Mới đây, chương trình “Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa” – sáng kiến của bà Đào Thị Liên Hương, Trưởng ban Đối ngoại Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của 31 họa sĩ với 68 tác phẩm hiến tặng. Ông đánh giá thế nào về sáng kiến này?
Tôi cho rằng đây là một ý tưởng hay và hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế. Thứ nhất là nhu cầu của các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài hiện đang cần có những bức tranh vừa có tính nghệ thuật vừa nói lên được hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam. Việc trang điểm cho bộ mặt cho các cơ quan này rất quan trọng bởi đây là nơi để người nước ngoài tiếp cận và tìm hiểu về Việt Nam.
Họa sĩ Vi Kiến Thành. (Ảnh: Lê An) |
Thứ hai là nhu cầu của mỹ thuật. Hoạt động mỹ thuật của anh em họa sĩ Việt ngày càng sôi động, có tính chuyên nghiệp cao với số lượng tác phẩm rất phong phú. Các họa sĩ luôn mong muốn được giới thiệu tác phẩm của mình và đây là cơ hội giúp giới thiệu tác phẩm của họ ra ngoài nước. Bên cạnh những người muốn bán được tác phẩm thì cũng có những người sẵn sàng hiến tặng tác phẩm của mình cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức để làm từ thiện. Phải nói rằng, chúng ta đang có một lực lượng họa sĩ trẻ rất hăng hái, nhiệt tình và nên biểu dương cho tinh thần đóng góp này.
Chương trình bước đầu đã thành công, nhưng hiện vẫn có ý kiến nghi ngờ về chất lượng của các tác phẩm hiến tặng khi được trưng bày tại nơi đại diện cho quốc gia. Là một trong 3 thành viên của Hội đồng thẩm định cho chương trình, ông có nhận xét gì về những tác phẩm?
Tôi đánh giá cao ý thức và sự nhiệt tình của các họa sĩ tham gia vào chương trình này. Phần lớn những tác phẩm hiến tặng đều đến từ các họa sĩ trẻ. Tranh của họ dù chưa phải có chất lượng nghệ thuật cao nhưng đã thể hiện nhiệt huyết muốn khẳng định mình và cái tâm mong muốn được cống hiến cho hoạt động ngoại giao văn hóa.
Trong 68 tác phẩm này, chúng ta cũng có một số tranh chất lượng của các họa sĩ có tên tuổi như họa sĩ Bùi Hữu Hùng đã tặng cho chương trình một bức tranh sơn dầu khổ lớn, với chất lượng nghệ thuật cao, hay họa sĩ Mai Xuân Oanh - giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật đã gửi tặng tới 4 - 5 tác phẩm...
Một số tác phẩm được các họa sĩ hiến tặng cho chương trình. (Nguồn: TT&VH) |
Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, mỗi bức tranh treo ở các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài cũng giống như một tấm danh thiếp giới thiệu và cũng là cửa ngõ đầu tiên để bạn bè quốc tế đến với Việt Nam. Không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa hay con người, mỗi bức tranh còn cho người nước ngoài thấy được trình độ mỹ thuật của Việt Nam. Với ý nghĩa này, khi lựa chọn các bức tranh phải hết sức chú ý đến chất lượng, không thể vì chạy theo số lượng mà lựa chọn một cách tùy tiện được.
Ông nghĩ sao khi bên cạnh các họa sĩ sẵn lòng hiến tranh cho chương trình, cũng còn nhiều họa sĩ khác tỏ thái độ dè dặt với cách làm này, bởi theo họ, nghệ thuật không thể cứ mãi “xin - cho”? Theo ông, đây có thể phải là một giải pháp lâu dài không?
Có lẽ, không nên đặt vấn đề “mua- bán” hay “xin – cho” khi kêu gọi tinh thần vì sự nghiệp ngoại giao văn hóa của đất nước. Nhưng tôi nghĩ, đây chỉ là giải pháp bước đầu thôi. Về lâu dài, chương trình cần có sự thay đổi để có thêm nhiều tác phẩm xuất sắc thực sự và thu hút các họa sĩ đã thành danh và có tên tuổi.
Tôi thấy chị Liên Hương cũng từng gợi ý đến những giải pháp như có thể tổ chức chuyến đi tới các nước cho các họa sĩ có tác phẩm được lựa chọn, hoặc mời họ tham gia vào triển lãm bộ sưu tập hiến tặng tại nước ngoài. Tôi tin anh em họa sĩ sẵn sàng cống hiến nếu như họ nhận được thịnh tình thể hiện sự trân trọng với tác phẩm của họ.
Tôi được biết, ngoài 68 tác phẩm đã được đóng góp thì sắp tới tới sẽ còn nhiều họa sĩ tiếp tục hưởng ứng. Các họa sĩ tham gia vừa qua đếu đánh giá rất cao ý nghĩa của chương trình và tự hào được đóng góp công sức cho sự nghiệp chung. Sự phản hồi của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng rất tích cực và mong muốn sớm nhận được các tác phẩm cống hiến.
Xin cảm ơn ông!