TIN LIÊN QUAN | |
Hội chợ hàng thủ công truyền thống 2017 | |
Giải quyết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc |
Thảo muốn người làng khuấy đều các chum trong quá trình nhuộm, một cách làm đi ngược lại kỹ thuật lâu nay và khiến phản ứng hóa học thông thường bị ngưng lại.
Tuy nhiên, miếng vải cuối cùng lại có màu mòng két sẫm. Khi đó, người làng mới nhận ra yêu cầu ban đầu của Thảo hóa ra lại là một đột phá thiết kế. Giờ đây, họ gọi miếng vải đó là "màu chàm chết".
Vũ Thảo (trái) theo dõi việc chuẩn bị dệt sợi của các thợ thủ công người Nùng An. (Nguồn: New York Times) |
"Đối với tôi, đó là cách bạn phát huy các kỹ thuật và duy trì nó. Những người thợ cũng rất phấn khích khi thấy kỹ thuật truyền thống hình thành một hướng hoàn toàn khác", Vũ Thảo, 39 tuổi, nói với New York Times.
Vũ Thảo là người sáng lập thương hiệu thời trang Kilomet109 dựa trên điều chỉnh kỹ thuật sản xuất và nhuộm vải của những nhóm dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Những bộ sưu tập của cô hướng đến quảng bá một phong cách "thời trang chậm" (slow fashion, hướng đến trách nhiệm với môi trường, cộng đồng và bền vững).
Tuy không quảng bá rộng rãi, thương hiệu của Vũ Thảo tìm được khách hàng ở châu Á, châu Âu và cả Mỹ. Những đơn hàng thường xuyên đến từ các cửa hàng tại Đức và Bồ Đào Nha, Thái Lan và New York...
Món quà sinh nhật
Km109 là khoảng cách từ Hà Nội tới ngôi làng nơi Thảo sinh ra và trưởng thành ở Thái Bình. Khi cô 17 tuổi, bố mẹ đã tặng cho Thảo món quà mừng sinh nhật chính là một chiếc máy may.
Khi đó, Thảo không nghĩ rằng cô sẽ theo đuổi ngành thiết kế thời trang. "Tôi muốn trở thành giáo viên hoặc nhập ngũ, đó đều là những ngành được xã hội kín trọng", cô nói.
Tuy nhiên, khi vào đại học, cô nhận công việc sản xuất quần áo cho cộng đồng Việt kiều sinh sống ở Cộng hòa Czech. Sau này, Thảo đăng ký học tại một trường dạy thiết kế ở Hà Nội, rồi làm việc cho hai nhà thiết kế thời trang từ châu Âu đang ở Việt Nam.
Năm 2009, Thảo gặp gỡ những thợ thủ công là người thiểu số Nùng An để tìm mua miếng vải màu chàm. Đây được xem là quà cưới truyền thống mà các bà mẹ ở làng thường tặng cho con gái.
Năm 2012, khi sáng lập thương hiệu thời trang riêng, Thảo rất muốn tìm hiểu thêm về kỹ thuật và phong cách thời trang truyền thống của các dân tộc.
Vũ Thảo trao đổi với những thợ thủ công Nùng An về chất liệu vải. (Nguồn: New York Times) |
Phần lớn cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Việt Nam sống tại các vùng cao. Họ sở hữu nhiều bí quyết cũng như kỹ thuật nhuộm vải truyền thống và phi công nghiệp.
Tất cả những công đoạn làm nên sản phẩm của Vũ Thảo đều là là sản xuất thủ công rất tỉ mỉ. Chẳng hạn quá trình nhuộm vải của những người thợ Nùng An thường diễn ra trong giai đoạn 2 tháng, ngày 2 lần.
Gắn bó với cộng đồng thiểu số
Vũ Thảo không đơn thuần là phó mặc toàn bộ cho các làng và trả tiền vật liệu thô. Thay vào đó, cô làm việc cùng với các đối tác này để quyết định vụ mùa sẽ cần trồng bao nhiêu cây chàm cùng những loại cây khác... Cô cũng lên kế hoạch và thực hiện các khâu điều chỉnh lớn trong quá trình sản xuất vải, điều chỉnh màu, thử nghiệm thành phần thuốc nhuộm mới như dựa trên nguyên liệu gồm rễ khoai, lá trà xanh và vỏ cây...
Mỗi năm cô thường ở lại các ngôi làng khoảng vài tuần. Những thử nghiệm của Vũ Thảo làm nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp cô kiểm soát quá trình sản xuất tốt hơn. "Bạn cần phải kiên nhẫn và xây dựng lòng tin", Thảo nói.
Trong một lần Thảo học hỏi quá trình cán láng của người dân tộc H'mong Đen, cô nhận thấy họ sử dụng một khối đá lớn, làm láng bề mặt, sau đó ép lên miếng vải để làm mềm nó. Sau này, Thảo gợi ý rằng người dân cần luộc và quay sợi thô lâu hơn để giúp nó mềm hơn; sau đó gia tăng lượng sáp ong so với bình thường để làm tăng độ sáng.
Một trang phục được Vũ Thảo thực hiện từ các nguyên liệu và quá trình sản xuất thủ công. (Nguồn: New York Times) |
Miếng vải thành phẩm cuối cùng sau đó được sử dụng làm áo khoác có bề mặt sáng như da thuộc nhưng với tông màu chàm.
Nguyễn Phương Thảo, phụ trách chương trình công nghiệp sáng tạo và nghệ thuật tại Hội đồng Anh, nhận định: Các sản phẩm của nhà thiết kế Vũ Thảo thường không thu hút giới nghệ sĩ hay tín đồ thời trang Việt. Tuy nhiên, đây chính là mô hình kinh doanh tiên phong điển hình của việc gắn kết ngành nghề thủ công với những nhóm cộng đồng thiểu số có điều kiện khó khăn.
Hiện tại Vũ Thảo thiết kế và may khoảng 750 - 1.000 trang phục nam và nữ dựa trên các nguyên liệu truyền thống. Giá thành của chúng không hề rẻ, từ 100 - 500 USD. Cô không có ý định gia tăng sản lượng. Thay vào đó, cô thích gặp gỡ những khách hàng tiềm năng, kể cho họ nghe về quá trình sản xuất.
"Để khiến người ta chấp nhận thanh toán nhiều như vậy, tôi cần phải khiến họ hiểu về giá trị từ việc làm ra những bộ trang phục này", Vũ Thảo nói.
Phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc ... |
Tìm lại bản sắc của nghệ thuật múa các dân tộc thiểu số Việt Nam Chiều 21/11, tại Hà Nội đã diễn ra họp báo công bố Cuộc thi tác phẩm múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt ... |
Vẻ đẹp đồng bào dân tộc vùng cao phía Bắc Ở nơi đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao phía Bắc đang sinh sống, có biết bao cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng ... |