Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Getty Images) |
Chính sách "Xoay trục sang châu Á" của Tổng thống Nga Vladimir Putin áp dụng trong hơn một thập kỷ qua đã mang lại nhiều thành công. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nga trong 12 năm nay, nhưng nền kinh tế Nga vẫn phụ thuộc nhiều vào phương Tây.
Cuộc xung đột với Ukraine xảy ra càng thúc đẩy mong muốn của Nga nhằm tăng cường quan hệ với Trung Quốc, nhưng một lần nữa, kết quả vẫn rất mơ hồ.
Một mặt, Bắc Kinh đã rất vui vẻ lấp đầy khoảng trống do các lệnh trừng phạt của phương Tây và cuộc di cư của giới doanh nghiệp để lại. Nhưng về mặt chính trị, đã có những thời điểm, Bắc Kinh được gọi là “thân Nga" sau những phát ngôn "có cánh”.
Trên thực tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không thể đáp lại đầy đủ mong muốn của Moscow, theo cách mà họ đã từng ký thỏa thuận "không có giới hạn" trong quan hệ tại cuộc gặp ngoạn mục ở Thế vận hội mùa Đông 2022.
Vào thời điểm hai tuần trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự, quan hệ đối tác Trung-Nga có vẻ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tua đi chỉ vài tuần sau đó, cuộc xung đột tại Đông Âu đã làm lộ giới hạn “mối tình” được cho là vô điều kiện này. Và Trung Quốc thì chỉ có thể nói ủng hộ ông Putin nhiều hơn là làm.
Mua dầu giá rẻ và "bám rễ" tại Nga
Trong những tháng gần đây, EU, Mỹ và các quốc gia đồng minh liên tiếp giáng đòn trừng phạt kinh tế lên hầu hết sản phẩm dầu khí của Nga. Trung Quốc thì không làm như vậy.
Trung Quốc chắc chắn đang có đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế Nga. Điều đó không có gì mới hoặc đặc biệt.
Klisman Murati, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Pareto Economics, cho biết tất cả các nền kinh tế đều có sự đan xen và liên kết với nhau. Thực tế, Trung Quốc cũng đang giúp đỡ Nga theo những cách cụ thể, như là mua dầu Yural giá rẻ và giảm giá.
Ấn Độ cũng vậy. Trên thực tế, hai nước đang chiếm một nửa tổng lượng mua dầu của Nga. Trung Quốc đã vượt qua Đức để trở thành khách hàng chính của dầu Nga.
Điều quan trọng cần lưu ý là, để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, Trung Quốc đã mua dầu của Nga bằng Nhân dân tệ, điều này đang góp phần củng cố đồng nội tệ của Trung Quốc.
Hơn nữa, thành tựu thương mại giữa hai nước đã vượt xa cả dầu mỏ. Thương mại Trung-Nga, nhìn chung, đã tăng 29% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2022, so với cùng kỳ năm 2021, minh chứng cho thực tế là hàng hóa Trung Quốc đã thay thế nhiều hàng hóa bị trừng phạt hoặc "để lại khoảng trống" trước sự di cư của các công ty phương Tây.
Hơn 1.200 công ty đa quốc gia đã cắt đứt hoặc từ bỏ quan hệ kinh doanh với Nga sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, theo dữ liệu do Trường Quản lý Yale tổng hợp. Trung Quốc có số doanh nghiệp ở lại Nga nhiều nhất và vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường. Cụ thể, có khoảng 41 doanh nghiệp Trung Quốc ở Nga, chẳng hạn như Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc…
Trong khi đó, trong số khoảng 200 công ty đã hoàn toàn ngừng giao dịch với Nga hoặc rời khỏi nước này, hầu hết đến từ châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Không có doanh nghiệp nào của Trung Quốc, ngoại trừ một số ngân hàng lớn của nước này, như ICBC, do không có lựa chọn nào khác. Các biện pháp trừng phạt liên tục của phương Tây đối với Nga đã cắt nước này ra khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế, buộc các tổ chức tài chính lớn của Trung Quốc phải tuân theo.
Lúc này, ngay cả khi các doanh nghiệp Trung Quốc muốn rút khỏi Nga vì bất cứ lý do gì, họ sẽ phải đối mặt với những trở ngại chính trị-xã hội nghiêm trọng. Chẳng hạn, ứng dụng gọi xe Didi đã nhận được phản ứng dữ dội từ công chúng Trung Quốc sau khi thông báo sẽ rút khỏi thị trường Nga vào ngày 4/3.
Người Trung Quốc lên mạng để cáo buộc nước này nhượng bộ trước áp lực của Mỹ, một diễn biến thể hiện sự ủng hộ rộng rãi của người Trung Quốc đối với Nga.
Tóm lại, sự ủng hộ của công chúng đối với Nga, cũng như lập trường không rõ ràng của Bắc Kinh đối với Tổng thống Putin đã khiến các công ty Trung Quốc không còn nhiều dư địa để thay đổi. Kết quả là đối với các công ty như Didi, hành động an toàn nhất là không hành động, đồng thời tránh mọi tuyên bố thân thiện với Nga, kẻo lại bị các công ty hoặc tổ chức phương Tây tẩy chay.
Khó duy trì quan hệ không có giới hạn
Chỉ vài tuần trước khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một tuyên bố dài 5.300 từ, được mô tả như một tuyên ngôn đối đầu với phương Tây, thông qua hợp tác “không có giới hạn” Bắc Kinh-Moscow.
Nhưng thực tế sau đó... tóm lại, giới phân tích bình luận: ”Trung Quốc đang hỗ trợ Nga về mặt chính trị, theo một số cách”. Cuộc xung đột Nga-Ukraine có điểm có lợi, có điểm lại không lợi đối với Bắc Kinh. Đó là lý do một mặt Bắc Kinh từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, thậm chí còn ủng hộ Moscow tại Liên hợp quốc, nhưng ngay trong những tuần đầu cuộc xung đột, đã có những dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh sẽ không liên minh với Nga trong những nỗ lực thách thức và phá hệ thống thanh toán bằng USD".
Thực tế là, New Development Bank do Trung Quốc tài trợ chính đã dừng tất cả các giao dịch ở Nga vào đầu tháng 3, mặc dù Nga là một thành viên góp vốn, cũng tương tự như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Một mặt tăng cường thương mại để thay thế hàng hóa Nga bị trừng phạt, nhưng Bắc Kinh không cung cấp cho Nga loại tín dụng hoặc đầu tư mà họ cần, để duy trì một thách thức thực sự đối với đồng USD.
Bắc Kinh cũng đã đóng băng kế hoạch phát triển dự án máy bay dân dụng với Nga, có trị giá hơn 50 tỷ USD. Vào tháng 3, Bắc Kinh được cho là đã đình chỉ các cuộc thảo luận về việc phát triển một nhà máy hóa dầu lớn mới.
Trong khi đó, dự án tương tự là Tổ hợp hóa chất khí Amur trị giá 10 tỷ USD do Sinopec của Trung Quốc sở hữu 40%, dường như vẫn đang tiếp tục, mặc các hạn chế bởi lệnh trừng phạt từ phương Tây có thể khiến nó phải trì hoãn ngày hoàn thành dự kiến vào năm 2024.
Ngay trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, Moscow và Bắc Kinh đã đồng ý một hợp đồng cung cấp khí đốt mới và lên kế hoạch xây dựng Đường ống Sức mạnh Siberia 2. Nguồn cung cấp dự tính sẽ được thanh toán bằng Euro, dù điều này cũng có thể sẽ phải được xem xét lại do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, các quan chức Mông Cổ cho biết, họ vẫn đang mong đợi đường ống dẫn này với một phần dự án chạy qua đất nước của họ, sẽ được triển khai. Nhưng đến nay, chưa có thông báo chính thức nào từ Bắc Kinh.
Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng đã giảm xuống bằng "0" trong năm nay.
Về phần Trung Quốc, mục tiêu lật đổ hệ thống thanh toán bằng USD của Bắc Kinh đòi hỏi tư duy dài hạn và tính toán lâu dài. Những gián đoạn “quá nhanh, quá nguy hiểm” như chiến dịch quân sự tại Ukraine không thúc đẩy quá trình đó, vì trong thời kỳ khủng hoảng, các nhà đầu tư toàn cầu đổ xô đến những nơi trú ẩn an toàn và USD lại trở thành tài sản “đắt khách”. Do đó, Bắc Kinh không muốn đầu tư quá nhiều vốn vào Nga, vì lý do không muốn “nuôi dưỡng” sự hỗn loạn.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng không thể mạo hiểm với bất kỳ biện pháp trừng phạt thứ cấp nào khi “phớt lờ thời cuộc” để làm ăn với Nga.
Trên thực tế, căng thẳng địa chính trị ở Ukraine đã cho thấy, mối quan hệ 'không có giới hạn' khó có thể được phát triển. Bắc Kinh khó sẵn sàng hỗ trợ Nga một cách thực chất vì cũng lo ngại đòn trừng phạt của phương Tây. Do đó, họ chỉ có thể "ủng hộ" ở một mức độ hạn chế, vì mục tiêu của Trung Quốc là điều chỉnh lại trật tự quốc tế chứ không phải phá hủy trật tự quốc tế.