Kinh tế thị trường xã hội đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi của nền kinh tế Tây Đức thời hậu chiến. (Nguồn: DPA) |
Lý thuyết Tự do trong Trật tự và nền Kinh tế thị trường xã hội
Học thuyết Tự do trong Trật tự tuân theo nguyên lý cơ bản: “Khi đưa ra chính sách kinh tế, nhà nước phải hướng tới phác thảo những khung trật tự kinh tế, chứ không ảnh hưởng tới quá trình hoạt động kinh tế”. Đây là nền tảng của Kinh tế thị trường xã hội.
Giáo sư Walter Eucken, người khởi xướng nền tảng lý thuyết “Tự do trong Trật tự” bổ sung thêm 11 nguyên tắc cơ bản, trong đó, bảy nguyên tắc có tính chất kiến tạo và bốn nguyên tắc có tính chất điều phối.
Trong bảy nguyên tắc kiến tạo, hệ thống giá cả lành mạnh trên cơ sở tự do cạnh tranh mang yếu tố tiên quyết, đảm bảo cho mọi người dễ dàng tiếp cận và tham gia thị trường, với giá cả được điều phối bởi thị trường. Bất kỳ sự tác động nào của nhà nước đều làm biến dạng giá cả, ảnh hưởng đến các chủ thể kinh tế. Các nguyên tắc kiến tạo còn lại bao gồm quyền tư hữu, thị trường mở, tự do hợp đồng, trách nhiệm, ổn định tiền tệ, ổn định chính sách là những công cụ giúp hệ thống giá cả hoạt động lành mạnh. Quyền tư hữu là tiền đề bảo đảm tính trật tự của thị trường. Nguyên tắc thị trường mở giúp mọi thành viên được tham gia thị trường công bằng, hạn chế sự độc quyền. Tự do hợp đồng có nghĩa rằng các thành viên có thể tự do quyết định đối tác, đàm phán, ký kết mà không chịu bất kỳ sự tác động nào của bên thứ ba.
Nguyên tắc trách nhiệm nhấn mạnh việc mọi người, mọi doanh nghiệp cần tự chịu trách nhiệm trước mọi quyết định và hành động được đưa ra. Ổn định tiền tệ bao gồm sự ổn định giá và khả năng chịu rủi ro của thị trường. Để giá trị đồng tiền ổn định, các ngân hàng trung ương cần có biện pháp hoạt động độc lập. Cuối cùng, nguyên tắc ổn định chính sách nhấn mạnh rằng thay đổi chính sách cần được lên kế hoạch và đưa ra dấu hiệu để mọi người có thể dự đoán được.
Bốn nguyên tắc điều phối gồm chính sách hạn chế độc quyền, chính sách lợi tức và xã hội, chính sách tài chính và ngân sách, chính sách điều phối thị trường lao động được áp dụng nhằm xử lý các rủi ro tiềm tàng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, bốn nguyên tắc này đều cần được hiện thực hóa thành các đạo luật và điều phối bởi các cơ quan có thẩm quyền. Chính sách hạn chế độc quyền được xem là nguyên tắc quan trọng nhất bởi chỉ khi các hoạt động trong thị trường diễn ra công bằng, giá cả cạnh tranh lành mạnh thì nền kinh tế mới hoạt động hiệu quả. Chính sách lợi tức và xã hội giúp phân chia đồng đều thành quả, qua đó cải thiện an ninh xã hội.
Về mô hình kinh tế thị trường xã hội, thay vì đưa ra một định nghĩa cụ thể, ông Ludwig Erhard, Walter Eucken và Muller-Armack chỉ nêu ra công thức hướng tới kết hợp tự do trên thị trường với sự ổn định xã hội.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế được coi là mục tiêu tối quan trọng và yếu tố con người được đặc biệt đề cao trong quá trình phát triển. Các nhà sáng lập nhấn mạnh rằng phát triển kinh tế để hỗ trợ, phục vụ, lấy con người làm trung tâm.
Nền kinh tế thị trường xã hội có bốn tính chất quan trọng. Thứ nhất, nền kinh tế thị trường xã hội là nền kinh tế tự do, với các hoạt động tuân theo quy luật tự nhiên của thị trường. Thứ hai, sự tự do của nền kinh tế thị trường xã hội bị ràng buộc và kiểm soát bởi khung trật tự kinh tế được luật pháp quy định. Thứ ba, tinh thần thỏa hiệp tự nguyện được quán xuyến xuyên suốt trong các bộ luật lâu dài và chính sách ngắn hạn: giữa tư bản và tầng lớp lao động, giữa người giàu và người nghèo, giữa nhà sản xuất và bên tiêu thụ… Cuối cùng, mỗi người dân đều có quyền hưởng thụ thành quả kinh tế chung.
Tuy có cùng yếu tố “xã hội”, nhưng kinh tế thị trường xã hội và kinh tế xã hội chủ nghĩa là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, dựa trên những nguyên lý căn bản khác nhau và thậm chí có phần trái ngược. Mô hình kinh tế thị trường xã hội đề cao vai trò của sở hữu tài sản tư nhân, hệ thống giá, cạnh tranh lành mạnh cũng như đề cao giá trị tự do, công bằng xã hội, tinh thần trách nhiệm và đoàn kết. Trong khi đó, mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa lại hướng đến quốc hữu hóa tư liệu sản xuất, kế hoạch hóa tập trung, sở hữu tập thể, phân phối theo nhu cầu, kế hoạch hóa thông qua uỷ ban của nhà nước.
Giá trị cốt lõi của nền Kinh tế thị trường xã hội
Ra đời trong Thế chiến II, chịu ảnh hưởng bởi lý thuyết Tự do trong Trật tự và Thiên chúa giáo, nền kinh tế thị trường xã hội hướng tới bảo vệ giá trị tự do, công bằng và phân cấp trách nhiệm.
Tự do kinh tế trong mô hình kinh tế thị trường xã hội được thể hiện qua những điểm như tự do cạnh tranh, chính sách giá cả, tự do tài sản… Tuy nhiên, tự do không có nghĩa là hỗn loạn - mỗi người đều cần phải tôn trọng sự tự do của người khác. Tự do cũng là một quyền mà nhà nước cần bảo đảm cho người dân. Mô hình kinh tế thị trường xã hội đề cao việc tạo ra một trật tự kinh tế, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế diễn ra tự do, hiệu quả.
Theo lý thuyết kinh tế thị trường xã hội, giá trị công bằng có thể đạt được thông qua kết hợp một cách hiệu quả giữa ba thành phần sau: công bằng kết quả, công bằng nhu cầu và công bằng cơ hội. Công bằng kết quả nghĩa là các thành quả xã hội cần phải được phân chia hợp lý sao cho xứng đáng với đóng góp của mỗi cá nhân cho xã hội. Nếu công bằng kết quả được cho là dành cho những người có nhiều cống hiến hơn thì công bằng nhu cầu dành cho những đối tượng còn lại. Công bằng nhu cầu giúp đảm bảo mức sống cơ bản cho những người ít có khả năng đóng góp cho xã hội. Cuối cùng là công bằng cơ hội, đòi hỏi những cơ hội, nguồn lực của thị trường cần được phân bổ đồng đều cho tất cả mọi người trong xã hội.
Phân cấp trách nhiệm liên quan đến thứ tự ưu tiên mà ở đó cấp thấp hơn được ưu tiên khi đưa ra quyết định. Đối với các trách nhiệm của cá nhân, mỗi người phải có nghĩa vụ và phận sự hoàn thành. Nguyên tắc này thể hiện rõ trong chính sách lao động và được ông Walter Eucken nhấn mạnh: “Trong các trường hợp khó khăn, tự bản thân vươn lên là cần thiết trước khi tìm sự giúp đỡ từ người khác hay nhà nước”.
Thực tế áp dụng ở Đức
Thế chiến II kết thúc, nước Đức chịu thiệt hại nặng nề. Nền kinh tế sụp đổ, phần lớn cơ sở hạ tầng, cơ sở công nghiệp nặng bị phá huỷ, thực phẩm khan hiếm và hầu hết đàn ông từ độ tuổi từ 18-35, lực lượng được kỳ vọng nhất trong tái thiết đất nước, đã chết hoặc tàn phế. Ngày 23/5/1949, Tây Đức tuyên bố thành lập Cộng hòa Liên bang Đức và đi theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa. Ngày 7/10/1949, Đông Đức tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Đức và đi theo mô hình nhà nước Xô-viết. Cục diện này ảnh hưởng rất lớn tới tình hình kinh tế và chính trị của nước Đức thời gian sau đó.
Trong bối cảnh đó, Tây Đức triển khai cải cách tiền tệ và sau đó là một loạt các chính sách cải cách khác của mô hình kinh tế thị trường xã hội. Năm 1948, đồng Reichsmark, vốn dần trở nên vô giá trị do chiến tranh, đã bị thay thế bởi đồng Deutsch Mark. Ông Ludwig Erhard cũng thuyết phục Hội đồng Kinh tế vùng Bizone thông qua đạo luật về chế độ phân phối và chính sách giá cả sau cuộc cải tổ tiền tệ, qua đó thiết lập chính sách giá cả trên cơ sở tự do cạnh tranh, làm bàn đạp cho các hoạt động kinh tế vận hành theo nguyên lý Tự do trong Trật tư.
Một yếu tố khác cần được nhắc đến là chương trình Marshall về phục hồi kinh tế châu Âu. Các nước gửi yêu cầu, còn Mỹ xem xét và quyết định hàng hóa được gửi. Với Tây Đức, chương trình này có tác động về nhiều phương diện. Mỹ cung cấp gần 13,3 tỷ USD cho chương trình Marshall, trong đó Đức được hưởng gần 10% tồng giá trị viện trợ.
So với chi phí Tây Đức phải trang trải sau chiến tranh thì khoản viện trợ này là không đáng kể. Tuy nhiên, xét về khía cạnh chính trị, chương trình vẫn mang lại hiệu quả to lớn. Đối với một đất nước đang bị tẩy chay, lên án về tội ác diệt chủng, chương trình đã giúp Tây Đức hòa nhập vào cộng đồng quốc tế, đồng thời giúp lấy lại tự trọng, niềm tin cho người dân, tạo sự tin cậy của thế giới vào Tây Đức. Chớp thời cơ đó, chính phủ Tây Đức nhanh chóng thúc đẩy xuất khẩu đạt tăng trưởng nhanh, làm bàn đạp cho kinh tế phát triển mạnh.
Sau khi đắc cử Thủ tướng, ông Konrad Adenauer gặp nhiều khó khăn trong phục hồi kinh tế, bởi khi ấy, kinh tế thị trường xã hội vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ. Trong khi đó, Tây Đức vẫn chịu sự kiểm soát của Anh, Pháp, Mỹ. Một mặt, Washington muốn ủng hộ mô hình kinh tế thị trường, mặt khác lại muốn tiếp tục can thiệp vào quyết sách của Tây Đức.
Tuy nhiên, trong thời gian ông Ludwig Erhard làm Bộ trưởng kinh tế và sau này kế nhiệm ông Korad Adeneur, Tây Đức đã tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc của mô hình kinh tế thị trường xã hội. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến “phép màu kinh tế” giai đoạn 1949-1966, giúp kinh tế Tây Đức phục hồi mạnh mẽ, hiện đại hóa quy trình sản xuất, công nghệ phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng cải thiện.
Những năm sau đó, kinh tế Tây Đức có dấu hiệu chững lại. Khi trở thành Thủ tướng năm 1969, ông Willy Brandt, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) chủ trương triển khai chương trình Godesberg để giúp kinh tế tăng trưởng trở lại và tăng phúc lợi cho người dân. Tuy nhiên, sự can thiệp quá mức của nhà nước đã cản trở việc thực hiện các nguyên lý của kinh tế thị trường và khiến chương trình thất bại. Khủng hoảng dầu khí thế giới năm 1973 càng làm kinh tế Tây Đức gặp nhiều khó khăn hơn.
Năm 1982, ông Helmut Kohl trở thành Thủ tướng. Dưới sự lãnh đạo của ông, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi thị trường, phát triển mạnh trở lại. Tây Đức và Đông Đức chính thức hợp nhất năm 1990. Đông Đức đổi sang mô hình kinh tế thị trường xã hội và dần khôi phục lại nền kinh tế. Kinh tế Đức phát triển mạnh mẽ và khẳng định vị trí trung tâm kinh tế lớn hàng đầu của châu Âu và thế giới.
| Kinh tế Đức sẽ không còn là 'đầu tàu' trong EU? Tác động từ xung đột Nga-Ukraine và quan hệ trắc trở với Trung Quốc có thể khiến kinh tế Đức sớm mất đi vị thế ... |
| Đi tìm chìa khóa hồi sinh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc Chìa khóa cho sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc là cách các nhà chức trách xử lý làn sóng bùng phát dịch ... |
| Hoàn thiện thể chế trong nền kinh tế thị trường: Điểm tựa cho sự phát triển TGVN. Để đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, chúng ta cần ... |
| Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường Ngày 28/9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Đại học ... |
| Tư duy của nhà lập kế hoạch phải thay đổi trước một bước Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc lập kế hoạch phải dựa trên các quy luật của nền kinh tế thị trường khi thị trường ... |