Ngày 7/12/2016 là ngày kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành Lãnh sự Việt Nam với nòng cốt là Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cùng với các cơ quan khác thực hiện công tác lãnh sự ở trong nước (các cơ quan ngoại vụ địa phương, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh) và ở nước ngoài (các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự). Cũng ngày này, ngành vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai.
Lãnh đạo Cục Lãnh sự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2011. |
Cảm nghĩ của ông trong ngày đặc biệt này là gì?
Đây là niềm tự hào của không chỉ cán bộ, công chức, nhân viên Cục Lãnh sự mà còn là ngày vui của toàn bộ các đồng nghiệp đang cống hiến cho công tác lãnh sự tại các cơ quan ngoại vụ địa phương trên dải đất hình chữ S cùng đội ngũ “viên chức lãnh sự” của Việt Nam đang công tác tại 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tôi rất đồng ý với cách gọi “ngành Lãnh sự” vì từ góc độ pháp luật quốc tế cũng như thực tiễn triển khai công tác đối ngoại trên thế giới, công tác lãnh sự luôn được coi như một hoạt động có tính độc lập nhất định so với hoạt động ngoại giao. Thứ nhất, về thời điểm, quan hệ lãnh sự được thiết lập ngay cả khi chưa có quan hệ ngoại giao hoặc vẫn tồn tại sau khi đã chấm dứt quan hệ ngoại giao. Thứ hai, về nội hàm, quan hệ lãnh sự được điều chỉnh chủ yếu bởi pháp luật, các hoạt động lãnh sự được triển khai trên cơ sở luật pháp quốc tế, pháp luật của các bên thay vì bằng chính sách, chủ trương đối ngoại. Thứ ba, về cơ cấu tổ chức cơ quan làm công tác lãnh sự, tại hầu hết các cơ quan ngoại vụ địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có Phòng hoặc bộ phận lãnh sự với chức năng chuyên sâu về lãnh sự, bảo hộ công dân…thể hiện vai trò và vị trí đặc thù của công tác này trong khuôn khổ các hoạt động đối ngoại.
Dù có tính chất độc lập, đặc thù nhất định, nhưng phải khẳng định công tác lãnh sự luôn được đặt trong tổng thể ngành Ngoại giao, là một trong những trụ cột không thể thiếu của ngành, tham gia, hỗ trợ và tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác lãnh sự của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Bộ Ngoại giao quan tâm triển khai ngay sau khi thành lập Chính phủ lâm thời, đánh dấu bằng việc ngày 7/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 47/SL quy định về tổ chức của Bộ Ngoại giao, trong đó thành lập Phòng Hành chính - Kiều dân với các chức năng cơ bản nhất của công tác lãnh sự. Trong suốt 70 năm qua, ngành Lãnh sự tự hào có những đóng góp lớn lao được Đảng và Nhà nước ghi nhận, từ việc vận động kiều bào góp sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp; thúc đẩy hợp tác, vận động, tranh thủ sự giúp đỡ từ các nước anh em, bạn bè trong những năm chống Mỹ; giải quyết vấn đề thuyền nhân những năm đầu đổi mới; đàm phán thành công vấn đề tài sản ngoại giao để tháo gỡ những nút thắt trong việc bình thường hóa quan hệ với các đối tác quan trọng; cho đến công tác bảo hộ người lao động ở Iraq, Lebanon, Libya … cũng như bảo hộ công dân Việt Nam nói chung những năm gần đây.
Năm 2016 đánh dấu chặng đường 70 năm trưởng thành của ngành Lãnh sự trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập quốc tế. Nhìn lại chặng đường vẻ vang đã qua, thế hệ những người làm công tác lãnh sự hết sức tự hào được tiếp bước những thế hệ đi trước, góp sức mình vào những thành công của ngành Ngoại giao, cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2016, Cục Lãnh sự vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai. Vinh dự này có ý nghĩa như thế nào với ngành Lãnh sự nói chung, thưa ông?
Trong quá trình hình thành và phát triển, những đóng góp của công tác lãnh sự với đầu tàu là Cục Lãnh sự nhiều lần được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Cụ thể, Cục Lãnh sự đã bốn lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động các loại (hai lần Huân chương Lao động hạng Nhất vào năm 2011 và 2016), nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen, huy chương cá nhân cao quý khác.
Vinh dự này trước hết thể hiện sự quan tâm sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác lãnh sự, ghi nhận vai trò quan trọng của công tác lãnh sự trong khuôn khổ các hoạt động đối ngoại nói chung và hoạt động của Bộ Ngoại giao nói riêng; sự chỉ đạo trực tiếp, kịp thời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, các đồng chí lãnh đạo Bộ và tinh thần phối hợp, hỗ trợ đầy trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ.
Tôi nghĩ các phần thưởng cao quý trên là thước đo sự hiệu quả, thành công của công tác lãnh sự trong suốt thời kỳ phát triển vừa qua. Đây không phải là thành tích riêng của công tác của Cục Lãnh sự mà tôi coi đây là thành quả chung của công tác lãnh sự, với sự chung tay, góp sức của các đồng nghiệp từ các tỉnh, thành phố ở trong nước và từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tôi tin rằng với bề dày truyền thống và thành tích đã đạt được, cán bộ lãnh sự trẻ có quyền tự hào về ngành công tác của mình, từ đó tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho công tác lãnh sự, xứng với tiêu chí hoạt động của ngành Lãnh sự Việt Nam: “Chuyên nghiệp - Năng động - Hiệu quả - Hiện đại”.
Năm 2016 là năm đầu tiên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, việc nhận được Huân chương Lao động hạng Nhất vào thời điểm này có ý nghĩa hết sức to lớn để ngành Lãnh sự tiếp tục phát huy, phấn đấu cho các năm tiếp theo, góp phần thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế như mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Tập thể cán bộ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, chụp ảnh kỷ niệm nhân dịp vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2011. |
Xin ông cho biết trọng tâm của công tác lãnh sự trong thời gian tới?
Tháng 8/2016 vừa qua, ngành Ngoại giao đã tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 29 với chương trình hành động hết sức cụ thể cho giai đoạn 2016-2018, trong đó công tác lãnh sự được giao một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm và nhận thức của cán bộ về bảo hộ công dân, quán triệt chủ trương bảo hộ công dân kịp thời và chu đáo; nghiên cứu hoàn thiện cơ chế bảo hộ công dân, trong đó có việc xây dựng Trung tâm xử lý khủng hoảng nhằm kịp thời ứng phó với các tình huống khẩn cấp trên thế giới.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế pháp luật về công tác lãnh sự; theo dõi, chỉ đạo và kiểm tra công tác lãnh sự; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lãnh sự, di cư quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác lãnh sự trong và ngoài nước.
Thứ ba, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ làm công tác lãnh sự.
Quán triệt chương trình hành động trên, ngành Lãnh sự cần tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác bảo hộ công dân, gắn với dự báo tình hình, tăng cường khuyến cáo, nâng cao nhận thức của người dân ra nước ngoài về các quyền và nghĩa vụ; lấy công tác nghiên cứu, xây dựng thể chế làm nòng cốt, cải cách hành chính là khâu đột phá, coi công tác đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ là nền tảng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ nêu trên. Ngoài ra, cần tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và tận dụng các phương thức truyền thông đại chúng trong triển khai công tác lãnh sự và bảo hộ công dân.
Cũng trong thời gian tới, chúng tôi hướng tới mục tiêu hiện thực hóa mơ ước của những thế hệ cán bộ lãnh sự từ trước đến nay là nâng tầm quản lý của cơ quan đầu não của ngành Lãnh sự lên thành Tổng cục Lãnh sự, từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phân định chức năng nhiệm vụ để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu và trọng trách được Đảng và Nhà nước giao phó.
Xin cảm ơn ông!