Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (23/7-30/7): Vàng tăng trở lại sau quyết định của Fed, |
Kinh tế thế giới tuần qua
Kinh tế Mỹ sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021
Theo Oxford Economics, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2021, tốc độ nhanh nhất trong gần nửa thế kỷ qua, khi các chiến dịch tiêm chủng cho phép các hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ và doanh nghiệp thu hồi vốn. Kinh tế Mỹ dự báo tăng trưởng 7%, nhờ việc Mỹ đã sớm triển khai vaccine Covid-19, chuẩn bị ban hành gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD, lãi suất rất thấp từ Cục Dự trữ Liên bang và ước tính hơn 1.800 tỷ USD các hộ gia đình Mỹ tiết kiệm được do đại dịch. Theo Oxford Economics, kinh tế Mỹ sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021 trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng khoảng 8%. (WSJ)
Giá dầu thế giới tăng mức cao nhất trong hơn một năm qua
Giá dầu thế giới đã tăng trong ngày 7/3 sau khi Saudi Arabia thông tin một kho trữ dầu của quốc gia bị tấn công. Giá dầu thô Brent tăng 2,1% lên 70,84 USD một thùng - mức cao nhất trong hơn một năm qua và dầu thô Mỹ WTI cũng tăng tương tự, hiện giao dịch tại mức 67,43 USD. Giá dầu từ đầu năm 2021 có xu hướng tăng lên do tình hình thời tiết xấu bất ngờ ở bang Texas, các nước OPEC tiếp tục giữ mức sản xuất hiện tại để hỗ trợ giá dầu và gần đây nhất là cuộc tấn công kho trữ dầu có sản lượng chiếm tới 7% sản lượng dầu mỏ của thế giới. (CNBC, Bloomberg)
Mỹ-EU
Liên minh châu Âu (EU) khởi động đàm phán với Mỹ vào ngày 8/3 nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu từ Mỹ để sản xuất vaccine Covid-19, mặt hàng hiện đang được thắt chặt hạn chế xuất khẩu.
Ngày 6/3, Ủy viên Thị trường nội khối Thierry Breton, quan chức phụ trách công tác sản xuất vaccine của EU cho biết sẽ thảo luận với Điều phối viên Nhà Trắng về Covid-19. EU và Mỹ muốn "hợp tác, phối hợp nhằm tránh tạo ra sự đình trệ" cho các nhà sản xuất vaccine tại châu Âu. Ủy ban châu Âu (EC) đang có kế hoạch gia hạn Cơ chế minh bạch và kiểm soát xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 sau khi cơ chế này chính thức kết thúc vào ngày 31/3 tới. Thời gian gia hạn kéo dài tới cuối tháng 6 và có thể sẽ gây ra những phản ứng trái chiều giữa các nước trong và ngoài EU. Nhiều nước bên ngoài EU đang phản đối cơ chế này.
Tại phiên họp Đại hội đồng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) diễn ra từ ngày 1-4/3, một số nước cho rằng, EU đang "phát tín hiệu xấu" trong cuộc chiến vaccine. Một quan chức WTO kêu gọi EU nên chấm dứt cơ chế vào cuối tháng này.
Kinh tế Mỹ
Hạ viện Mỹ đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD chỉ 4 ngày sau khi Thượng viện Mỹ thông qua biện pháp này, nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Gói cứu trợ Covid-19 lớn nhất trong lịch sử Mỹ này được thông qua tại Thượng viện với số phiếu sít sao 50/49 và không có Thượng nghị sỹ Cộng hòa nào bỏ phiếu ủng hộ. Hạ viện Mỹ ngày 10/3 đã thông qua dự luật về gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, với 220 phiếu thuận và 211 phiếu chống.
Điểm đáng chú nhất của gói cứu trợ này là các khoản trợ cấp trực tiếp lên tới 1.400 USD cho hầu hết những người Mỹ trưởng thành. Đây sẽ là khoản tiền cứu trợ cho người dân Mỹ đầu tiên dưới thời Chính quyền Tổng thống Biden. Năm ngoái, cựu Tổng thống Donald Trump đã thông qua hai khoản tiền cứu trợ trị giá 1.200 USD và 600 USD.
Phát biểu về quyết định mới nhất, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết: “Hôm nay, chúng tôi đã đưa ra một quyết định mang lại kết quả to lớn, sẽ tạo ra sự khác biệt cho hàng triệu người Mỹ, giúp cứu sống và bảo đảm sinh kế của họ. (CNBC).
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, thâm hụt thương mại của nước này tăng nhẹ trong tháng 1/2021 do mức tăng trưởng của hoạt động nhập khẩu nhanh hơn xuất khẩu và hoạt động kinh tế tiếp tục phục hồi sau khi bị đình trệ do đại dịch Covid-19. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, kim ngạch nhập khẩu ô tô và hàng tiêu dùng dẫn đầu hoạt động nhập khẩu của Mỹ trong tháng 1/2021. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ tăng lên 192 tỷ USD, còn kim ngạch nhập khẩu tăng 260 tỷ USD, khiến thâm hụt thương mại tăng lên 68,2 tỷ USD (AFP)
Mỹ-Trung Quốc
Thượng viện Mỹ đang xem xét thông qua dự luật mới một khoản tài trợ trị giá 30 tỷ USD nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh cho ngành công nghiệp sản xuất chip của nước này trước các đối thủ Trung Quốc. Dự luật do Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer đứng đầu có thể bao gồm những điều khoản hạn chế Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn của Mỹ - một trọng tâm trong chính sách đối phó với Bắc Kinh của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. (Reuters)
Kinh tế Trung Quốc
Tại Kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 trên 6% và cam kết tạo thêm nhiều việc làm tại các thành phố trong bối cảnh nền kinh tế thứ 2 thế giới đang dần hồi phục sau một năm chịu nhiều gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Ngoài mục tiêu tăng trưởng kinh tế, báo cáo cũng đề cập các mục tiêu khác mà Chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm 2021, gồm tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng khoảng 3%, thấp hơn mức 3,5% từng đặt ra cho năm 2020 và thâm hụt ngân sách khoảng 3,2% GDP, thấp hơn mức 3,6% của một năm trước. (Reuters)
Ngày 8/3, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào thông báo chính phủ nước này đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Phát biểu với các phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu Nhân dân oàn quốc Trung Quốc khóa XIII, ông Vương Văn Đào cho hay, một số nước thành viên cũng đang thúc đẩy các thủ tục để phê chuẩn RCEP, đồng thời hy vọng các nước liên quan có thể đẩy nhanh tiến độ và cuối cùng đạt đủ điều kiện để thỏa thuận này có hiệu lực. (CCTV)
Theo công bố của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), năm 2020, Trung Quốc tiếp tục đứng đầu thế giới về số đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế và đây là lần thứ hai liên tiếp, Trung Quốc đạt thành tích này. Tập đoàn viễn thông Huawei Technologies (Trung Quốc) đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu năm 2020 với 5.464 đơn đăng ký, năm thứ tư liên tiếp. Tiếp theo là Samsung Electronics (Hàn Quốc) với 3.093 đơn. Theo WIPO, tổng số đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế trong năm 2020 là 275.900, tăng 4% so với năm 2019, trong đó, các chủ thể ở châu Á chiếm 53,7%. (THX)
Châu Âu
Số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 2/3 cho thấy, lạm phát của Eurozone trong tháng 2/2021 ở mức 0,9%, tương đương tỷ lệ của tháng 1/2021. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 1/2021 của Eurozone bất ngờ tăng vọt sau nhiều tháng ở mức âm do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm bởi đại dịch Covid-19 cũng như các hạn chế xã hội trên toàn châu Âu. Giá cả gia tăng trong năm 2021 làm dấy lên các cuộc thảo luận về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu cần cân nhắc việc kiềm chế chương trình kích thích lớn, dù lạm phát vẫn ở ngưỡng mục tiêu dưới 2%. (AFP)
Tỉ lệ thất nghiệp ở Đức vẫn giữ ở mức 6% trong tháng 2/2021. Cơ quan Lao động Liên bang Đức BA thông báo tỷ lệ thất nghiệp ở nền kinh tế đầu tàu của châu Âu ổn định trong tháng 2/2021, bất chấp tình trạng ngừng hoạt động kéo dài do lệnh phong tỏa để hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Việc đóng cửa ngừng hoạt động khiến người sử dụng lao động phụ thuộc lớn vào chương trình trợ cấp của Chính phủ Đức, vốn cho phép giảm giờ làm việc của nhân viên để tránh việc sa thải hàng loạt. Theo Cơ quan Thống kê liên bang Destatis, người lao động Đức lần đầu tiên kể từ năm 2007 chứng kiến mức thu nhập thực tế giảm trong năm 2020. (AFP)
Nhật Bản và Hàn Quốc
Theo cuộc khảo sát hàng Quý do Bộ Tài chính Nhật Bản tiến hành, trong giai đoạn từ tháng 10-12/2020, lợi nhuận của doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng trở lại gần mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, song các lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất đã cho thấy sự khác biệt trong tăng trưởng. Kết quả khảo sát cho thấy, lợi nhuận trước thuế của các công ty Nhật Bản trong quý IV/2020 chỉ giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước đó và đứng ở mức 18.450 tỷ Yen (172 tỷ USD), ghi dấu quý giảm thứ bảy liên tiếp, nhưng tốc độ giảm đã chậm lại đáng kể so với mức giảm 28,4% trong quý III/2020.
Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ tăng trưởng âm trở lại trong giai đoạn từ tháng 1-3/2021 khi chính phủ buộc phải áp dụng tình trạng khẩn cấp lần hai từ ngày 7/1 đối với khu vực thủ đô Tokyo. (Kyodo)
Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 2/3 cho biết, tháng 1/2021 sản lượng công nghiệp của nước này giảm lần đầu tiên trong 8 tháng. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy đà phục hồi kinh tế của đất nước vẫn yếu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài.
Theo đó, trong tháng 1/2021 sản lượng công nghiệp của Hàn Quốc đã giảm 0,6% so với tháng trước đó, ghi dấu sự sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 5/2020, khi sản lượng công nghiệp giảm 1,5%. Sản xuất trong các ngành khai thác, chế tạo, khí đốt và điện cũng giảm 1,6% so với tháng trước đó. Sau khi các hoạt động kinh tế, sản xuất giảm sút bởi đại dịch Covid-19, nền kinh tế Hàn Quốc đang trên đà phục hồi nhờ xuất khẩu mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự phục hồi vẫn không đồng đều giữa các ngành. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) dự báo kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay nhờ xuất khẩu. (Yonhap)
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
Với 61,7 điểm, Việt Nam đã lần đầu tiên lọt nhóm nền kinh tế có chỉ số tự do kinh tế ở mức trung bình, trở thành nền kinh tế tự do đứng thứ 90 trong bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế (Index of Economic Freedom) 2021 do Quỹ Di sản thực hiện. Lý do được đưa ra là tình hình tài chính trong nước được cải thiện. Việt Nam đứng thứ 17 trong số 40 nền kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và điểm tổng thể của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.
Hội đồng phát triển kinh tế-xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) đã thông qua khuôn khổ phát triển cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia lần thứ 13 giai đoạn 2022 – 2026 với trọng tâm là phát triển kinh tế có giá trị gia tăng cao. Kế hoạch quốc gia lần thứ 13 đặt mục tiêu vào 4 lĩnh vực: (i) Tái cơ cấu khu vực công nghiệp theo hướng công nghệ cao hơn; (ii) Tạo cơ hội cho người Thái được bảo đảm hơn trong cuộc sống, nhằm thu hẹp chênh lệch về thu nhập; (iii) Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp dựa vào cộng đồng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển thành phố thông minh và một môi trường tốt hơn; (iv) Phát triển lực lượng lao động chất lượng cao, cải thiện quản lý của Chính phủ để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và các dịch vụ công. (Bangkok Post)
Xuất khẩu nông, thủy sản Campuchia khởi sắc trong Quý I/2021. Trong 2 tháng đầu năm 2021, ngoài gạo, Campuchia đã xuất khẩu 1.599.922 tấn nông sản sang 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 55,27% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số đó, nông sản nhận được đơn hàng nhiều nhất là sắn: 802.451,56 tấn sắn khô và 154.750 tấn sắn tươi; 287.850 tấn lúa; các nông sản khác gồm 79.473 tấn hạt điều; 78.856 tấn ngô; 75.645,57 tấn chuối; 43.680 tấn xoài tươi; 32.417 tấn tiêu tươi; 7.176 tấn dầu dừa; 6.250 tấn cám; và 31.371 tấn của 33 mặt hàng nông sản khác. (Phnom Penh Post)
Chính phủ Indonesia đang khuyến khích phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch, hay còn gọi du lịch nông nghiệp ở tất cả các vùng để tăng giá trị kinh tế ngoài hàng hóa. Việc phát triển du lịch nông nghiệp để nâng cao nền kinh tế là phù hợp với chỉ đạo của Tổng thống Joko Widodo về yêu cầu cần đổi mới trong việc củng cố nền kinh tế giữa đại dịch Covid-19. (Jakatar Post)
Chính phủ Singapore cho biết trong tháng 4/2021 sẽ đưa ra một sáng kiến mới với tên gọi “Chương trình các nhà lãnh đạo số” nhằm giúp các công ty nước này đẩy nhanh nỗ lực chuyển đổi số. Những lĩnh vực được tài trợ bao gồm các kỹ năng trong phát triển phần mềm, khoa học dữ liệu, an ninh mạng và sự hiểu biết sâu rộng về các mô hình hoạt động kinh doanh… Ngoài ra, Chương trình cũng tài trợ cho các dịch vụ tư vấn để hướng dẫn các công ty lập kế hoạch và thực hiện các dự án số, phát triển các sản phẩm và dịch vụ số cho các thị trường và khách hàng mới nhằm tạo doanh thu cho công ty.