Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng 3,3% năm 2017, cao hơn mức dự kiến 3,2% được đưa ra hồi tháng 9/2016. Năm 2018, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng 3,6%. Các biện pháp kích cầu và tiến triển của chính sách thương mại sẽ giúp đưa kinh tế thế giới thoát khỏi “bẫy tăng trưởng thấp”. Tuy vậy, OECD cũng cảnh báo sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và nguy cơ trả đũa thương mại có thể tác động bất lợi tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu và làm tiêu tan phần lớn tác động tích cực của các sáng kiến về chính sách tài khóa đối với tăng trưởng của từng quốc gia và cả thế giới, đẩy các nước lâm vào tình trạng tài chính khó khăn.
Các mảng sáng - tối đan xen
Thế giới bước sang năm 2017 trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu phục hồi khả quan sau khi trải qua giai đoạn khó khăn, trồi sụt hồi đầu năm 2016. Các nền kinh tế lớn đã dần lấy lại đà tăng trưởng. Đáng kể nhất là kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng GDP lên tới 3,2% trong quý III/2016 và thị trường tiếp tục có những phản ứng tích cực sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc, vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao ổn định dự kiến ở mức 6,5%.
Liên minh châu Âu (EU) mặc dù phải chung sức giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp, làn sóng di cư từ Trung Đông, châu Phi và chịu tác động của sự kiện Brexit vẫn giảm được tỷ lệ thất nghiệp, gia tăng lượng hàng hóa xuất khẩu và duy trì tỷ lệ lạm phát thấp. Dự báo tăng trưởng của khối đạt trên 1,5% trong năm 2016. Trong số các nền kinh tế mới nổi, Ấn Độ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh nhất thế giới ở mức 7,6%, qua đó, vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.
Kinh tế toàn cầu cũng đã được hưởng lợi từ một số sự kiện và xu hướng lớn trong năm 2016 như việc cử tri Mỹ lựa chọn ông Donald Trump làm Tổng thống, tạo cú hích cho nền kinh tế lớn nhất thế giới này, cuộc cách mạng nông nghiệp tại châu Phi đã đem lại thành quả khi giúp nhiều nước trong khu vực thoát khỏi đói nghèo và đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại Lục địa đen.
Sự kiện có tác động tích cực nhất trong những ngày cuối năm là việc các nước OPEC đưa ra quyết định và quyết tâm thực thi cam kết cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 11/2016. Đây được đánh giá là nỗ lực không chỉ giúp ổn định thị trường dầu mỏ nói riêng mà còn giúp thế giới hướng tới một nền kinh tế ổn định, vững mạnh như mong đợi.
Đan xen trong bức tranh kinh tế thế giới đang khởi sắc, một số nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản, Nga, Brazil vẫn chưa thoát khỏi bờ vực suy thoái do nhiều khó khăn bủa vây. Nhật Bản chưa thể giải quyết được bài toán lực lượng lao động ngày càng giảm sút và gánh nặng dân số già. Kinh tế Nga tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề từ lệnh cấm vận của phương Tây và giá dầu giảm. Những biến động chính trị tại Brazil là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế của quốc gia thuộc khối BRICS này chưa thể cất cánh.
Trung Quốc đã nắm giữ vị trí động cơ tăng trưởng toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Nước này đã tăng đầu tư và cho vay doanh nghiệp để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải vật lộn với hậu quả của những chính sách trên như dư thừa công suất, tỷ lệ nợ công cao, và có vẻ không muốn tiếp tục vai trò đầu tàu kinh tế nữa.
Trong khi đó, sự càn quét của cơn bão giảm giá dầu mỏ xuống đến mức 25 USD/thùng hồi đầu năm 2016 đã khiến giá nguyên liệu đầu vào thấp, tạo ra trở ngại không nhỏ cho các nền kinh tế mới nổi. Thậm chí, dầu rớt giá đã đẩy một số nước xuất khẩu dầu mỏ vào khủng hoảng kinh tế, điển hình là Venezuela.
Bảo hộ và trả đũa?
Khép lại năm 2016 đầy biến động, trong chương trình bình luận kinh tế thế giới năm 2017 của Tạp chí Financial Times mới đây, nhà kinh tế trưởng Martin Wolf phân tích rằng, những cú sốc chính trị diễn ra trong năm 2016 như Brexit, hay ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ thực ra là do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính. Cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề, tâm lý hoang mang, lo sợ và tức giận của người dân dẫn đến kết quả của Brexit hay bầu cử Mỹ.
Đằng sau những biến động đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và nguy cơ trả đũa thương mại. Giới phân tích cho rằng, lạm phát leo thang và USD mạnh lên cũng sẽ là hai yếu tố hiện hữu tạo ra thách thức đối với nền kinh tế thế giới, đe dọa làm giảm trao đổi thương mại toàn cầu và gây khó khăn cho các nền kinh tế mới nổi trong điều tiết thị trường hối đoái.
Dự báo, Mỹ sẽ vẫn đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của thế giới trong năm 2017, với mức tăng GDP khoảng 2,2%. Chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thực thi các chính sách bảo hộ kinh tế, tăng chi cho cơ sở hạ tầng, giảm thuế và nới lỏng các quy định kiểm soát các doanh nghiệp để tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, khả năng điều chỉnh chính sách của chính quyền mới cũng tạo ra nhiều rủi ro, thách thức cho chính nước Mỹ và nền kinh tế thế giới. Mặt khác, cạnh tranh ngày càng gay gắt và nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra sẽ tác động nghiêm trọng đến sự tăng trưởng của những nền kinh tế hàng đầu thế giới, qua đó, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu.
Ở các khu vực khác, dự báo tăng trưởng GDP của EU và Anh khả quan hơn năm 2016, khi những lo ngại về tác động tiêu cực từ Brexit đã giảm bớt. Đối với các nền kinh tế lớn mới nổi, dự báo GDP của Trung Quốc vẫn ổn định ở mức trên 6,5%, tăng trưởng của Nga và Ấn Độ sẽ suy giảm nhẹ, trong khi sự phục hồi của kinh tế Brazil phụ thuộc nhiều vào tình hình chính trị nội bộ. Vùng trũng trong bức tranh tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2017 được dự báo là khu vực Mỹ Latin và châu Phi cận Sahara do tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình trạng khủng hoảng, suy thoái kéo dài.
Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nền kinh tế các nước ASEAN và Việt Nam sẽ đứng trước nhiều thách thức vì đồng USD tăng giá, trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đứng trước nguy cơ tan vỡ và các quốc gia Đông Nam Á vẫn chưa thống nhất về đích đến của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Theo Financial Times, năm 2017, thế giới chờ đợi sẽ diễn ra nhiều biến động và sự kiện lớn, định hình nên thế giới, tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với kinh tế toàn cầu. Trong đó có thể kể đến những biến động chính trị tại các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Đức, sự kiện Brexit, vấn đề toàn cầu hóa và tự do thương mại đứng trước thử thách bởi chủ nghĩa dân túy, thiên hữu lên ngôi… Tuy nhiên, với đà tăng trưởng chủ đạo trong thời gian gần đây, kinh tế toàn cầu tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm mới.