📞

'La bàn chiến lược': Một phần nhỏ trong 'câu trả lời lớn' của EU trước khủng hoảng Ukraine

Phương Hà 20:15 | 22/03/2022
Kế hoạch về an ninh và quốc phòng-La bàn chiến lược của EU vừa được thông qua - những nguy cơ về bất ổn ở châu Âu đã buộc EU phải nâng cao năng lực, sẵn sàng cho mọi kịch bản.
Kế hoạch La bàn chiến lược của EU tập trung vào bốn trụ cột chính gồm hành động, đầu tư, đối tác và bảo mật. (Nguồn: BSG)

"Kim chỉ nam", mở ra hướng đi tham vọng

Ông Josep Borrell, Cao uỷ phụ trách An ninh và Chính sách Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng ở Brussels ngày 21/3 khẳng định: "Các mối đe dọa ngày càng gia tăng và cái giá phải trả cho việc không hành động đã quá rõ ràng. La bàn chiến lược sẽ là kim chỉ nam, mở ra hướng đi tham vọng cho chính sách an ninh và quốc phòng của chúng ta trong thập kỷ tới. Chúng ta tự chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh trước công dân của khối và phần còn lại của thế giới".

Theo Euronews, việc EU thông qua La bàn chiến lược cung cấp cho EU một chương trình hành động đầy tham vọng để tăng cường chính sách an ninh và quốc phòng của liên minh vào năm 2030, chú trọng vào nâng cao quyền tự chủ chiến lược của khối và khả năng làm việc với các đối tác để bảo vệ các giá trị và lợi ích của EU.

Thông cáo của EU có đoạn: “Khối đã thảo luận về kế hoạch suốt hai năm qua và với bối cảnh môi trường an ninh ngày một bất ổn, liên minh buộc phải tăng cường năng lực, nhất là đầu tư vào năng lực phòng vệ để sẵn sàng hành động bất cứ lúc nào. Đây chỉ là một phần nhỏ trong câu trả lời lớn của EU đối với tình hình tại Ukraine”.

Cụ thể, kế hoạch mà 27 nước thành viên châu Âu thông qua gồm bốn trụ cột chính gồm hành động, đầu tư, đối tác và bảo mật. Trong đó, trọng tâm của kế hoạch là việc sử dụng các nhóm tác chiến được thành lập vào năm 2007 để xây dựng một đơn vị có năng lực điều động nhanh khi cần thiết, lên đến 5.000 binh sĩ trước năm 2025.

Lực lượng này sẽ bao gồm các bộ phận lục quân, không quân và thủy quân lục chiến, có thể được sử dụng trong các giai đoạn khác nhau của một chiến dịch, trong một môi trường không thuận lợi, như xâm nhập lúc đầu, củng cố hoặc dự bị để đảm bảo thoát ra an toàn.

Theo sáng kiến, không nhất thiết toàn bộ 27 quốc gia thành viên phải góp quân vào lực lượng chung, nhưng bất kỳ việc điều động nào cũng cần đạt được sự đồng thuận từ tất cả các bên. Phía Đức ngay sau đó đã bày tỏ mong muốn cung cấp bộ phận nòng cốt của lực lượng phản ứng nhanh trong năm đầu tiên.

Sức ép từ chiến dịch quân sự của Nga

Theo báo Le Soir (Bỉ), chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine đã góp phần thúc đẩy bước đi quyết định của EU, thông qua La bàn chiến lược, nâng cao năng lực quốc phòng và an ninh của châu Âu.

Các nước châu Âu, từ vùng Baltic đến các biên giới của Địa Trung Hải, có những nhận thức khác nhau về “các mối đe dọa”. Chiến dịch quân sự của Nga tạo nên một sự thay đổi mang tính kiến tạo trong lịch sử châu Âu.

Thực ra, từ tháng 11/2021, trước việc binh lính Mỹ rút khỏi Afghanistan theo lệnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden và việc Washington bí mật thiết lập một liên minh ba bên với Australia và Vương quốc Anh (AUKUS) ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, EU đã đưa ra chiến lược của riêng mình cho khu vực.

Vào thời điểm đó, ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, tin rằng "sự phụ thuộc quá mức, ngay cả vào những người bạn thân nhất, là không bền vững".

Khủng hoảng Ukraine lại càng khiến EU cảm thấy cần thiết phải có một chiến lược cho riêng mình. Mục đích của La bàn chiến lược là cam kết về một EU có trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của người châu Âu và bảo vệ lợi ích của châu Âu trong khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, La bàn chiến lược củng cố một khía cạnh khác, đó là an ninh của các quốc gia "trung lập", tức là những nước thành viên của EU nhưng không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Phần Lan, Thụy Điển, Áo, Ireland, Cyprus và Malta. Theo đó, các nước “trung lập” này sẽ được EU hỗ trợ an ninh theo điều 42.7 của Hiệp ước châu Âu.

Giới chuyên gia đánh giá, hai thập kỷ sau khi các nhà lãnh đạo EU lần đầu tiên đồng ý thành lập một lực lượng 50.000-60.000 quân nhưng không thể hoạt động, chiến lược của người đứng đầu chính sách đối ngoại của khối Josep Borrell là nỗ lực cụ thể nhất để tạo ra một lực lượng quân sự độc lập.

Tuy nhiên, La bàn chiến lược lưu ý rằng, NATO vẫn là nền tảng trong việc bảo vệ lãnh thổ của Lục địa già, cũng như cho các quốc gia thành viên của liên minh.

Phản bác lại quan điểm về việc thúc đẩy quân sự hóa của EU có thể làm suy yếu sức mạnh của NATO, Cao uỷ Josep Borrell nhấn mạnh các kế hoạch của EU thực sự là “một cách để làm cho NATO mạnh hơn, thông qua việc củng cố sức mạnh phòng thủ”.

Được biết, các cam kết quân sự của EU sẽ tiếp tục được thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 24/3 tại Hội nghị Thượng đỉnh bất thường của NATO. Việc chia sẻ chi phí đồn trú các lực lượng Mỹ ở các nước vùng Baltic như Ba Lan, Romania, Bulgaria và Slovakia sẽ là một trong những chủ đề trong các cuộc thảo luận.