📞

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV: Kỳ vọng giữ vững đà tăng trưởng kinh tế

Anh Sơn 10:00 | 28/10/2022
Một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV là làm sao giữ vững được đà tăng trưởng của nền kinh tế mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua.
Toàn cảnh kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, tăng trưởng kinh tế chín tháng đầu năm của nước ta đạt 8,83%, mức tăng rất cao so với các nước trên thế giới.

Một số chỉ tiêu quan trọng có ảnh hưởng lớn đến đà phát triển của nền kinh tế thời gian tới như: trên 163 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 33,6% so với cùng kỳ, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; xuất siêu chín tháng đạt khoảng 6,52 tỷ USD… Ước thực hiện cả năm có 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt mục tiêu kế hoạch được giao.

Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chính phủ đề xuất mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%... Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ nêu rõ, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã được đánh giá cao về tính thuyết phục và toàn diện.

Song, các đại biểu cho rằng, Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương phải nỗ lực hơn nữa để có thể đạt mục tiêu đặt ra cho năm 2023.

Đó là lý do vì sao đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu ý kiến những giải pháp này mang tính “an toàn” hơn là đột phá. Đại biểu mong muốn Chính phủ đưa ra các giải pháp trọng tâm, đột phá, đặc biệt là giải quyết những hạn chế, tồn tại đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Còn theo đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm tạo môi trường an tâm, ít rủi ro trong quản lý, điều hành cho doanh nghiệp khi thực hiện các quy định của luật pháp và cần triển khai sớm nhất.

Đặc biệt, các thách thức cũng được nêu ra như: tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro bất định sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam bởi nền kinh tế của ta có độ mở cao.

Hơn nữa, dịch bệnh Covid-19, nhiều bệnh mới tiềm ẩn nguy cơ thành đại dịch; căng thẳng Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến kinh tế toàn cầu vẫn đứng trước các nguy cơ khủng hoảng.

Trong nước, Việt Nam phải gánh chịu rất nhiều thiên tai, và thiên tai ngày càng khốc liệt hơn do thời tiết ngày càng cực đoan...

Trước bối cảnh đó, các đại biểu Quốc hội đều đồng quan điểm về việc điều hành kinh tế vĩ mô vừa phải khắc phục những khó khăn nội tại, vừa phải có dự báo chính xác về tình hình thế giới… từ đó mới có thể đề ra những giải pháp hiệu quả để giữ vững đà tăng trưởng cho nền kinh tế những năm tiếp theo.

Đây cũng là nhiệm vụ, là vấn đề cần dành thời gian thảo luận và cân nhắc kỹ càng đối với những vị đại biểu của nhân dân.