động xử lý khi cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục tích cực cùng các nước trao đổi biện pháp gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa nguy cơ quân sự hóa Biển Đông, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tất cả các bên liên quan và đặc biệt là ASEAN và Trung Quốc phải tăng cường thúc đẩy COC nhằm mục tiêu gìn giữ hòa bình trên biển, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi.
Tóm lại, với cố gắng chung của cả nước, chúng ta đã giữ vững chủ quyền lãnh thổ, duy trì tình hình ổn định trên biển, bảo đảm lợi ích chính đáng và các hoạt động kinh tế của ta trên Biển Đông.
Trước những khó khăn trong công tác phân giới trên đất liền, chúng ta cần phải làm gì để tháo gỡ, thưa Thứ trưởng?
Công tác biên giới luôn luôn là vấn đề phức tạp bởi vì biên giới vốn rất nhạy cảm và thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Vì vậy, để giải quyết vấn đề biên giới phù hợp với luật pháp quốc tế, vun đắp tình hữu nghị láng giềng là không đơn giản.
Để làm được điều đó, chúng ta phải tôn trọng luật pháp quốc tế và các thỏa thuận song phương. Giữa văn bản pháp lý và thực địa có thể tồn tại nhiều khác biệt, nên hai bên phải xem xét kỹ lưỡng nhiều yếu tố khác nữa như lịch sử quản lý, địa hình thực tế và quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhau để thương lượng tìm ra giải pháp mà hai bên đều chấp nhận được.
Đối với những khu vực nhạy cảm, hai bên phải kiên trì trao đổi trên tinh thần hữu nghị, hợp tác, thiện chí để đôi bên cùng thắng. Công tác biên giới không thể nóng vội. Với Trung Quốc, chúng ta đã phải mất gần bốn thập kỷ mới hoàn thành công tác hoạch định biên giới và phân giới cắm mốc trên thực địa. Với Campuchia, công tác hoạch định biên giới đã hoàn thành. Khối lượng công việc tồn đọng tuy không nhiều nhưng rất phức tạp nên hai bên cần tiếp tục cố gắng hợp tác nhiều hơn nữa để sớm có được đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định.
Thứ trưởng có điều gì muốn nhắn gửi tới những người dân sống gần đường biên và ngư dân bám biển?
Quan hệ láng giềng tốt đẹp dựa trên tình hợp tác hữu nghị, sự tin cậy lẫn nhau là cơ sở quan trọng để đảm bảo một môi trường hòa bình, ổn định để người dân sinh sống gần biên giới đất liền và ngư dân bám biển có điều kiện giao lưu làm ăn, sinh sống tốt. Nhiều người dân Việt Nam giàu lên nhờ vào giao lưu biên giới.
Tôi cho rằng chúng ta phải nỗ lực xây đắp và quý trọng môi trường hòa bình đó. Đồng thời người dân khu vực biên giới phải nhận biết được và có ý thức bảo vệ, giữ gìn trật tự trị an biên giới, mối quan hệ hữu hảo hai bên. Mỗi người dân đều cần có ý thức đóng góp giữ gìn biên giới, tăng cường tình hữu nghị với người dân nước bạn, vì sự phồn vinh chung.
Bà con biên giới hải đảo, ngư dân bám biển đều là những người rất vất vả so với người dân sống ở đất liền. Cuộc sống ở “cửa ngõ” nơi đầu sóng ngọn gió bao giờ cũng khó khăn, vất vả. Tình hình trên biển cũng phức tạp hơn. Nhân dân cả nước đánh giá cao việc bà con ngư dân kiên trì bám biển, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền, vừa góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Về phía Chính phủ, để bà con yên tâm làm ăn, các cơ quan chức năng có nhiệm vụ tạo thuận lợi cho bà con bám biển như hỗ trợ đóng tàu đi xa, đảm bảo cung cấp xăng dầu, tổ chức đoàn hội để các tàu hỗ trợ lẫn nhau, trang bị các thiết bị vô tuyến, hỗ trợ kịp thời khi cần thiết, bảo vệ tính mạng và tài sản của bà con.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cũng cần tuyên truyền, nhắc nhở để bà con ngư dân luôn hiểu rõ và tự giác tuân thủ luật pháp, không chỉ luật pháp của ta, của nước bạn mà cả luật pháp quốc tế để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc bất lợi cho bà con.