Mưa sao băng tháng 8 khởi nguồn từ sao chổi Swift-Tuttle. Cứ khoảng 130 năm, Swift-Tuttle lại lượn băng qua mặt trời và trên đường di chuyển nó phát tán những đám mây bụi khổng lồ gồm các thiên thạch nhỏ li ti cấu tạo từ đất đá, băng, kim loại. Những thiên thạch ấy đâm xuyên bấu khí quyển với vận tốc khoảng 160.000 km/h và bùng cháy thành mưa sao băng trong khoảnh khắc.
Những ngôi sao băng tháng 8 dường như có điểm phát từ chòm sao Perseus nên còn được gọi là mưa sao băng Perseid. Chòm sao này mọc vào khoảng nửa đêm ở bầu trời phía đông bắc. Trong đợt đỉnh điểm của mưa sao băng, người ngắm có thể thấy 30 ngôi sao sa một giờ ở ngoại ô thành phố và đến 200 ngôi sao sa một giờ ở vùng nông thôn. Trong suốt nội chiến Mỹ năm 1862, hai nhà thiên văn người Mỹ là Lewis Swift và Horace Parnell Tuttle khi làm việc cùng nhau đã khám phá ra ngôi sao chổi Swift-Tuttle. Lần xuất hiện gần đây nhất của Swift-Tuttle gần Trái đất là năm 1992. Geza Gyuk, nhà thiên văn thuộc cung thiên văn Adler ở Chicago cũng có cảm tưởng rằng nhiều hình ảnh sao băng liên quan đến nghệ thuật và khiến người ta thích thú. Và niềm vui của những người cố nắm bắt một ngôi sao sa Perseid đó là họ không bao giờ biết được điều thú vị nào sắp xảy ra.
Mưa sao băng Perseids có tên Việt Nam là Anh Tiên mới đây được dự đoán đạt cực đại vào đêm 12/8, rạng sáng 13/8. Số sao băng dự kiến nhìn thấy được trong trận mưa sao băng Perseids vào khoảng 60 - 80 vệt/giờ. Trong điều kiện quan sát lý tưởng như trời quang đãng, nhiều mây, không có ánh trăng thì số sao băng có thể lên đến 100 vệt/giờ. Tuy nhiên, thời tiết đã không ủng hộ người yêu thích thiên văn Việt Nam buổi tối hôm đó, mây che phủ bầu trời khiến việc quan sát gặp nhiều trở ngại. Tại TP HCM, có nhiều lúc trời trong nhưng mây mỏng kèm theo và cả ô nhiễm sáng bụi nên việc quan sát mưa sao băng Perseids không được như mong đợi. Còn tại Hà Nội, những người may mắn nhất cũng chỉ ngắm được hai vệt sáng duy nhất trên bầu trời.
Đặc biệt, sau cơn mưa sao băng, người còn dự tính trong hai ngày 21, 22/8, ngay sau khi Mặt trời vừa lặn, con người sẽ được chứng kiến sự hội ngộ của hai hành tinh trong Hệ mặt trời ở bầu trời phía Tây là sao Hỏa, sao Thổ với Mặt trăng và ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Virgo (chòm sao Trinh Nữ) – sao Spica. Cũng vào ngày 24/8, sao Hải Vương sẽ tiến đến vị trí trên quỹ đạo mà khoảng cách giữa hành tinh này và trái đất sẽ gần nhất trong năm 2012.
Trước sự xuất hiện của mưa sao băng, truyền thuyết của một số nước châu Á đều thêu dệt nhiều chuyện ly kỳ. Trong đó, câu chuyện phổ biến nhất cho rằng: mỗi một người sống trên trần gian đều có một ngôi sao chiếu mệnh, khi ngôi sao đó rơi thì người đó sẽ chết. Cách giải thích này rõ ràng không có cơ sở khoa học bởi trong lịch sử của loài người chưa bao giờ xảy ra hiện tượng các vì sao “rơi xuống” trái đất. Hơn nữa, sao băng là hiện tượng một loại vật chất vũ trụ bay vào tầng khí quyển của trái đất bị cọ xát và phát sáng. Thế nhưng, với sự huyền bí của nguồn sáng này thì không thể ngăn cản con người có những niềm tin và hy vọng chính đáng: như nếu nguyện một điều gì vào đúng lúc có sao băng thì lời ước ấy sẽ thành sự thật.
TRỌNG VŨ (tổng hợp)