Kinh tế thế giới
Kinh tế thế giới nổi bật tuần (23-29/7): Dự báo doanh thu của Pfizer từ vaccine Covid-19 tăng mạnh. (Nguồn: canadians.org) |
IMF duy trì dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu
Tại hội thảo trực tuyến do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tổ chức, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, IMF vẫn duy trì dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu ở mức 6%.
Đây là tỷ lệ tăng trưởng chưa từng thấy kể từ năm 1970, nhờ số lượng vaccine ngừa Covid-19 đã được cải thiện, các nền kinh tế mở cửa trở lại cộng với sự trợ giúp của các gói kích thích tài khóa chưa từng có ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ở mỗi khu vực là không đồng đều, phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ tiêm phòng vaccine Covid-19 và dư địa tài khóa ở mỗi nền kinh tế. (TG&VN)
G20 không đạt tiến triển mục tiêu về khí hậu
Ngày 22/7, cuộc họp giữa các Bộ trưởng năng lượng và môi trường Nhóm G20 hầu như không đạt tiến triển về biện pháp và nguồn lực cụ thể thực hiện các mục tiêu về khí hậu.
Năm 2009, tại Liên hợp quốc, các nước phát triển đã nhất trí cùng nhau đóng góp 100 tỷ USD/năm từ đó đến 2020. Tuy nhiên, mục tiêu đó đến nay vẫn chưa đạt được. Và cuộc họp G20 vừa qua cũng không có dấu hiệu nào nhắc đến cam kết 100 tỷ USD nói trên hay đưa ra bất kỳ cam kết tài chính vững chắc nào. (Reuters)
Tesla thực hiện chiến lược khác biệt tại Mỹ và Trung Quốc
“Gã khổng lồ” trong ngành sản xuất xe điện Tesla trong tuần này đã cho thấy những dấu hiệu chiến lược khác nhau ở hai thị trường ô tô lớn nhất thế giới, khi nâng giá để tăng tỷ suất lợi nhuận tại Mỹ, trong khi giữ giá ổn định tại Trung Quốc với kỳ vọng gia tăng doanh số.
Theo số liệu của hãng tin Reuters, trong năm nay, Tesla đã tăng giá bán cả chục lần đối với các phiên bản có giá phải chăng nhất là Model 3 và Model Y tại thị trường Mỹ. Cùng lúc đó, hãng gần đây đã cho ra mắt một phiên bản Model Y giá rẻ tại Trung Quốc với giá không đổi.
Tesla đã giao cho khách hàng số xe cao kỷ lục trong quý II, và giá tăng ở Bắc Mỹ cũng đưa lợi nhuận quý vừa rồi lần đầu tiên lên trên ngưỡng 1 tỷ USD. Nhưng tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, Tesla lại đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong nước và nhiều vấn đề khác, như các đợt thu hồi sản phẩm, hay áp lực từ các cơ quan quản lý.
Giá mẫu xe Model Y Long Range của Tesla tại Mỹ đã tăng 5.500 USD qua ít nhất 6 lần tăng giá lên 53.990 USD. Trong khi đó, tại Trung Quốc, nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới này chỉ tăng giá mẫu xe thể thao đa dụng Model Y và xe sedan Model 3 đúng một lần trong năm nay. Công ty này cũng chạy nhiều chương trình khuyến mãi tại Trung Quốc. (Reuters)
Tesla thực hiện chiến lược khác biệt tại Mỹ và Trung Quốc. |
Kinh tế Mỹ
* Ngày 28/7, công ty dược phẩm Pfizer Inc (Mỹ) nâng dự báo doanh thu bán vaccine phòng Covid-19 của hãng này phối hợp với BioNTech (Đức) phát triển trong năm 2021 lên mức 33,5 tỷ USD, tăng 28,8% so với dự báo trước đó. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia muốn đặt mua thêm vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech.
Pfizer cho biết, quyết định nâng dự báo doanh thu vaccine được đưa ra dựa trên những thỏa thuận đã được ký kết về việc bán khoảng 2,1 tỷ liều vaccine trong năm nay. Con số trên có thể sẽ tiếp tục tăng nếu công ty ký thêm các hợp đồng khác. Pfizer và BioNTech dự kiến sản xuất khoảng 3 tỷ liều vaccine Covid-19 trong năm nay.
Bên cạnh đó, doanh thu vaccine Covid-19 của Pfizer có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 sau khi hãng công bố thông tin rằng những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine của hãng có thể sẽ cần tiêm thêm một mũi vaccine thứ 3 trong tương lai.
Trước đó, trong dự báo doanh thu công bố hồi tháng 5/2021, Pfizer ước tính doanh thu vaccine Covid-19 trong cả năm là 26 tỷ USD, dựa trên các hợp đồng bán khoảng 1,6 tỷ liều. Chi phí và lợi nhuận từ vaccine được chia đều cho Pfizer và BioNTech. (Reuters)
* Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thúc giục Quốc hội nâng hoặc đình chỉ giới hạn nợ công và cảnh báo nếu Quốc hội không hành động trước ngày 2/8, Bộ Tài chính sẽ cần phải dùng đến các “biện pháp đặc biệt” để ngăn nước Mỹ rơi vào cảnh “vỡ nợ”.
Bộ Tài chính cũng thông báo sẽ tạm ngưng bán trái phiếu chính phủ vào ngày 30/7 và không tiếp tục bán cho đến khi giới hạn nợ được đình chỉ hoặc nâng lên.
Bộ Tài chính đã báo cáo số dư tiền mặt tính đến 21/7 là 616,3 tỷ USD và tổng số nợ là 28,44 nghìn tỷ USD. Kết thúc tháng 7, số dư tiền mặt ở mức 450 tỷ USD so với 1,12 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3. (Reuters)
Kinh tế Trung Quốc
* Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và 6 quan chức Mỹ khác nhằm trả đũa hành động tương tự của Washington đối với các quan chức Trung Quốc ở Hong Kong.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, chính quyền ông Biden không nao núng trước hành động trả đũa này và sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc. (Financial Times)
* Tại cuộc họp báo của Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện 22/7, Vụ Tổng hợp Bộ Thương mại cho biết trong nửa đầu năm, hoạt động thương mại, đầu tư của Trung Quốc phát triển nhanh chóng, ổn định với chất lượng cao, có những đóng góp mới vào sự phát triển bền vững và lành mạnh của nền kinh tế quốc dân.
Tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng là 21,2 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái và tốc độ tăng trưởng bình quân 4,4% trong hai năm. (THX)
* Theo Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị trong độ tuổi 16-24, bao gồm cả học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, dạy nghề và đại học, là 15,4% trong quý II/2021, cao nhất kể từ tháng 9/2020.
Phân loại theo khu vực, tình hình việc làm ở các khu vực ven biển đông nam giàu Trung Quốc như đồng bằng sông Dương Tử và đồng bằng Châu Giang tốt hơn so với các thành phố lớn ở phía bắc. Tại thủ đô Bắc Kinh, tỷ lệ công việc có sẵn trên mỗi ứng viên tìm việc chỉ là 0,46.
Về lĩnh vực, sự phục hồi của một số ngành dịch vụ còn tương đối chậm, không có đủ việc làm trong một số ngành liên quan và lĩnh vực việc làm vẫn đang phải đối mặt với áp lực nhất định. (SCMP)
Kinh tế châu Âu
* Hoạt động kinh doanh trong tháng 7 ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được mở rộng nhanh nhất trong 21 năm trong bối cảnh nền kinh tế đi vào hoạt động mạnh mẽ nhất có thể với việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch.
Theo khảo sát từ IHS Markit, Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) tăng từ 59,5 điểm trong tháng 6 lên mức 60,6 điểm trong tháng 7. Mặc dù vậy, khảo sát cũng cho thấy sự lây lan của biến thể Delta đang tác động tới niềm tin doanh nghiệp, lo ngại các biện pháp hạn chế mới sẽ một lần nữa gây ra hỗn loạn trong nền kinh tế. (TTXVN)
* Theo báo cáo của Ủy ban các Tài khoản công (PAC), Anh sẽ phải đối mặt với “hàng thập kỷ rủi ro tài chính” do các khoản chi khổng lồ nhằm ứng phó với dịch bệnh, lên đến hơn 370 tỷ Bảng. Ước tính, thiệt hại do gian lận và không trả được nợ từ những khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp vào khoảng 26 tỷ Bảng. (Reuters)
* Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) ngày 22/7 đã thông qua các gói hỗ trợ tổng trị giá 10,2 tỷ Euro nhằm hỗ trợ các khoản đầu tư kinh doanh và củng cố sức chống chịu của nền kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, mở rộng giao thông bền vững và cải thiện phát triển y tế, giáo dục, nhà ở xã hội và đô thị. (EIB)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Tập đoàn TSMC (Đài Loan - Trung Quốc) dự kiến mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Nhật Bản. Các sản phẩm dự kiến là dòng sản phẩm phổ thông 28nm để cung ứng cho các hãng điện tử Nhật như Sony, Canon. Địa điểm đặt nhà máy hiện phía TSMC đang cân nhắc tại 2 nơi là Kumamoto và Kyushu. (CNA)
TSMC (Đài Loan - Trung Quốc) dự kiến mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Nhật Bản. (Nguồn: Getty) |
* Tập đoàn Foxconn mới đây đã công bố kế hoạch hợp tác với tập đoàn NIDEC Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất xe điện, mô hình hai bên hợp tác sẽ là thành lập liên doanh tại Đài Loan (Trung Quốc) và tập trung vào nghiên cứu, sản xuất động cơ cho xe điện.
Giới chuyên môn đánh giá Foxconn đang rất khẩn trương và nghiêm túc trong việc trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, cùng lúc có thể đáp ứng đơn hàng của hàng chục hãng xe điện trên toàn cầu. (Liberty News)
* Theo Bộ công nghiệp Hàn Quốc, Samsung Electronics Co sẽ mở thêm một loạt công nghệ miễn phí bản quyền phù hợp với nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng chung giữa các tập đoàn và các công ty vừa và nhỏ.
Theo đó, Samsung sẽ cho phép 99 doanh nghiệp sử dụng 172 trường hợp bằng sáng chế của họ mà không phải trả tiền bản quyền. Bước mới nhất sẽ nâng số lượng bằng sáng chế được Samsung chia sẻ kể từ năm 2015 lên 784. (Yonhap)
* Kinh tế Hàn Quốc đang chứng kiến mức tăng trưởng nhanh nhất thập kỷ trong quý II/2021 với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,9%, từ mức nền thấp của năm 2020 khi đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng gồm xuất khẩu và tiêu dùng. (Financial Times)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Myanmar sẽ giảm 18% trong năm 2021 do hậu quả từ tình trạng bất ổn chính trị, chính quyền không thể tiến hành thu thuế, nhiều ngân hàng phải đóng cửa và sự bùng phát đại dịch Covid-19.
Theo WB, việc đóng cửa, đình công và không có mạng Internet đã làm giảm tính thanh khoản và hạn chế hoạt động ngân hàng, đồng nội tệ Kyat giảm khoảng 23% so với USD. Một số nhà đầu tư nước ngoài đã tạm ngừng hoạt động hoặc rút lui hoàn toàn khỏi Myanmar. (AFP)
* Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan ngày 23/7 cho biết xuất khẩu của nước này tăng trong chu kỳ tăng cao nhất trong 11 năm do nhu cầu trên toàn cầu tăng lên. Xuất khẩu hàng hóa của Thái Lan đã tăng 41,6% trong tháng 5/2021 và 43,8% trong tháng 6/2021. (THX)
* Bộ Tài chính Singapore cho biết chính phủ sẽ đưa ra gói hỗ trợ trị giá khoảng 808 triệu USD để giúp các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế phòng dịch trong giai đoạn “cảnh báo cao” được áp đặt trở lại từ ngày 22/7-18/8. Gói hỗ trợ này bao gồm tăng trợ cấp lương, giảm tiền thuê mặt bằng và một quỹ hỗ trợ mới cho các chủ cửa hàng ở các chợ và trung tâm ăn uống. (TTXVN)
* Chính phủ Malaysia ngày 23/7 công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6/2021 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings (Mỹ) ngày 19/7 dự đoán GDP của Malaysia sẽ tăng 4,5% trong năm 2021 và 6,3% trong năm 2022, khi tiến trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 được tăng cường, giúp lĩnh vực dịch vụ được hưởng lợi từ sự phục hồi trong nhu cầu. (Reuters)
* Ngày 22/7, Ngân hàng trung ương Indonesia thông báo tăng trưởng kinh tế nước này chỉ dao động trong khoảng 3,5-4,3% trong năm 2021, giảm so với dự báo 4,1-5,1% vào đầu tháng 7/2021. Việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 xuất phát từ diễn biến phức tạp hiện nay của dịch Covid-19, chủ yếu do biến thể Delta. (TTXVN)