Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Kỳ họp diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (28/5/1975 – 28/5/2015).Hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam – Myanmar đã có nhiều bước phát triển thực chất và hiệu quả; đồng thời cũng nhất trí còn nhiều lĩnh vực tiềm năng cần được thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới.
Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, thông qua các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu nhân dân, đồng thời phát huy hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương hiện có như Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương, Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Tiểu ban Hỗn hợp Thương mại. Myanmarthông báođã thành lập Hội hữu nghị Myanmar – Việt Namdo một Thứ trưởng của Văn phòng Tổng thống làm Chủ tịch để tăng cường sự hiểu biết và giao lưu giữa nhân dân hai nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ký Biên bản Kỳ họp. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Hai bên hài lòng về sự tăng trưởng nhanh của kim ngạch thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây và quyết tâm cùng nỗ lực để đạt mục tiêu 500 triệu USD trong năm 2015.Myanmar đánh giá nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam có hiệu quả kinh tế cao, mang lại lợi ích thiết thực như Dự án xây dựng khu phức hợp khách sạn, văn phòng và trung tâm thương mại của Tập đoàn đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Yangon, Dự án hợp tác khai thác dầu khí giữa Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty Dầu khí Myanmar (MOGE)... Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và có tiềm năngnhư thủy sản, dầu khí, thông tin - truyền thông, sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu, du lịch. Phía Myanmar thông báo Chính phủ Myanmar đang xem xét cấp giấy phép cho BIDV mở chi nhánh ngân hàng tại Myanmar trong đợt xét duyệt sắp tới để tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Myanmar, và ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn tại Myanmar, trong đó có FPT, Viettel, VinaCapital, Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP)…
Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp triển khai hiệu quả Bản Thỏa thuận về hợp tác quốc phòng ký tháng 9/2011; nâng cao hiệu quả các cơ chế như Đối thoại An ninh thường niên, sớm thiết lập cơ chế Đối thoại chính sách Quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác về công nghiệp quốc phòng, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo, quân y, hợp tác phòng chống tội phạm. Ngoài ra, hai nước cũng nhất trí đẩy mạnh quan hệ trên các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, trong đó có hợp tác nghiên cứu sản xuất vải từ sợi tơ sen.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương; cùng phối hợp với các nước thành viên ASEAN khác trong việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, duy trì vai trò trung tâm và tiếng nói chung của ASEAN trong giải quyết các vấn đề ở khu vực. Myanmar khẳng định lập trường mong muốn các bên liên quan ở Biển Đông cùng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, phấn đấu đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Kết thúc Kỳ họp, Phó Thủ tướng,Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giaoMyanmar U Wunna Maung Lwin đã ký Biên bản Kỳ họp. Hai bên nhất trí Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương giữa Việt Nam – Myanmar sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2017./.
B.C