Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các vị lãnh đạo vụ chức năng dành một phút mặc niệm trước di ảnh cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám. Ảnh: Quang Hòa |
Đoàn cán bộ của Bộ Ngoại giao cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Sơn, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ; các đồng chí lãnh đạo các đơn vị: Vụ Thi đua Khen thưởng và Truyền thống Ngoại giao, Công đoàn Bộ, Báo Thế giới & Việt Nam...
Thay mặt tập thể Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn và các thành viên trong Đoàn đã thành kính thắp hương và giành một phút mặc niệm cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám.
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các thành viên trong Đoàn cán bộ Bộ Ngoại giao thăm hỏi các thành viên trong gia đình đồng chí Hoàng Minh Giám. Ảnh: TGVN/Quang Hòa. |
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đã chuyển lời thăm hỏi và chúc sức khỏe của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tới các thành viên trong gia đình; chúc các thành viên trong gia đình tiếp nối và phát huy truyền thống vẻ vang của dòng họ và cha ông, đạt nhiều thành tích trong học tập và công tác, tích cực đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong không khí thân tình, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng với các thành viên trong gia đình cũng đã ôn lại lại chặng đường hoạt động cách mạng của cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám, người trợ tá của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, người có nhiều năm đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và phụ trách ngoại giao nhân dân cũng như Bộ trưởng Bộ Văn hóa trong nhiều thập kỷ sau này. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, cuộc đời hoạt động cách mạng tận tụy của giáo sư là một tấm gương sáng cho toàn thể cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao hôm nay và mai sau noi theo.
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, các thành viên trong Đoàn cán bộ Bộ Ngoại giao và các thành viên trong gia đình cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TGVN/Quang Hòa. |
Ông Hoàng Vĩnh Thành, con trai cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám trân trọng cảm ơn lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã thường xuyên quan tâm, thăm hỏi gia đình. Ông Hoàng Vĩnh Thành khẳng định, các thành viên trong gia đình sẽ nỗ lực phát huy truyền thống vẻ vang của người cha, người ông, xứng đáng với truyền thống của dòng họ và đất nước.
Cố Giáo sư Hoàng Minh Giám sinh ngày 4/11/1904 tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội và mất ngày 12/1/1995. Ông là thứ trưởng Bộ Ngoại giao (1946) sau đó là Bộ trưởng Ngoại giao từ 1947 đến 1954 và là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền (sau là Bộ Văn hóa) từ 1954 đến 1976. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, ông Hoàng Minh Giám là “công chức đầu tiên” của nước Việt Nam mới theo sắc lệnh bổ nhiệm ông giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ của Chính phủ lâm thời (từ ngày 30/8/1945). Ông là đại biểu Quốc hội từ 1946 đến 1987 và là Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hộc khóa VI. Còn theo ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về lĩnh vực văn hóa-xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giáo sư Hoàng Minh Giám có nhiều đóng góp cho việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và là một trong những thành viên nhiều năm nhất của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc. Ngoài ra, ông còn có nhiều đóng góp quan trọng cho ngoại giao nhân dân với cương vị Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hòa bình, Đoàn kết, Hữu nghị với nhân dân các nước.
T.A