📞

Lãi suất âm làm khó các ngân hàng Nhật Bản

17:27 | 20/05/2016
Chính sách lãi suất âm chưa kịp đạt được mục tiêu đề ra nào thì hệ quả xấu của nó đã khiến các ngân hàng Nhật Bản điêu đứng.

Ba tháng sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật bản (BOJ) ban hành chính sách lãi suất âm, nhiều ngân hàng lớn của nước này không chỉ công bố dự báo lợi nhuận thấp nhất trong 5 năm, mà còn dự liệu về “tương lai màu xám” đối với các hoạt động kinh doanh.

Trong một bài phát biểu tại Tokyo tuần trước, Chủ tịch tập đoàn tài chính lớn nhất Nhật Bản Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) - Nobuyuki Hirano tiết lộ, mức lãi suất âm đã khiến khách hàng của các ngân hàng vô cùng lo ngại và sẽ khiến hoạt động kinh doanh của họ bị tổn hại nghiêm trọng.

Còn chuyên gia cao cấp của Ngân hàng BP Paribas SA - Toyoki Sameshima thì cho rằng, lãi suất âm chính là lý do khiến các ngân hàng không kiếm được lợi nhuận, bởi chính sách đó đã khiến họ phải hoạt động trong môi trường vô cùng khó khăn cả trong và ngoài nước.

Lãi suất âm khiến khách hàng của các ngân hàng lo ngại. (Nguồn: EPA)

Trong nhóm các cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (chỉ số Topix), cổ phiếu ngành ngân hàng đang có mức sụt giảm sâu nhất, đến 29% trong năm nay. Hàng loạt tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản như MUFG, Sumitomo Mitsui Financial Group và Mizuho Financial Group dự báo lợi nhuận ròng trong năm tài khóa này sẽ giảm khoảng 5,2% xuống 2.150 tỷ Yên (19,5 tỷ USD).

Tình hình hiện tại đã khiến nhiều chuyên gia hoài nghi liệu BOJ đã đưa ra chính sách hợp lý hay chưa khi mà vấn đề tiêu dùng và đầu tư kém ở Nhật Bản không phải bắt nguồn từ việc thiếu cung tiền mà bởi nhu cầu tín dụng quá yếu. Điều đó thể hiện ở việc trong tháng 4 vừa qua, dù lãi suất đã được áp ở mức âm nhưng tổng giá trị tiền gửi vẫn cao hơn tổng giá trị các khoản cho vay đến 217.200 tỷ Yên.

Ngay cả các doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản lúc này cũng không sẵn sàng mở rộng đầu tư, một phần do thiếu niềm tin vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản khi đồng Yên không còn được kỳ vọng sẽ tiếp tục chu kỳ suy yếu so với USD như trước đây. Số liệu thống kê cũng cho thấy, các doanh nghiệp đang có xu hướng nắm giữ tiền mặt. Trong năm 2015, lượng tiền mặt mà các doanh nghiệp Nhật Bản nắm giữ đã tăng 32,4% so với 10 năm trước đây, trong khi các khoản đầu tư vào tài sản cố định chỉ tăng 16,3%.

Trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh, các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực năng lượng đối diện với nhiều khó khăn, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là MUFG. Khi lợi nhuận từ hoạt động cho vay nội địa giảm sút, nhiều ngân hàng Nhật Bản cũng đã tìm cách đẩy mạnh cho vay ở nước ngoài, nhưng họ vẫn gặp không ít khó khăn do tình trạng giá hàng hóa giảm trên thị trường. Chỉ có điều, không giống một số ngân hàng các nước phương Tây, các ngân hàng Nhật Bản chưa khó khăn đến mức phải cắt giảm chi phí hoạt động.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chính sách tài chính của Nhật Bản đã không thành công do dựa quá nhiều vào nới lỏng tiền tệ. 

(theo Bloomberg, Xinhua)