TIN LIÊN QUAN | |
Những thăng trầm ở Biển Đông | |
Trung Quốc phải đi đầu trong giải quyết các tranh chấp Biển Đông |
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ra thông báo số 03 [2017] CEB ngày 19/1/2017 về việc áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5-16/8/2017 tại khu vực từ vĩ tuyến 12 trở về phía Bắc, bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ. Trung Quốc đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá này từ năm 1999 với phạm vi ban đầu tập trung vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam và Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, sau đụng độ với Philippines tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, từ năm 2012, Trung Quốc đã đơn phương mở rộng phạm vi áp dụng đối với toàn bộ khu vực từ vĩ tuyến 12 trở về phía Bắc như hiện nay.
Ảnh minh họa. |
Cần tham vấn các quốc gia liên quan
Cấm đánh bắt cá là một thực tiễn phổ biến của các quốc gia. Quy định cấm đánh cá xuất phát từ nghĩa vụ của các quốc gia ven biển về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, được quy định tại nhiều điều ước quốc tế như Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS), Hiệp định về các loài cá di cư của LHQ 1995, Công ước bảo vệ đa dạng sinh học (CBD), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật đang bị nguy cấp (CITES) và Công ước về các loài di cư (CMS).
Theo quy định của các điều ước quốc tế, cấm đánh bắt cá có thể được áp dụng trong hai điều kiện. Thứ nhất, quốc gia ven biển chỉ có quyền quy định đánh bắt cá trong phạm vi vùng biển mà quốc gia đó có quyền chủ quyền và quyền tài phán, chủ yếu là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Thứ hai, cấm đánh bắt cá phải được đưa ra trên cơ sở các số liệu khoa học đáng tin cậy, trên cơ sở trao đổi thường xuyên với các tổ chức khu vực và quốc tế có chức năng về vấn đề này và tiến hành tham vấn với các quốc gia liên quan.
Việc tham vấn với các quốc gia có liên quan đặc biệt quan trọng và trở thành nghĩa vụ trong trường hợp quy định cấm đánh bắt cá được áp dụng với các loài cá có khả năng di cư xa hoặc sinh sống trên khu vực biển của nhiều quốc gia. Danh sách các loài cá có khả năng di cư xa, đang bị đe doạ hoặc sinh sống tại nhiều quốc gia được quy định rõ tại CBD, CMS và Hiệp định 1995. Ngoài ra, trước khi áp dụng, quốc gia ven biển có nghĩa vụ thông báo công khai, đầy đủ thông tin về quy định cấm đánh bắt cá với ngư dân của nước mình và ngư dân của các nước khác được phép đánh bắt cá trong EEZ của nước mình.
Thực tiễn quốc tế cho thấy, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia như Australia, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Mexico… đều từng áp dụng các quy định cấm đánh bắt cá theo thời gian hoặc theo một số loài cá nhất định. Đây là một trong những biện pháp được đánh giá có tính hiệu quả cao giúp bảo tồn, quản lý, duy trì nguồn tài nguyên sinh vật biển và bảo vệ đa dạng sinh học, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững.
Yêu sách thiếu cơ sở pháp lý
Trái với thực tiễn áp dụng các quy định cấm đánh bắt cá phù hợp với luật pháp quốc tế, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc tại Biển Đông thực chất là để áp đặt các yêu sách thiếu cơ sở pháp lý của nước này tại Biển Đông.
Trước hết, điều kiện cần để một quốc gia áp dụng quy định cấm đánh bắt cá là phạm vi áp dụng phải giới hạn trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Trong khi đó, Trung Quốc đã tuỳ tiện áp dụng lệnh đánh bắt cá tại một vùng biển rộng lớn, từ vĩ tuyến 12 trở về phía Bắc của Biển Đông, bao trùm toàn bộ khu vực biển đã phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc theo Hiệp định Phân định Vịnh Bắc bộ năm 2000, đồng thời bao trùm các EEZ được tạo ra từ bờ biển đất liền của Việt Nam và quần đảo chính của Philippines.
Việc áp dụng của Trung Quốc trực tiếp xâm phạm quy định của UNCLOS về quyền chủ quyền và quyền tài phán trong EEZ của Việt Nam và Philippines. Tại phán quyết của Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS, tháng 7/2016, Toà đã khẳng định việc áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá năm 2012 tại một khu vực lớn tại Biển Đông, mà không loại trừ EEZ của Philippines và không giới hạn áp dụng với các tàu mang cờ Trung Quốc, là sự vi phạm điều 56 UNCLOS về quyền chủ quyền đối với tài nguyên sinh vật biển trong EEZ của Philippines (đoạn 716, phán quyết 2016). Việc tiếp tục đơn phương tuyên bố áp dụng lệnh đánh bắt cá trong phạm vi rộng tại Biển Đông vào năm 2017, sau khi phán quyết Tòa Trọng tài có hiệu lực, cho thấy sự thách thức của Trung Quốc đối với quy định của pháp luật quốc tế hiện hành.
“Bỏ quên” DOC
Bên cạnh điều kiện cần nói trên, điều kiện đủ để một quốc gia áp dụng quy định cấm đánh bắt cá là phải dựa trên các thông tin khoa học đáng tin cậy, có sự tham vấn với các tổ chức chuyên môn và các quốc gia hữu quan. Với điều kiện địa lý của một vùng biển nửa kín, nơi các tài nguyên sinh vật có độ đa dạng và phụ thuộc lẫn nhau lớn, việc tham vấn là một trong các nghĩa vụ bắt buộc để bảo tồn các loài có khả năng di cư cao và sinh sống trên vùng biển của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tuỳ tiện áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trong khoảng thời gian không phù hợp với thực tiễn đánh bắt cá ở Biển Đông và không tiến hành tham vấn với các quốc gia hữu quan.
Trung Quốc tuyên truyền về cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là lợi ích sinh thái, kinh tế, xã hội và sự hoan nghênh rộng rãi cộng đồng ngư dân, đồng thời đề ra mục tiêu xây dựng nền văn minh sinh thái để bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên sinh vật biển. Thực tế, cả Philippines và Việt Nam đã nhiều lần phản đối việc áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc. Hội nghề cá Việt Nam đã thay mặt ngư dân Việt Nam gửi tuyên bố phản đối và khẳng định “đây là hành động phi lý của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam trên EEZ”. Có thể thấy, mục tiêu tốt đẹp của quy định cấm đánh bắt cá đã bị Trung Quốc sử dụng để vi phạm pháp luật quốc tế, mở rộng quyền tài phán thiếu cơ sở pháp lý đối với các vùng biển rộng lớn tại Biển Đông.
Việc tuyên bố áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá năm 2017 cho thấy Trung Quốc lại “bỏ quên” nguyên tắc đã được nước này và ASEAN cùng nhau xây dựng tại Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) từ năm 2002 về “kiềm chế, không thực hiện các hoạt động làm phức tạp và leo thang tranh chấp.” Trong khi luôn nhấn mạnh về yêu cầu cần phải thực thi DOC, và bày tỏ mong muốn thúc đẩy quá trình ký kết khuôn khổ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) trong năm 2017, động thái này một lần nữa cho thấy sự khác biệt lớn giữa “nói và làm” cũng như thiện chí thực sự của Trung Quốc trong giải quyết hoà bình các tranh chấp tại Biển Đông.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Ngoại giao học thuật để bảo vệ chủ quyền biển đảo Gần một thập kỷ qua, khi tranh chấp Biển Đông căng thẳng trở lại, cũng là giai đoạn Ngoại giao kênh II - còn gọi ... |
Bước ngoặt trong giải quyết tranh chấp Biển Đông “Phán quyết của Tòa trọng tài cho thấy luật pháp quốc tế vẫn có ý nghĩa và sức mạnh để bảo vệ lợi ích của ... |
Tuyên bố của Đại diện cấp cao EU về phán quyết của Tòa trọng tài Sau phán quyết hôm 12/7 của Tòa Trọng tài, Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng hối thúc Trung Quốc và Philippines giải quyết ... |