Theo Văn phòng Nội các, nền kinh tế Nhật Bản được dự đoán sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm tài khóa 2017 theo giá trị thực tế. Tiêu dùng cá nhân, chiếm khoảng 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), được dự đoán sẽ tăng 0,8%.
Các con số này cao hơn những dự đoán của các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực tư nhân, những người cho rằng GDP Nhật Bản năm 2017 sẽ chỉ tăng khoảng 1% sau khi tính đến tác động từ các biện pháp kích thích được thông qua năm 2016.
Ảnh min họa: Nền kinh tế Nhật Bản được dự đoán sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm tài khóa 2017. (Nguồn: Daily Sabah) |
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang tìm kiếm động lực mới cho nỗ lực chấm dứt tình trạng giảm phát kéo dài ở Nhật Bản trong bối cảnh xuất hiện nhiều lời kêu gọi phải kiểm chứng chương trình kinh tế “Abenomics” của ông. Tiêu dùng cá nhân trì trệ tiếp tục đặt ra thách thức cho các nhà hoạch định chính sách bởi họ cho rằng đó là nguyên nhân khiến tăng trưởng tiền lương thấp và tương lai bất ổn.
Trong khi đó, ông Abe được cho là sẽ dựa hơn nữa vào các công ty để thiết lập chu trình tăng trưởng tiền lương dẫn đến gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng. Thủ tướng Abe cũng đang kêu gọi các công ty tăng lương trong năm thứ 4 liên tiếp. Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, việc đồng Yen “vượt mặt” đồng USD trước thời điểm ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp và tăng trưởng tiền lương do đó sẽ rất hạn chế.
Theo một điều tra mới đây của Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren), tiền thưởng cuối năm ở các nhà máy sản xuất trung bình khoảng 900.490 Yen (tương đương 7.700 USD), tăng 0,47% so với năm trước, nhưng tiền thưởng ở lĩnh vực phi sản xuất giảm 0,69% còn 822.518 Yen (khoảng 7.033 USD).
Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, mặc dù Nhật Bản tìm cách đạt được tăng trưởng kinh tế dựa trên nhu cầu nội địa lớn, nhưng nhu cầu bên ngoài ở các nước như Mỹ và Trung Quốc, hai đối tác thương mại lớn của Nhật Bản, cũng sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt. Theo kịch bản đó, sự yếu thế của đồng Yen trước các ngoại tệ khác sẽ là lợi thế cho các nhà xuất khẩu bởi nó giúp gia tăng lợi nhuận khi quy đổi về đồng nội tệ. Tuy nhiên, nó cũng khiến giá thành nhập khẩu tăng lên và người tiêu dùng phải “gánh” một phần chi phí này cho các công ty.