TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, chúng ta cần tạo đột phá chiến lược về thể chế. (Nguồn: VGP) |
Mới đây, ngày 13/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện 644/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Công điện đã chỉ ra rất cụ thể những việc các bộ, ngành, địa phương phải tập trung xử lý liên quan đến việc cắt giảm thủ tục hành chính:
Đó là, thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động của các thủ tục hành chính; Chỉ duy trì và ban hành các thủ tục thật sự cần thiết và với chi phí tuân thủ thấp; Định kỳ hàng tháng thống kê những thủ tục hành chính được ban hành mới để kịp thời sử đổi hoặc bãi bỏ. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và thực hiện thủ tục hành chính.
Bản chất cốt lõi của Công điện 644/CĐ-TTg là phi điều chỉnh hóa: cắt giảm thủ tục; kiên quyết không ban hành những thủ tục mới nếu không thật sự cần thiết. Đây cần được coi là định hướng quan trọng nhất để tạo ra đột phá về thể chế như Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Tất nhiên, phi tập trung hóa cần được đề ra không chỉ đối với pháp luật về thủ tục, mà còn cả đối với pháp luật về nội dung.
Pháp luật điều chỉnh hành vi. Pháp luật càng nhiều thì các hành vi bị điều chỉnh càng lớn. Lạm dụng sự điều chỉnh đang là vấn đề rất lớn của nước ta hiện nay. Không biết từ bao giờ, nhưng chúng ta đã quan niệm, muốn xây dựng nhà nước pháp quyền thì phải có đầy đủ pháp luật.
Với quan niệm như vậy, trong một thời gian dài, chúng ta đã cố gắng kế hoạch hóa hoạt động xây dựng pháp luật và coi việc ban hành thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật là một thành tích. Hơn thế nữa, mỗi khi đối mặt với bất cứ một vấn đề gì trong cuộc sống, chúng ta đều nghĩ ngay rằng, cần phải ban hành pháp luật để xử lý. Hậu quả là sự lạm dụng điều chỉnh đã xảy ra.
Đời sống xã hội cũng như nền quản trị công đã bị điều chỉnh bởi quá nhiều các quy phạm pháp luật. Hợp lý hay bất hợp lý, các quy phạm này đều có thể biến thành “xiềng xích” trói chặt “chân tay” của chúng ta, cũng như các tiềm năng của đất nước.
Cứ nghĩ mà xem, khi đòi hỏi phải phục hồi kinh tế đang ngày càng trở nên nóng bỏng, mà hàng năm trời chúng ta vẫn không thể phê duyệt được các dự án đầu tư công, thì chúng ta có phải là đã trở thành "con tin" của những quy định pháp luật rối rắm và chồng chéo hay không?
Hơn thế nữa, đang xảy ra tình trạng cán bộ, công chức không ai dám quyết đáp, dám thúc đẩy công việc. Bởi vì, không làm thì không sao, nhưng đã làm thì thế nào cũng xảy ra vi phạm pháp luật. Vừa qua, Bộ Chính trị đã phải ban hành Kết luận 14 để bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm có lẽ cũng là để xử lý hậu quả tiêu cực của sự lạm dụng điều chỉnh.
Càng lạm dụng điều chỉnh thì chi phí tuân thủ, chi phí áp đặt sự tuân thủ và chi phí thi hành lại càng tăng.
Theo một cựu Bộ trưởng Tư pháp, những chi phí này có thể lên đến trên dưới 28% GDP. Chỉ riêng để thực thi Luật Quy hoạch thôi, chúng ta có thể thấy những chi phí phát sinh lớn đến vô cùng.
Đến nay, đã hơn 4 năm sau khi Luật được ban hành, rất nhiều tiền của, sức lực đã phải bỏ ra, nhưng nhiều chính sách lập pháp được đề ra trong Luật vẫn chưa thi hành được. Sự tốn kém vì pháp luật có thể ảnh hưởng rất tiêu cực đến cuộc mưu sinh của người dân, sự tăng trưởng của kinh tế và sự hùng cường của đất nước.
Để khắc phục hậu quả của sự lạm dụng điều chỉnh, trong mấy nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã phải tìm cách cắt giảm các thủ tục hành chính và các loại giấy phép. Tuy nhiên, nghịch lý nằm ở chỗ: Một mặt, Chính phủ cố gắng cắt giảm các tục hành chính và các loại giấy phép nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Mặt khác, Quốc hội lại lên kế hoạch và thúc đẩy việc soạn thảo và ban hành pháp luật. Thủ tục, giấy phép phát sinh bởi những đạo luật cũ chưa kịp cắt giảm, thì thủ, giấy phép phát sinh bởi các đạo luật mới đã lại tăng lên.
Có lẽ, cần có sự minh định rõ ràng hơn về quyền lập pháp và chức năng lập pháp của Quốc hội. Quyền lập pháp của Quốc hội là quyền thẩm định và thông qua luật, chứ không phải là quyền làm luật.
Về bản chất, đây là quyền kiểm soát việc ban hành pháp luật. Như thiết chế đại diện cho dân, Quốc hội được sinh ra là để kiểm soát việc ban hành pháp luật nhằm canh giữ các quyền tự do của người dân.
Từ những phân tích nêu trên, để giải quyết vấn đề lạm dụng điều chỉnh, quan trọng nhất là phải đổi mới tư duy lập pháp của mình.
Trước hết, phải thấy được tầm quan trọng của tự do và phải minh định lại sứ mệnh của các thiết chế có liên quan trong quy trình lập pháp. Chính phủ là cơ quan thúc đẩy việc ban hành pháp luật. Quốc hội là cơ quan kiểm soát việc ban hành pháp luật.
Thứ hai, cân đối giữa tự do và điều chỉnh là quan trọng nhất để có một hệ thống pháp luật phù hợp với các chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền. Tự do cần thiết cho sáng tạo và phát triển. Nhưng tuyệt đối hóa tự do có thể dẫn tới tình trạng vô chính phủ và sự bất ổn. Điều chỉnh giúp bảo đảm trật tự và sự ổn định, nhưng lạm dụng điều chỉnh có thể tạo ra sự tốn kém.
Chính vì vậy, sự anh minh nằm ở khả năng cân đối giữa tự do và điều chỉnh. Đây là một phép cân đối động. Chúng ta cần phải xây dựng năng lực thể chế bao gồm các thiết chế và các quy trình để bảo đảm được sự cân đối này.
Thứ ba, phi điều chỉnh hóa phải là nội dung trọng tâm của những cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta trong thời gian sắp tới. Chúng ta cần tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, các loại giấy phép và các quy định pháp lý làm phát sinh chi phí không cần thiết.
Cách làm hợp lý nhất ở đây là khi nhận biết các nút thắt do pháp luật gây ra, chúng ta cần nhanh chóng sửa đổi văn bản để hủy bỏ ngay những quy phạm bất hợp lý. Đây cũng chính là hành xử theo tinh thần Công điện 644/CĐ-TTg của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
| TS. Nguyễn Sĩ Dũng và góc nhìn về việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm, hạn chế thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ tạo ra khuyến khích mua nhà trệt, vì ... |
| TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Sức mạnh của các đại biểu Quốc hội là doanh nhân không chỉ nằm ở lá phiếu... Sức mạnh của các đại biểu Quốc hội là doanh nhân không chỉ nằm ở lá phiếu, mà nằm ở sự hiểu biết về thị ... |
| Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Thêm lựa chọn cho người lao động Chấp nhận những rủi ro trong tương lai để xin rút bảo hiểm xã hội một lần cho thấy sự bất an kinh tế của ... |
| Đừng ‘đo lường’ thi cử bằng điểm số, bằng cấp Giáo dục cần phải tập trung vào việc bồi dưỡng và vun trồng nhân cách hơn là đo lường bằng điểm hay bằng... |