TIN LIÊN QUAN | |
Bảo vệ nguồn nước bằng “sáng tạo thông minh” | |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Đặc phái viên Thủ tướng Thụy Điển |
Năm 2016 đánh dấu đúng 30 năm sau khi cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme ngã xuống trên đường phố Stockholm vì viên đạn ác độc. Không những nhân dân Thụy Điển mà tất cả những người yêu tự do và công lý trên toàn thế giới đã tiếc thương ông. Cái chết thương tâm của ông khiến cho tất cả những người Việt Nam chúng tôi vốn coi ông là một ân nhân vô cùng phẫn nộ, hết sức đau buồn.
Phản ánh đầy đủ, chính xác tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với ông Olof Palme, trong ngày tang lễ ông, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Olof Palme là người con vĩ đại của nhân dân Thụy Điển, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ kiên cường của những sự nghiệp lớn: sự nghiệp đấu tranh cho quyền độc lập tự do của các dân tộc bị áp bức, quyền sống bình đẳng và phát triển về mọi mặt của các nước thuộc thế giới thứ ba, cho hòa bình lâu dài - nguyện vọng tha thiết của mỗi người trên trái đất”.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại Hội thảo “Di sản của cố Thủ tướng Olof Palme và mối quan hệ Việt Nam – Thụy Điển”. |
Cá nhân tôi không có vinh dự được gặp Ngài Olof Palme mà chỉ có dịp nghiêng mình tưởng nhớ bên phiến đá đánh dấu nơi ông bị sát hại trên phố Sveasvagen ở Stockholm. Vào khoảnh khắc ấy, trong tôi đã trỗi dậy niềm tiếc thương và lòng biết ơn vô hạn về tất cả những gì ông đã làm cho đất nước và nhân dân Việt Nam.
Nhân ngày mất của ông Olof Palme, vài kỷ niệm liên quan tới ông và đất nước Thụy Điển chợt sống lại trong tâm trí tôi. Trong những năm 70 thế kỷ trước, tôi làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Moscow nơi mà ông Đại sứ của chúng tôi kiêm nhiệm vị trí Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển. Ông rất tự hào kể cho chúng tôi nghe về sự kiện vang dội thế giới lúc bấy giờ mà ông trực tiếp tham gia. Đó là cuộc biểu tình của hàng nghìn người dân Thụy Điển do Thủ tướng Olof Palme dẫn đầu phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Trong cao trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam lúc bấy giờ, đó là cuộc tuần hành duy nhất do người đứng đầu Chính phủ dẫn đường, trở thành một ngọn đuốc rọi sáng năm châu.
Lễ đặt tượng cố Thủ tướng Olof Palme tại tòa nhà mang tên Olof Palme mới khánh thành tại Bệnh viện Nhi Trung ương. |
Năm nay vừa tròn 40 năm kể từ ngày nước Việt Nam thống nhất trở lại. Đó là kết quả của những hy sinh lớn lao của nhân dân Việt Nam sau mấy chục năm kháng chiến kiên cường vì nền độc lập của dân tộc, sự thống nhất của giang sơn. Đó cũng là kết quả của sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, trong đó nhân dân Thụy Điển và cá nhân ông Olof Palme.
Đó là kỷ niệm về thời kỳ kháng chiến. Trong sự nghiệp phát triển, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta, trong đó có sự đóng góp trực tiếp của ông Olof Palme, cũng không kém phần lớn lao. Toàn dân chúng tôi luôn ghi nhớ Thụy Điển dưới sự lãnh đạo của ông là nước phương Tây đầu tiên kiến lập quan hệ ngoại giao và mở Đại sứ quán ở Hà nội vào 47 năm trước đây. Thụy Điển cũng là nước Tây Âu dành viện trợ không hoàn lại sớm nhất và lớn nhất cho Việt Nam.
Người Việt Nam có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Viện trợ của nhân dân Thụy Điển dành cho đất nước chúng tôi thật sự vô giá vì nó rơi đúng vào những năm tháng khó khăn nhất, khi cuộc kháng chiến ở vào thời điểm hết sức cam go, công cuộc tái thiết sau Hiệp định Paris vô cùng gian nan, tiếp đó là những năm tháng Việt Nam bị bao vây, cấm vận.
Đoàn Hội nông dân Thụy Điển thăm và trao đổi tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. |
Cá nhân tôi có một kỷ niệm nhỏ liên quan tới sự giúp đỡ ấy. Số là, những năm 1980 thế kỷ trước tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu phương án đổi mới công tác tổ chức của Bộ Ngoại giao. Loay hoay tìm kiếm kinh nghiệm tiên tiến của thế giới về điều hành, quản lý, trong đầu tôi bỗng lóe lên ý nghĩ lên Nhà máy giấy Bãi Bằng của Thụy Điển để học hỏi. Quả nhiên ở đó, tôi thu lượm được rất nhiều bài học quý báu, thiết thực, giúp ích cho công việc của mình. Qua đó tôi hiểu thêm rằng, sự giúp đỡ của các bạn Thụy Điển không chỉ có “giá trị cứng” mà còn chứa đựng những “giá trị mềm” không kém phần quan trọng.
Năm nay vừa tròn 30 năm kể từ khi Việt Nam phát động công cuộc đổi mới. Những thành tựu về mọi mặt mà nhân dân chúng tôi gặt hái được trong sự nghiệp mới mẻ này gắn liền với sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Chúng tôi đánh giá rất cao nhiều “giá trị mềm” mà các bạn Thụy Điển chia sẻ với Việt Nam, giúp chúng tôi đổi mới thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, cải cách về tài chính - ngân hàng, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Nói như vậy không có nghĩa là hạ thấp tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác về thương mại, đầu tư. Mặc dù giá trị trao đổi hàng hóa giữa hai nước và đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam gia tăng đáng kể song rõ ràng còn xa so với tiềm năng. Chúng tôi mong đợi dòng vốn đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam sẽ có thêm xung lực mới trong thời gian tới, nhất là giữa Việt Nam và EU mà Thụy Điển là một thành viên đã ký thỏa thuận về Khu vực Mậu dịch Tự do.
Có thể nói, trong tiềm thức của người Việt Nam, “Thụy Điển” và “Olof Palme” là một. Và tôi tự đặt câu hỏi: Điều gì đã tạo nên “hiện tượng Olof Palme” và “hiện tượng Thụy Điển - Việt Nam”? Một nước ở tít bên bờ Baltic và một nước ở tít bên bờ Biển Đông với lịch sử, văn hóa rất khác nhau nhưng bao năm gắn bó mật thiết?
Có lẽ đó là những giá trị chung mà hai dân tộc chúng ta cùng chia sẻ: giá trị về lòng tự trọng, về sự tự tôn dân tộc; giá trị về lòng nhân ái, về sự cảm thông. Tôi tin rằng những giá trị ấy là nền tảng rất vững chắc, trên đó quan hệ Thụy Điển - Việt Nam sẽ vượt qua mọi thử thách, tồn tại mãi mãi và không ngừng phát triển.
Sự tri ân của Việt Nam và món quà ý nghĩa của Thụy Điển Chiều 2/6, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã diễn ra Lễ đặt tượng cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme và khai trương phòng ... |
Di sản của cố Thủ tướng Olof Palme và mối quan hệ Việt Nam – Thụy Điển Sáng nay (2/6), tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội đã tổ chức buổi ... |
Tòa án Thụy Điển duy trì lệnh truy nã người sáng lập Wikileaks Theo ABC News, ngày 25/5, Tòa án Stockholm đã ra phán quyết từ chối hủy lệnh truy nã Julian Assange, người sáng lập trang mạng ... |