Theo bài viết, đã hơn một tháng trôi qua khi từ khi phần lớn 25 triệu dân ở thành phố tài chính của Trung Quốc là Thượng Hải bị phong tỏa do đại dịch Covid-19. Mới đây, khoảng 3/4 trong tổng số 22 triệu dân ở thủ đô Bắc Kinh đã phải xếp hàng dài để xét nghiệm virus SARS-CoV-2, khiến hoạt động kinh tế gần như bị đình trệ.
Thành phố Quảng Châu ở phía Nam Trung Quốc - trung tâm công nghệ và sản xuất lớn - đã hủy hàng trăm chuyến bay và công bố xét nghiệm diện rộng đối với khoảng 1/3 trong tổng số 19 triệu dân của địa phương này. Nhiều nơi khác cũng đang phải đối mặt với những hình thức hạn chế đi lại hay hoạt động nào đó.
Các nhà kinh tế thuộc công ty dịch vụ tài chính Nomura (Singapore) ước tính, 45 thành phố và hơn 370 triệu dân ở Trung Quốc, chiếm khoảng 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, đã bị phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần.
Ngoài sự bất tiện mà chính sách này gây ra cho người dân, trong đó có những khó khăn trong việc mua lương thực thực phẩm và chăm sóc y tế, ảnh hưởng kinh tế của nó có khả năng rất sâu rộng, đối với cả Trung Quốc lẫn nền kinh tế toàn cầu.
Chính sách 'Zero Covid' của Trung Quốc đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động vận tải, làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng. (Nguồn: EPA) |
Nhiều khó khăn hơn về chuỗi cung ứng
Ảnh chụp từ trên không ngoài khơi cảng biển của Thượng Hải cho thấy rất nhiều tàu đậu san sát nhau trên một vùng biển rộng lớn. Những gián đoạn trong hoạt động cảng biển của Thượng Hải đã khiến nhiều tàu phải chuyển hướng sang các cảng khác như Ninh Ba và Thanh Đảo.
Theo công ty thông tin hàng hải Windward AI, có 412 tàu bị mắc kẹt bên ngoài các cảng biển Trung Quốc vào ngày 28/4, chiếm khoảng 1/4 số tàu container bị mắc kẹt ở các cảng biển trên toàn cầu.
Sự tắc nghẽn cảng biển đồng nghĩa với sự chậm trễ theo hai hướng. Tàu phải chờ để dỡ hàng có nghĩa là nguyên liệu thô mà các công ty Trung Quốc cần để sản xuất, cũng như hàng hóa để tiêu thụ cuối cùng ở Trung Quốc, bị trì hoãn đưa vào.
Và khi tàu chờ được chất hàng, việc vận chuyển ra bên ngoài bị trì hoãn đối với hàng loạt mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, chẳng hạn như linh kiện của tất cả các loại mặt hàng, hàng điện tử, quần áo, đồ dùng, đồ nhựa, vật liệu xây dựng…
Tác động trực tiếp của sự trì hoãn này là chi phí vận tải tàu biển cao hơn do thời gian quay vòng của tàu bị kéo dài. Chỉ số container thế giới Drewry, phản ánh những chi phí này, cho thấy giá cước vận tài cho một container 20 feet từ Thượng Hải đến New York là 11.211 USD vào ngày 28/4, cao hơn khoảng 77% so với một năm trước đó.
Trong khi đó, vận tải hàng không cũng bị ảnh hưởng. Đa số các chuyến bay theo dự kiến vào và ra khỏi sân bay Pudong của Thượng Hải (trong số các sân bay thành phố khác) đã bị hủy trong phần lớn tháng Tư và các chuyến hàng vận chuyển bằng đường hàng không chỉ giới hạn ở những hàng hóa thiết yếu như thuốc men.
Chi phí vận tải nội địa Trung Quốc cũng tăng vọt. Người lái xe tải phải trình kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 48 giờ để vào Thượng Hải hay các thành phố khác bị hạn chế đi lại.
Nhiều người muốn tránh xét nghiệm vì sợ bị cách ly và tránh các điểm đến yêu cầu xét nghiệm, trong đó có Thượng Hải. Vì vậy việc đưa hàng hóa ra vào các nhà máy hay cảng biển lại là một vấn đề khó khăn nữa.
Chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn, cả trong nước và quốc tế, sẽ cộng vào giá thành cuối cùng của hàng hóa có thể được vận chuyển.
Ngay dù nếu Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa, chi phí vận chuyển sẽ vẫn ở mức cao trong vài tháng, khi các nhà nhập khẩu cố gắng xử lý các đơn hàng bị trì hoãn từ các nhà máy được mở cửa trở lại ở Trung Quốc. Điều này một lần nữa dẫn đến sự tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng biển và chi phí vận tải biển tăng cao.
Trong khi đó, sự sụt giảm trong sản xuất và các lô hàng đang dẫn đến tình trạng thiếu linh kiện cho một số ngành công nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất ở cả Trung Quốc lẫn các quốc gia khác.
Hiện tình trạng thiếu hụt phụ tùng ô tô và chip ô tô đã khiến các nhà sản xuất ô tô, trong đó có Tesla, Nio, Mazda, Mitsubishi, Toyota và Volkswagen, cũng như một số nhà cung cấp phụ tùng khác, phải tạm dừng hoạt động của các dây chuyền sản xuất.
Việc sản xuất chất bán dẫn ít bị ảnh hưởng hơn vì một số trong đó là tự động, nhưng vận chuyển vẫn là một vấn đề khó khăn.
Theo Giám đốc điều hành của hãng sản xuất chip Intel Patrick P. Gelsinger, những trở ngại về logistics ở Trung Quốc, cộng với tác động từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine (dẫn đến gián đoạn trong việc cung cấp các vật liệu then chốt được sử dụng cho sản xuất chất bán dẫn như neon và palladium), sẽ khiến tình trạng thiếu chip kéo dài đến ít nhất năm 2024.
Những gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng ảnh hưởng lớn đến các linh kiện điện tử khác được sử dụng trong lắp ráp. Nhiều quốc gia châu Á phụ thuộc vào Bắc Kinh đối với các sản phẩm trung gian như vậy, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và ở mức độ ít hơn là Singapore.
Điểm mấu chốt là sự gián đoạn về vận chuyển, sản xuất và chuỗi cung ứng do các biện pháp phong tỏa sẽ dẫn đến những áp lực lạm phát mới trên toàn thế giới. Không có cách khắc phục dễ dàng nào cho điều này.
Ngoài những hàng hóa giá trị thấp và một số linh kiện không cần đến các chuỗi cung ứng tinh vi, việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian nếu có thể thực hiện được.
Ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng
Với hoạt động kinh tế hoặc đình trệ hoặc giảm sút ở nhiều thành phố, sự phong tỏa để phòng dịch rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng GDP quý I/2022 của Trung Quốc đạt 4,8%, nhưng con số này đạt được trước thời điểm tồi tệ nhất của các biện pháp phong tỏa bắt đầu được áp đặt vào tháng 4/2022.
Những con số mới nhất về Chỉ số quản lý mua hàng (PMI – thước đo các xu hướng kinh tế trong các lĩnh vực khác nhau) được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố mới đây đã giảm xuống những mức chưa từng thấy kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát (quý I/2020) đối với cả lĩnh vực sản xuất lẫn dịch vụ.
Lực lượng chức năng phong tỏa để tiến hành xét nghiệm tại một khu dân cư ở Bắc Kinh. (Nguồn: Reuters) |
Các công ty nước ngoài cũng bị ảnh hưởng. Một khảo sát tháng Tư của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy 82% nhà sản xuất báo cáo sản xuất chậm lại hoặc cắt giảm, 29% hoãn đầu tư và 17% giảm đầu tư vào Trung Quốc.
Mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức 5,5% trong năm nay của Trung Quốc giờ đây dường như nằm ngoài khả năng. Hầu hết các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng xuống từ 4-5%. Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là 4,4%, giảm từ 5,6% trong dự báo tháng 10/2021.
Tuy nhiên, tất cả những viễn cảnh này đều không chắc chắn, do thiếu sự rõ ràng về thời gian đại dịch kéo dài ở Trung Quốc.
Mặc dù vậy, điều chắc chắn hơn là sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc sẽ trầm trọng thêm bởi căng thẳng kinh tế ở châu Âu đang gia tăng do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và khả năng kinh tế Mỹ giảm tốc khi đối mặt với lãi suất tăng.
Với ba nền kinh tế lớn nhất thế giới này cùng lúc tăng trưởng chậm lại, nguy cơ suy thoái toàn cầu càng tăng lên.
Những lựa chọn chính sách hạn chế
Việc kích thích nền kinh tế để đối phó với suy thoái sẽ không hề dễ dàng đối với các nhà chức trách Trung Quốc. Mở rộng tín dụng, mặc dù hữu ích, nhưng sẽ không có tác động lớn khi đối mặt với tình trạng phong tỏa vốn hạn chế khả năng chi tiêu của người dân, nhu cầu vay vốn giảm và lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn.
Trong việc cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) cũng có thể gây ra sự suy yếu hơn nữa cho tỷ giá đồng Nhân dân tệ vốn đã giảm khoảng 4% so với đồng USD vào tháng Tư.
Theo Viện tài chính quốc tế, viễn cảnh đồng tiền yếu hơn sẽ làm tăng nguy cơ tháo chạy vốn, đã và đang tăng tốc sau khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát, mặc dù Trung Quốc có đủ lượng dự trữ ngoại hối lớn để bảo vệ đồng tiền của mình.
Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể giúp ích nhưng sẽ làm tăng thêm công suất dư thừa trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, việc chi tiêu cho hạ tầng nhiều hơn cũng sẽ làm tăng thêm nợ vì các chính quyền địa phương khi thiếu nguồn lực do việc bán đất sụt giảm sẽ phải vay mượn nhiều hơn để tài trợ cho các dự án xây dựng, nhiều trong số đó có thể không mang lại lợi nhuận tốt.
Một hành động chính sách hứa hẹn hơn sẽ là nới lỏng các quy định đối với lĩnh vực công nghệ tư nhân của Trung Quốc. Việc thắt chặt kiểm soát đối với các công ty này kể từ năm 2021, trong các lĩnh vực công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giáo dục, gọi xe công nghệ, giải trí, truyền thông xã hội và chơi game, đã dẫn đến tình trạng sa thải và phá hủy giá trị rất lớn.
Những báo cáo gần đây về các cuộc gặp dự kiến diễn ra giữa các cơ quan quản lý của Trung Quốc và các công ty công nghệ cho thấy có thể có sự nới lỏng nào đó khiến giá cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ Trung Quốc tăng mạnh trong tuần trước.
Các công ty công nghệ của Trung Quốc rất năng động và sáng tạo, và nếu được nới lỏng hơn, thì một lần nữa họ có thể trở thành những nhà tạo công ăn việc làm lớn.
Các chính sách tạo điều kiện thuận lợi một cách rộng rãi hơn cho lĩnh vực tư nhân - trong đó có quyền tiếp cận lớn hơn với tín dụng và chuyển giao tài sản từ các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước tương đối kém hiệu quả - sẽ phải đi một chặng đường dài hướng tới việc thúc đẩy niềm tin kinh doanh và phục hồi nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng, vì đại dịch là yếu tố quyết định chính đến “sức khỏe” nền kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn, nên có lẽ chính sách hiệu quả nhất sẽ là tăng tỷ lệ tiêm phòng với các loại vaccine hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với người cao tuổi.
Điều này sẽ góp phần chuyển từ chính sách “Zero-Covid” sang chính sách coi đây là bệnh đặc hữu, như phần lớn thế giới đã thực hiện. Dù sao đây cũng có thể là điều không thể tránh khỏi.