TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là một sự kiện chính trị quan trọng, có nhiều ý nghĩa. (Ảnh: NVCC) |
Thứ nhất, đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ cho nên Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo giữa kỳ trong mối liên hệ với tình hình thực hiện các kế hoạch, mục tiêu cho cả nhiệm kỳ.
Thứ hai, khối lượng công việc tại kỳ họp lần này rất lớn khi Quốc hội sẽ cho ý kiến với 8 dự án luật; dự kiến thông qua 9 dự án luật; đồng thời xem xét và quyết định nhiều vấn đề kinh tế - xã hội.
Thứ ba, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cũng vì thế, kỳ hợp thứ 6 tới đây không chỉ đem lại những kỳ vọng như thường lệ, mà một số nội dung có thể nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía cử tri.
Nhiều kỳ vọng
Trong những năm gần đây, với những nỗ lực đổi mới hoạt động, các kỳ họp Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở nước ta ngày càng thu hút sự quan tâm của cử tri và dư luận xã hội.
Mức độ quan tâm từ phía người dân, doanh nghiệp sẽ cao hơn với kỳ họp giữa nhiệm kỳ sắp tới bởi việc xem xét, đánh giá về những gì đã diễn ra trong nửa đầu nhiệm kỳ sẽ có thể dẫn đến những điều chỉnh chính sách, ảnh hưởng quan trọng đến khả năng thực hiện các mục tiêu mà Quốc hội đề ra từ đầu nhiệm kỳ khóa XV.
Với chức năng lập pháp, kỳ vọng đầu tiên hẳn nhiên là số lượng 17 dự thảo luật sẽ được Quốc hội thảo luận và có thể thông qua. Những luật mới được ban hành, hoặc luật hiện hành được sửa đổi sẽ có ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp trên nhiều phương diện.
Quan trọng hơn, việc bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ luôn là vấn đề hệ trọng, được đông đảo cử tri mong đợi. Bởi một hệ thống luật pháp ngày càng hoàn chỉnh sẽ gia cố điều kiện thể chế cho các hoạt động quản trị quốc gia trong nhiều năm tới.
Kỳ vọng thứ hai, Quốc hội sẽ nhìn nhận, đánh giá thấu đáo các vấn đề chính sách nóng bỏng, đang ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều nhóm xã hội khác nhau. Đại dịch Covid-19 lan rộng trên phạm vi toàn cầu, trong đó có nước ta, đã trở thành yếu tố bối cảnh then chốt nhất, không chỉ có tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp và bộ máy công quyền trong nửa đầu nhiệm kỳ, mà cả khả năng thực hiện các mục tiêu do Quốc hội đề ra cho cả nhiệm kỳ. Vì thế, hẳn nhiên, người dân và doanh nghiệp sẽ mong đợi những quyết định điều chỉnh chính sách nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và ổn định cuộc sống.
Kỳ vọng thứ ba, về chất lượng các phiên chất vấn tại diễn đàn Quốc hội. Từ nhiều năm nay, hoạt động chất vấn của các đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ là một điểm sáng trong đời sống chính trị trong nước. Thông qua các phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội không chỉ thực hiện chức năng giám sát, thành viên Chính phủ thực hiện trách nhiệm giải trình, mà quan trọng hơn, cử tri sẽ biết thêm về hiện trạng đất nước, những vấn đề nảy sinh và phương hướng giải quyết.
Như vậy, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến lòng tin của cử tri đối với hệ thống các cơ quan công quyền, khả năng điều hành của Chính phủ, cũng như những khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Kỳ vọng thứ tư từ phía cử tri là Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, cũng như Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam thực hiện, gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Đông đảo cử tri sẽ trông đợi những ý kiến, kiến nghị của mình được các đại biểu Quốc hội quan tâm, xem xét, quyết định, hoặc đề ra phương hướng giải quyết trong thời gian tới.
Những mối quan tâm
Bên cạnh những kỳ vọng đa dạng, ba nội dung cụ thể sẽ có thể được cử tri và nhân dân quan tâm đặc biệt, đó là: dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh. Nếu sửa đổi luật pháp có thể ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần này với những quy định mới có thể tác động nhất định đến đời sống chính trị trong nước trong thời gian tới.
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) hẳn nhiên sẽ là mối quan tâm hàng đầu của cử tri cả nước. Sau 10 năm thực hiện, Luật đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, tạo ra những rào cản, không chỉ khiến cho nguồn lực đất đai chưa được khai thác hợp lý, mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đáng chú ý nhất là tình trạng đầu cơ đất đai, lãng phí trong sử dụng đất đai, cũng như những mâu thuẫn xã hội, khiếu kiện kéo dài liên quan đến đất đai.
Vì thế, một trong những điểm then chốt nhất được quan tâm trong luật đất đai sửa đổi lần này là phương pháp mới để tính giá đất khi Nhà nước thực hiện chính sách thu hồi đất và đền bù. Cử tri trông đợi khung giá và cách tính mới do Nhà nước ban hành sẽ giúp giá đất được đền bù tiệm cận với mức giá giao dịch trên thị trường.
Mối quan tâm thứ hai là Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Những thảo luận chuyên môn gần đây cho thấy các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến một số vấn đề liên quan đến quy trình giao dịch, hợp đồng giao dịch, quy định chuyển nhượng bất động sản. Cụ thể hơn, đó là những quy định về việc giao dịch bất động sản phải thông qua sàn bất động sản, yêu cầu công chứng, chứng thực với các hợp đồng giao dịch bất động sản, hay những chồng chéo, trùng lặp với Luật đất đai. Thị trường bất động sản có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt là tại các nước đang phát triển như Việt Nam.
Vì thế, để có được một thị trường bất động sản ngày càng trưởng thành, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, thì hệ thống pháp luật phải bảo đảm được sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, bảo vệ được quyền đối với tài sản, cũng như giảm thiểu sự can thiệp mang tính hành chính của các cơ quan Nhà nước.
Mối quan tâm thứ ba là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Mặc dù đây là lần thứ tư Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nhưng kỳ lấy phiếu lần này sẽ có thể được dư luận chú ý hơn bởi kết quả phiếu tín nhiệm không chỉ được sử dụng để tham khảo trong công tác cán bộ như trước đây. Thay vào đó, những người có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể phải xin từ chức, hoặc bị bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo. Những người có trên hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì sẽ bị miễn nhiệm.
Dễ thấy là, việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp lần này sẽ hết sức nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục tại vị hay phải rời vị trí của 44 cá nhân đang đảm nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cũng chính vì thế, các đại biểu Quốc hội khóa XV đứng trước áp lực về sự công tâm, khách quan, trách nhiệm với cử tri cả nước. Cho dù kết quả thế nào thì đợt lấy phiếu tín nhiệm lần này chắc chắn sẽ còn được bàn luận, phân tích bởi nhiều cử tri.
| TS. Cù Văn Trung: Muốn chuyển đổi số thành công, mỗi người dân hãy tự 'chuyển mình' Theo TS. Cù Văn Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và đào tạo giáo dục, muốn một quốc gia chuyển đổi ... |
| TS. Lưu Bình Nhưỡng: Tiền lương và thu nhập chính là 'đòn bẩy' của sự lao động, sáng tạo Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, tiền lương ... |
| Chính khách dạo phố và quyền lực mềm trong lãnh đạo Những hình ảnh đời thường nhưng lại có khả năng truyền cảm hứng đến với đông đảo người dân sẽ giúp nhà lãnh đạo tích ... |
| TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Cần tạo đột phá chiến lược về thể chế TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm, chúng ta cần tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, các loại giấy phép và các ... |
| GS. NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cần lan tỏa mạnh mẽ nếp sống văn minh, thanh lịch không chỉ tới từng người dân đang ... |