Các diễn giả thảo luận tại chương trình trực tuyến. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phiên tọa đàm có sự tham gia của Chủ tịch Hội văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Czech Phạm Gia Hậu, Chủ tịch Câu lạc bộ Phụ nữ thành phố Dresden (Liên bang Đức) Đặng Bích Lan và Họa sĩ Văn Dương Thành - họa sĩ giảng dạy và sáng tác tại Việt Nam và Thụy Điển.
Theo thông tin từ các diễn giả, những năm gần đây, kiều bào ta tại các nước ngày càng hưởng ứng phát động, tổ chức nhiều sự kiện giúp gắn kết cộng đồng, hướng về quê hương, góp phần tăng cường đại đoàn kết dân tộc.
Không ngừng nỗ lực để giới thiệu bản sắc Việt ra quốc tế, bên cạnh hy vọng được nhìn thấy quê hương giàu đẹp hơn, thì cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng đang ngày đêm hướng về Tổ quốc, chung tay gìn giữ, bảo tồn cũng như quảng bá văn hóa dân tộc. Các hoạt động giao lưu thể thao, văn hóa trong cộng đồng được tổ chức với sự hưởng ứng tham gia sôi nổi của bà con với quy mô quốc gia và khu vực như Hội thi văn nghệ toàn Liên bang Nga, Giải Golf người Việt toàn châu Âu...
Ông Phạm Gia Hậu chia sẻ là người đam mê về công tác văn hóa, xã hội và cộng đồng, ông đã tìm hiểu rất kỹ và các nước ở châu Âu, đặc biệt là các vùng, miền của Czech. Bởi vậy, tại đây, những hoạt động văn hóa luôn được bà con ý thức phải phát triển một cách chuyên môn, chuyên nghiệp hơn. Với sự quan tâm của Nhà nước, các lãnh đạo của cộng đồng và những người yêu văn hóa như ông, nhiều chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ trong nước đã được giới thiệu tại Czech như Quan họ Bắc Ninh...
Đặc biệt, ở Czech đang hình thành rất nhiều các câu lạc bộ văn hóa chuyên sâu hơn về Quan họ, Dân ca Ví, Giặm, Hát Xoan... và bà con luôn cố gắng hoạt động như những nghệ sĩ, nghệ nhân thực sự. Ông Hậu tin tưởng nếu đầu tư nhiều hơn cho những việc làm này sẽ truyền lửa về văn hóa truyền thống cho những thế hệ sau.
Bà Đặng Bích Lan nói rằng kiều bào tại Đức và khắp nơi trên thế giới luôn đặc biệt quan tâm đến việc truyền giữ văn hóa cội nguồn cho thế hệ trẻ. Theo bà, điều cần thiết là phải làm cho con em kiều bào phải thêm hiểu, thêm yêu văn hóa truyền thống và cội nguồn của dân tộc, phải giữ gìn được tiếng Việt cũng như phong tục tập quán của quê hương. Riêng ở thành phố Dresden, cộng đồng luôn tổ chức các chương trình văn nghệ, dạy học tiếng mẹ đẻ, tổ chức các ngày lễ lớn của đất nước để thế hệ trẻ thêm hiểu và thêm yêu về văn hóa cội nguồn.
Nói về bản sắc và sự thành công của các nghệ sĩ Việt ở nước ngoài, họa sĩ Văn Dương Thành cũng cho rằng đó chính là gốc Việt Nam vững chắc và vốn quý từ ông cha. Bà khẳng định, với những nghệ sĩ trẻ, “gốc Việt” trong âm nhạc và nhiều bộ môn nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc... đã giúp tạo nên sự khác biệt và đi xa hơn.
Phiên thảo luận đã diễn ra trong không khí trao đổi sôi nổi và cởi mở. Nếu như họa sĩ Văn Dương Thành nhấn mạnh đến niềm tự hào về sự đỉnh cao của những tài năng nghệ thuật Việt Nam ngoài nước thì Chủ tịch Hội văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại CH. Czech khẳng định dòng màu Lạc Hồng cùng với sự cần cù, chịu thương chịu khó và vươn lên của người Việt Nam đã tạo nên bản sắc của văn hóa Việt ở nước ngoài.
Nhấn mạnh về việc giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ kiều bào thứ 2,3, bà Đặng Bích Lan cho biết những người phụ nữ Việt Nam, những ông bố, bà mẹ Việt dù sinh sống ở ngoài nước nhưng luôn ý thức sâu sắc về vai trò gìn giữ và cầu nối cho con trẻ hướng về cội người.