📞

Kỳ họp lịch sử với những quyết sách kịp thời, hợp lòng dân

Nguyễn Kim 17:11 | 28/07/2021
Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV là một kỳ họp mang tính lịch sử với những quyết sách thích ứng kịp thời với bối cảnh, thách thức đặt ra cho đất nước.

Một kỳ họp thành công

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đoàn Thừa Thiên-Huế, kết quả đạt được lớn nhất của kỳ họp lần này chính là công tác nhân sự - bầu các chức danh chủ chốt của đất nước. Ở kỳ họp đã có sự tập trung, sự tín nhiệm cao dành cho các chức danh lãnh đạo - Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua các vị trí nhân sự dưới các chức danh lãnh đạo chủ chốt để hình thành nên bộ máy Nhà nước một cách toàn diện.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, một thành công nữa liên quan đến yếu tố con người - đó chính là các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nói: “Chất lượng của các đại biểu - về vấn đề trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị và trình độ nhận thức xã hội để mạnh dạn đứng trong nghị trường, tham gia phát biểu tham luận, nghiên cứu kĩ càng các tài liệu theo tôi cũng là một thành công. Nếu chúng ta duy trì được tốc độ này thì trong các kỳ họp sắp tới, chất lượng ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội sẽ cao hơn”.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đoàn Thừa Thiên-Huế: Kết quả đạt được lớn nhất của kỳ họp lần này chính là công tác nhân sự - bầu các chức danh chủ chốt của đất nước.

Bà Sửu cũng cho biết, các đại biểu Quốc hội trẻ, mới lần đầu tiên tham gia kỳ họp, cũng đã có sự bắt nhịp rất tốt. Bản thân họ có nguyện vọng đứng vào nghị trường để cống hiến sự hiểu biết, trình độ, trách nhiệm của mình cho sự phát triển chung của đất nước, cũng như phụng sự người dân - những người đã bỏ lá phiếu tín nhiệm cho mình.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, đoàn Bến Tre, cho rằng, Kỳ họp thứ nhất là một kỳ họp thành công cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Thứ nhất là đã tổ chức được kỳ họp an toàn mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra rất nghiêm trọng trên phạm vi cả nước. Thứ hai là rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu và nội dung của kỳ họp, “không bỏ lại nội dung nào”.

Thứ ba là trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn ra nghiêm trọng, Quốc hội đã rất linh động đưa chương trình phòng chống dịch bệnh Covid-19 vào chương trình của kỳ họp, đáp ứng sự quan tâm của cử tri cả nước đối với hoạt động của Quốc hội.

Trao đổi với phóng viên về cảm xúc khi tham dự Kỳ họp, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, đoàn Bình Thuận bày tỏ, cá nhân cảm thấy như đang hòa vào một giai đoạn lịch sử của đất nước.

“Kỳ họp đầu tiên với những quyết sách, quyết định quan trọng, đã đi sát thực tiễn những vấn đề, những khúc mắc của đất nước và người dân. Kỳ họp giúp các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ có được những quyết sách, khung khổ pháp lý trước mắt và dài hạn cho cả nhiệm kỳ 5 năm.

Với tổ chức bộ máy cũng như những quyết sách quan trọng liên quan kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và các chương trình mục tiêu quốc gia, tôi tin chắc rằng trong nhiệm kỳ 2021-2025, kinh tế Việt Nam, đất nước, con người cũng sẽ đạt được những kỳ tích mới”, đại biểu nói.

Cùng niềm tin tưởng lạc quan này, đại biểu Huỳnh Thanh Phương, đoàn Tây Ninh nhấn mạnh, Kỳ họp thứ Nhất có ý nghĩa rất quan trọng, kiện toàn được các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước trong giai đoạn sắp tới, đồng thời mở ra một giai đoạn phát triển mới. Những chủ trương chính sách phát triển kinh tế, xã hội trong 5 năm 2021-2025, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cũng như các kế hoạch tài chính ngân sách, đầu tư đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hết sức cụ thể và có kế hoạch lộ trình triển khai hết sức chặt chẽ.

“Cho nên tôi đánh giá thành công của kỳ họp này sẽ mở ra tương lai tươi sáng của đất nước ta trong thời gian tới”, đại biểu nói.

Một kỳ họp đặc biệt

Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai, khẳng định: “Quốc hội khóa XV là một nhiệm kỳ Quốc hội đặc biệt. Và trong những thời điểm đặc biệt, rất cần quyết sách đặc biệt từ cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cho người dân”.

Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu tại một phiên thảo luận của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu này cho biết, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Quốc hội có 3 chức năng chính: chức năng lập pháp, chức năng giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ mới, với tình hình và bối cảnh mới, có những yêu cầu, thách thức riêng.

Thứ nhất, với chức năng lập pháp - chức năng cơ bản của Quốc hội. Cũng giống các kỳ trước, Quốc hội khóa XV phải tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật theo đúng đường lối chủ trương của đảng, đặc biệt là với định hướng của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đản. Nhưng trong nhiệm kỳ này cần hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt là về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, quy định pháp luật đảm bảo quyền con người, quyền công dân, hệ thống quy định pháp luật liên quan lĩnh vực tư pháp,…

Bên cạnh đó là hệ thống các quy định pháp luật để phục vụ cho những nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là cho công tác chống dịch, cho hoạt động đầu tư kinh doanh để làm sao phát huy mọi lợi thế, mọi nguồn lực để xây dựng đất nước trong nhiệm kỳ tới.

“Có nghĩa là cần sự quyết tâm, sự đầu tư rất lớn để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nhiệm kỳ này”, đại biểu nói.

Thứ hai, về chức năng giám sát - công tác thể hiện quyền lực của Quốc hội. Đại biểu cho rằng trong nhiệm kỳ XV cần kế thừa những thành công và kinh nghiệm của hoạt động giám sát của Quốc hội khóa XIV và cần phải chú tâm hơn nữa vào công tác giám sát các hoạt động chuyên đề và hoạt động chất vấn.

Theo đại biểu, đối với những vấn đề cần giám sát, cần đặt trọng tâm vào các chuyên đề phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng pháp luật, và đặc biệt là giám sát phải gắn sát với nguyện vọng cử tri và nhân dân cũng như giám sát việc thực hiện kiến nghị của cử tri.

Thứ ba, về việc quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia - chức năng theo Hiến pháp quy định giao cho Quốc hội. Theo đại biểu, trong nhiệm kỳ này cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong khóa XIV trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nhưng đặt trong những yêu cầu rất lớn, cấp bách, đặc biệt liên quan phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu bày tỏ tin tưởng, với sự đồng lòng, nhất trí của đại biểu Quốc hội, sự đổi mới sáng tạo, quyết tâm cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội, Quốc hội khóa XV sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và xứng đáng với kỳ vọng của cử tri trong một giai đoạn mới, giai đoạn mà khi đất nước phải thực hiện nhiệm vụ kép - vừa chống dịch và hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với những chỉ tiêu đòi hỏi cao hơn.

Và những quyết định đúng đắn

Cũng như nhiều đại biểu khác, bà Đỗ Thị Lan, đại biểu đến từ đoàn Quảng Ninh, cho biết, do tình hình đại dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp ở một số tỉnh phía Nam và TP. Hà Nội nên Quốc hội đã quyết định giảm thời gian kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa XV.

“Đây là quyết định đúng đắn, vì trong số các đại biểu Quốc hội có nhiều đồng chí là lãnh đạo bộ ngành, địa phương cần tập trung dành thời gian triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, giảm thiểu ca nhiễm và ca tử vong, đảm bảo sức khỏe nhân dân là trên hết”, đại biểu nhận xét.

Đại biểu Đỗ Thị Lan cũng cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Kỳ họp thứ Nhất, với tinh thần giảm thời gian nhưng nội dung chương trình không bị ảnh hưởng, cộng với cách tổ chức, bố trí và điều hành linh hoạt, sáng tạo của Lãnh đạo, Chủ tịch Quốc hội và đoàn Quốc hội, sự tập trung cao độ và sự chuẩn bị khoa học, khẩn trương của các cơ quan có liên quan của Quốc hội và Chính phủ nên đã đảm bảo chất lượng các Nghị quyết, các báo cáo, kể cả các báo cáo tờ trình và báo cáo thẩm tra để chuẩn bị cho các hoạt động diễn ra đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của kỳ họp.

Đại biểu Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh, trả lời phóng viên bên hành lang Kỳ họp.

Theo đại biểu, việc quyết định những vấn đề quan trọng, liên quan đến nhân sự cấp cao đã được thực hiện đúng quy định, đảm bảo dân chủ. Việc xem xét các báo cáo của Chính phủ liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng 2021 và 5 năm 2021-2021, cũng như báo cáo tài chính ngân sách, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đầu tư công trung hạn cũng được Quốc hội ban hành Nghị quyết một kịp thời nhất, đảm bảo về thời gian triển khai tại các địa phương, thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước.

“Đây là các nội dung được các đại biểu quan tâm phát biểu với nhiều ý kiến sâu sắc kể cả ở tổ và hội trường. Nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong thời kỳ đại dịch Covid-19”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, bà Thủy cũng cho biết, Quốc hội đã xem xét các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai thực hiện các chủ trương Nghị quyết của Trung ương về giảm nghèo bền vững trong giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 với nhiều nội dung được đổi mới, đáp ứng nhiệm vụ giảm nghèo trong giai đoạn mới, qua đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, các cấp địa phương trong giảm nghèo bền vững đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác an sinh xã hội, với các lĩnh vực xã hội song song nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Cũng theo đại biểu, về việc bổ sung vào nội dung của Nghị quyết kỳ họp nội dung tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong đó quy định thẩm quyền của Chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết phục vụ công tác phòng chống dịch là hợp lòng dân, phù hợp với tình hình hiện nay - rất gấp rút, cấn thiết để tháo gỡ khó khăn, tập trung vào phòng chống dịch bệnh đạt kết quả tốt nhất.