Ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Lễ trao giải. |
Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo giải thưởng cho biết, trong thời gian từ ngày 8/12/2014 - 31/3/2015, Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 515 tác phẩm dự thi, thuộc năm thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và ảnh báo chí. Các tác phẩm dự thi được thể hiện bằng 10 ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Lào và tiếng Bulgaria.
Các tác giả nhận giải Nhất. |
Sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban tổ chức đã chọn ra 59 tác phẩm để trao 5 giải Nhất, 10 giải Nhì, 13 giải Ba và 31 giải Khuyến khích theo năm thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và ảnh báo chí.
Ông Phạm Văn Linh nhấn mạnh, nội dung các tác phẩm tham dự giải rất đa dạng, đề cập toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa trong nước cũng như đời sống của bà con Việt kiều, người Việt Nam ở nước ngoài. Các tác phẩm cũng đã giới thiệu sâu sắc những thành tựu công cuộc Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển, giàu tiềm năng, tích cực hội nhập quốc tế.
Các tác giả nhận giải Nhì. |
Các tác phẩm cũng thông tin chính xác, kịp thời, sâu sắc và sinh động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm và lập trường của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực; đấu tranh phản bác kịp thời những thông tin bịa đặt, xuyên tạc về Việt Nam. Nhiều tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc của các tác giả thể hiện sự chuyên nghiệp và hấp dẫn.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao giải, ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công cuộc tuyên truyền về tư tưởng của Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam; thông tin về tình hình trong nước, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước quan điểm và lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực.
Các tác giả nhận giải Ba. |
Công tác thông tin đối ngoại cũng đã cập nhật tình hình thế giới cho nhân dân trong nước; đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch với Việt Nam. Cùng với đó, thông tin đối ngoại đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội; củng cố và mở rộng quan hệ của Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế; hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch nước ngoài; tăng cường gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế của thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, ông Đinh Thế Huynh đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền đối ngoại, thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động thông tin đối ngoại, tiếp tục triển khai thực hiện tốt “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020” của Bộ Chính trị...
Các tác giả nhận giải Khuyến khích. |
Về chùm bài “Nước Nga không xa” của hai tác giả Hoàng Diễm Hạnh và Nguyễn Thị Khánh Chi, Báo Thế giới & Việt Nam đạt giải Ba với thể loại báo in được đăng trên Đặc san song ngữ “Việt Nam - Liên bang Nga: Đối tác chiến lược toàn diện” do báo Thế giới & Việt Nam xuất bản vào tháng 11/2014. Ấn phẩm hơn 300 trang màu là tài liệu tuyên truyền cho các sự kiện hoạt động trong quan hệ Việt Nam - LB Nga, đặc biệt là kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (30/1/1950-30/1/2015) cũng như Đại sứ quán và các cơ quan đại diện khác của hai nước.
Trong bài “Tiếng Nga mãi cùng ta”, tác giả nêu bật vị trí, vai trò của tiếng Nga trong dòng chảy học ngoại ngữ ở Việt Nam. Những năm gần đây có nhiều tín hiệu cho thấy sự trở lại của tiếng Nga. Đó là đoàn Việt Nam gồm năm thí sinh đều đoạt giải cao tại cuộc thi Olympic quốc tế tiếng Nga lần thứ 13 tại Moscow từ ngày 6-11/6/2014 với sự tham dự của 230 học sinh đến từ 30 quốc gia. Đó là lớp tiếng Nga ở trường PTTH Phan Bội Châu (Nghệ An) năm nào cũng có giải quốc gia về tiếng Nga, nhiều bạn đỗ thủ khoa các trường đại học. Đó là việc khoa tiếng Nga, trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng mở lớp mới sau nhiều năm đứng trước nguy cơ “đóng mã ngành”. Rõ ràng là tiếng Nga không còn vị trí độc tôn như trước nhưng không bao giờ vắng bóng trong cuộc sống thường nhật ở Việt Nam…
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi trao giải Ba cho tác giả Hoàng Diễm Hạnh, báo Thế giới & Việt Nam. |
NSND Đặng Thái Sơn là nhân vật quen thuộc trong giới âm nhạc và cũng là gương mặt thân quen của giới truyền thông, tuy nhiên bài “NSND Đặng Thái Sơn: Nước Nga đã chắp cánh cho tôi bay xa” khai thác một khía cạnh khác, đó là 10 năm học tập và biểu diễn tại Nga (1977-1987) mà ông cho là “quãng thời gian đẹp đẽ nhất trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình”. Những năm tháng ở nước Nga với nhiều kỷ niệm đã rèn đúc một Đặng Thái Sơn như chúng ta biết ngày nay. Ông cho rằng “nếu không có sự giúp đỡ đào tạo của Nga đối với Việt Nam thì tôi không có ngày hôm nay”.
Là ấn phẩm xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Nga về quan hệ Việt Nam và LB Nga, Đặc san “Việt Nam - Liên bang Nga: Đối tác chiến lược toàn diện” đã đến tay công chúng Nga và người Việt Nam tại Nga nhân chuyến thăm chính thức LB Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (23-26/11/2014). Được độc giả đánh giá cao và đón nhận nồng nhiệt, Đặc san góp phần vào việc tuyên truyền hình ảnh Việt Nam tươi đẹp và giàu tiềm năng đang con đường đổi mới và hội nhập mạnh mẽ cũng như quan hệ đối tác chiến lược ngày càng phát triển sâu rộng và hiệu quả giữa Việt Nam và LB Nga.
Hoàng Nam