Áp lực này được phản ánh rõ trong tuyên bố của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha trước các phóng viên cuối tuần trước về khả năng xảy ra bầu cử trước thời hạn.
Từng nhiều lần nhấn mạnh sẽ làm hết nhiệm kỳ, song giờ đây đương kim Thủ tướng lại để ngỏ khả năng giải tán Hạ viện trước khi hai luật liên quan đến bầu cử được thông qua tại Quốc hội. Hai luật này - Luật về các đảng phái chính trị và Luật bầu cử nghị sĩ, sẽ phản ánh kế hoạch đưa Thái Lan trở lại với hệ thống bỏ phiếu kép, một để bầu các nghị sĩ theo khu vực bầu cử, lá phiếu còn lại dành cho các nghị sĩ theo danh sách đảng.
Nội các của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha có thể đứng trước áp lực chính trị trong thời gian tới. (Nguồn: Reuters) |
Nhân tố thay đổi cuộc chơi
Tuy nhiên, yếu tố chủ chốt đằng sau tuyên bố “lạ” của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha lại đến từ sự rút lui của nhóm 21 nghị sĩ đảng cầm quyền Quyền lực Nhà nước nhân dân Palang Pracharath (PPRP) do cựu Tổng thư ký PPRP Thamanat Prompow lãnh đạo. Cựu Thứ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã này đã bị Thủ tướng Prayut sa thải khỏi nội các năm ngoái vì cố gắng thuyết phục các nghị sĩ trong đảng liên minh, bao gồm cả PPRP, bỏ phiếu chống ông Prayut trong cuộc tranh luận bất tín nhiệm vào tháng 9/2021.
Đáng ngại hơn cả, ông Thamanat được coi là cánh tay phải của Phó Thủ tướng kiêm lãnh đạo PPRP Prawit Wongsuwan - “người anh em” của Đại tướng Prayut, nhân vật có tầm ảnh hưởng trên chính trường Thái Lan.
Phó Thủ tướng Prawit vẫn tiếp tục Thủ tướng, song có nguồn tin cho rằng quan hệ giữa hai người không còn như trước và khó có thể hàn gắn, nhất là sau khi Thủ tướng Prayut nhiều lần đưa ra quyết định, mà không lắng nghe Tướng Prawit, bao gồm loại bỏ ông Thamanat và nhân vật thân cận với Tướng Prawit.
Trong số đó có Tướng Wit Devahastin Na Ayudhya, phụ tá thân cận của ông Prawit. Chủ tịch Ủy ban chiến lược của PPRP đã tuyên bố từ chức tuần trước chỉ sau 5 tháng được bổ nhiệm, rời khỏi đảng cầm quyền để lãnh đạo Đảng Setthakij Thai.
Tướng Wit từng cho biết, ông rời đi để “tiếp tục chính sách của Anh Pom (Tướng Prawit)” tại đảng Setthakij Thai. Tuy nhiên, thông báo đã được thay thế bằng một thông báo mới, không còn đề cập lãnh đạo PPRP.
Diễn biến này nói lên nhiều điều về mối liên hệ giữa Tướng Prawit và đảng Setthakij Thai. Một số nhà phân tích đồng ý rằng Đảng Setthakij Thai do Tướng Wit lãnh đạo có thể là một nhân tố thay đổi cuộc chơi trên chính trường Bangkok trong thời gian tới.
Một số nhà phân tích đồng ý rằng Đảng Setthakij Thai do Tướng Wit lãnh đạo có thể là một nhân tố thay đổi cuộc chơi trên chính trường Bangkok trong thời gian tới. |
Khó khăn chờ đợi
Ngày 17-18/2, phe đối lập sẽ chất vấn chính phủ trong cuộc tranh luận chung, song khó gây bất ngờ vì không có bỏ phiếu. Tất nhiên, các chỉ trích về tình trạng giá cả tăng cao có thể ít nhiều tác động tới hình ảnh nội các của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.
Thời điểm mang tính quyết định với chính phủ là tháng 7/2022, khi phe đối lập dự kiến khởi động tranh luận bất tín nhiệm chống lại nội các của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha. Một khi chấp nhận đề xuất này, ông Prayut sẽ không có quyền giải tán Hạ viện nữa.
Khi đó, chính trường sẽ nóng lên và rủi ro chính trị của Tướng Prayut sẽ cao hơn. Thành bại lúc ấy có thể nằm trong tay ông Thamanat và nhóm nghị sĩ đối lập thân chính phủ.
Hiện liên minh cầm quyền nắm đa số với 268/475 ghế. Tuy nhiên, vắng phe của ông Thamanat và các nghị sĩ đối lập, liên minh cầm quyền chỉ chiếm 238, bằng đúng một nửa tổng số hạ nghị sĩ.
Đây là tình huống vô cùng rủi ro bởi ngay cả với 268 ghế, liên minh cầm quyền đã gặp khó để duy trì đủ số lượng thành viên tối thiểu tại phiên họp Hạ viện.
Do đó liên minh cầm quyền cần kiếm 238 phiếu cần thiết để vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, giúp Thủ tướng Prayut và nội các tiếp tục nắm quyền tại Thái Lan.