Tổng mức thiệt hại đối với kinh thế giới trong năm 2020 - 2021 vào khoảng 9 nghìn tỷ USD. (Nguồn: Nationalwheels) |
Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của IMF dự báo, nền kinh tế thế giới sẽ giảm 3% trong năm 2020, so với mức giảm trong cuộc suy thoái sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 là 0,1%. Trong khi đó, hồi tháng 1/2020, IMF dự báo GDP toàn cầu tăng 3,3% trong năm nay.
IMF cho rằng, các nền kinh tế phát triển sẽ ghi nhận mức giảm mạnh nhất, tới 6,1%, trong khi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ giảm 1%.
Trong báo cáo trên, IMF dự báo, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ giảm tới 7,5% trong năm nay và châu Âu là khu vực được dự đoán có hoạt động kinh tế giảm sút lớn nhất so với các khu vực khác trên thế giới. Với nền kinh tế Anh, mức giảm trong năm nay được dự báo là 6,5%.
Mỹ, tâm điểm hiện nay của đại dịch, sẽ chứng kiến nền kinh tế quốc gia giảm 5,9% trong năm 2020, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1946. Nền kinh tế Nhật Bản cũng dự kiến sẽ giảm 5,2% kể từ năm 2009.
IMF đánh giá, sự gián đoạn trong hoạt động kinh tế dự kiến sẽ tập trung vào quý II/2020 đối với hầu hết các quốc gia trừ Trung Quốc, nơi đã bị dịch bệnh “tàn phá” trong quý I/2020 và đang dần mở cửa nền kinh tế trở lại trong bối cảnh dịch đang dần được kiểm soát. Nhưng ngay cả khi ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ trong phần còn lại của năm cùng các chính sách hỗ trợ tài chính lớn, Trung Quốc được dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 1,2% vào năm 2020.
Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath nhấn mạnh, nền kinh tế toàn cầu rất có thể sẽ phải trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái những năm 1930 và thậm chí còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn một thập kỷ.
"Đây là một cuộc khủng hoảng không giống như những cuộc khủng hoảng khác, khi vẫn khó có thể dự báo khủng hoảng sẽ kéo dài bao lâu và nghiêm trọng đến đâu. Tổng mức thiệt hại đối với kinh thế giới trong năm nay và năm tới vào khoảng 9 nghìn tỷ USD, một con số lớn hơn cả quy mô của hai nền kinh tế Nhật Bản và Pháp cộng lại", bà Gopinath nói.
Trong báo cáo trước đó của IMF, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong nửa cuối năm nay, kinh tế toàn cầu được cho là sẽ tăng trưởng 5,8% vào năm 2021, thay vì mức 3,4%. Thương mại toàn cầu được dự báo giảm 11% trong năm nay, trước khi tăng 8,4% trong năm 2021.
Theo đó, năm 2021, kinh tế Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 4,7%, Mỹ dự kiến sẽ đạt 4,7%, Trung Quốc là 9,2% và Nhật Bản là 3%. Những ước tính này đều cao hơn so với các con số được đưa ra trong tháng 1/2020.
Tuy nhiên, triển vọng đó không có gì đảm bảo. IMF cảnh báo, có nhiều yếu tố chưa rõ, như dịch sẽ kéo dài bao lâu, hiệu quả của các chính sách đã được thực hiện nhằm kiểm soát dịch và hạn chế thiệt hại về kinh tế cũng như sự không chăn chắc về tình hình dịch bệnh trong vài tháng tới. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu có thể yếu hơn so với ước tính hiện tại, nếu xảy ra đợt bùng phát dịch thứ hai.