Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký Hiệp ước New START tại Prague ngày 8/4/2010. (Nguồn: AP) |
Các chuyên gia cảnh báo rằng việc chấm dứt Hiệp ước INF và sắp tới nếu New START cũng không được gia hạn, khả năng cao một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới sẽ được kích hoạt. Đây sẽ là lần đầu tiên hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới không có một bản hiệp ước nào ngăn cản phát triển các loại vũ khí hạt nhân kể từ năm 1972.
New START là gì?
Hiệp ước New START được ký kết vào tháng 4/2010 tại Prague (Czech) và là kết quả của cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Sau khi được thông qua, Hiệp ước chính thức có hiệu lực từ ngày 5/2/2011.
Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm và trong tương lai tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã được triển khai và chưa triển khai.
Quan trọng hơn, mỗi bên cho phép bên còn lại tiến hành thanh tra tại hiện trường để các bên có được sự tin tưởng cao về việc các điều khoản của Hiệp ước được tuân thủ. Hai nước cũng tổ chức các cuộc họp thường xuyên trong khuôn khổ Ủy ban Tham vấn song phương để giải quyết những bất đồng hoặc những nghi vấn về việc triển khai hoặc thủ tục triển khai.
Theo các chuyên gia, điều này giúp New START có tính thực tiễn hơn hẳn so với INF khi cả hai bên đều có thể xác minh được quá trình dỡ bỏ vũ khí diễn ra như thế nào. Đồng thời, giúp hai bên có thể thu thập được thêm thông tin về tình hình kho vũ khí lẫn nhau mà không thông qua các phương pháp thu thập và đánh giá thông tin tình báo truyền thống.
Có bao nhiêu Hiệp ước START?
New START thay thế cho Hiệp ước START I được ký kết vào năm 1991 và Hiệp ước cắt giảm tiềm lực tấn công chiến lược (SORT) hay còn gọi là Hiệp ước Moscow được ký vào ngày 24/5/2002. Tuy vậy, New START thực chất là hiệp ước mang tên START thứ 4 xuất hiện trong lịch sử quan hệ giữa Nga và Mỹ.
Tổng thống Trump nhiều lần ám chỉ rằng ông muốn thay thế New START bằng một hiệp ước vũ khí hạt nhân ba chiều sẽ bao gồm Trung Quốc. Nhưng các chuyên gia nghi ngờ về khả năng Bắc Kinh sẽ đồng ý đàm phán một thỏa thuận như vậy vì nước này có kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn nhiều so với Washington hoặc Moscow. |
Hiệp ước START (được đổi tên thành START I sau khi Mỹ và Nga thực hiện các cuộc đàm phán hiệp ước START thứ hai) được ký vào ngày 31/7/1991 bởi Tổng thống Mỹ George H. W. Bush và Tổng thống Liên bang Xô Viết Mikhail Gorbachev và chính thức có hiệu lực vào ngày 5/12/1994. Có hiệu lực kéo dài 15 năm, Hiệp ước quy định hai bên giảm số lượng đầu đạn hạt nhân ở mức 6.000 đơn vị và giảm số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và máy bay ném bom xuống con số 1.600.
Được Tổng thống Ronald Reagan giới thiệu tại Mỹ vào ngày 9/5/1982 và đề xuất tại Geneva (Thụy Sỹ) vào ngày 29/6/1982, START I được coi là hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử. Tuy vậy, nó đã giúp loại bỏ khoảng 80% các loại vũ khí hạt nhân tồn tại trên thế giới lúc bấy giờ.
Sau khi Liên Xô tan rã, Moscow và Washington cũng đã tiến hành đàm phán để ký kết Hiệp ước START II nhằm cấm sử dụng tên lửa đa đầu đạn phân hướng (MIRV) và ICBM. START II đã được hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga thời đó là Tổng thống Bush và người đồng cấp Nga Boris Yeltsin ký kết vào ngày 3/1/1993. Mặc cho đàm phán và ký kết thành công, nhưng START II lại không được đưa vào thực tiễn. Theo Moscow, START II chỉ có quyền tồn tại trong điều kiện gìn giữ Hiệp ước hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa (ABM). Nhưng sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước ABM vào năm 2001, START II đã chính thức bị khai tử.
Thay vào đó, năm 2002, các bên ký Hiệp ước SORT có hiệu lực từ ngày 1/6/2003. Theo đó, cả Mỹ và Nga phải hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân đang trong trạng thái trực chiến còn 2.200 đơn vị.
Vào năm 1997, tại Helsinki (Phần Lan), Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã gặp nhau và thống nhất về cơ bản khung ban đầu của Hiệp ước START III nhằm giảm mạnh các kho vũ khí hạt nhân đã được triển khai của cả Mỹ và Nga, tiếp nối thành công của đàm phán START I và START II. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị phá vỡ bởi nhiều lý do khác nhau và hiệp ước không bao giờ được ký kết.
Quan điểm của Mỹ và Nga về New START
Theo Foreign Policy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần úp mở về khả năng gia hạn New START. Nhưng tình hình trong chính quyền của ông thì khác, nhiều người liên tục phản đối việc kéo dài hiệp ước này với Nga. Điển hình là Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton khi ông cho rằng START chưa được hoàn thiện, không bao gồm các vũ khí hạt nhân chiến lược tầm ngắn hay hệ thống phóng mới của Nga.
Theo báo cáo năm 2019 của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI), Mỹ hiện tại có 6.185 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 1.750 đầu đạn đang được triển khai, số còn lại hoặc cất trong kho, hoặc chờ tháo dỡ, tiêu hủy. Trong khi đó, Nga có tổng cộng 6.500 đầu đạn và 1.600 đầu đạn hạt nhân đang được triển khai. |
Nhiều chuyên gia vũ khí của Mỹ cũng có quan điểm giống với ông Bolton, cho rằng công nghệ phát triển vũ khí thời nay đã hoàn toàn vượt trội. Ví dụ, Nga có thể đang phát triển tên lửa siêu thanh, tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu ngầm không người lái có khả năng mang vũ khí hạt nhân, xây dựng các hệ thống tên lửa chiến lược mới mà START không thể nào bao hàm được hết.
Bất chấp sự hoài nghi của ông Bolton, vào tháng Bảy vừa qua, chính quyền Trump đã phái các nhà ngoại giao tới Geneva để tiến hành các cuộc đàm phán với các đội tác Nga về khả năng gia hạn New START.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nói rằng Moscow muốn gia hạn hiệp ước với Washington và cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang mới. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg, Nga hôm 6/6/2019, Tổng thống Nga đã bày tỏ lấy làm tiếc khi Mỹ “không tiến hành bất cứ cuộc đàm phán chính thức nào” liên quan việc gia hạn thỏa thuận này, dù Nga đã nói hàng trăm lần rằng Nga đã sẵn sàng cho việc gia hạn. Nếu không có gì thay đổi và Mỹ không thể hiện nước này muốn gia hạn New START, Nga sẽ chấm dứt Hiệp ước vào năm 2022.
Tuy vậy, cả ông Trump lẫn ông Putin đều chia sẻ quan điểm rằng New START cần phải được mở rộng, hoặc thay thế hoàn toàn bằng một hiệp ước mới bao gồm tất cả các quốc gia, kể cả các nước được công nhận chính thức và không được công nhận chính thức là quốc gia hạt nhân. Vì nếu chỉ có các quốc gia chính thức được công nhận là quốc gia hạt nhân tham gia trong khi những quốc gia không được công nhận vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, tiến trình thực thi hiệp ước sẽ dừng lại, dù đã có thỏa thuận giữa các quốc gia được công nhận chính thức là quốc gia hạt nhân.
New START có thể được coi là nhân tố giúp quản lý căng thẳng Mỹ-Nga trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, và kiến tạo hy vọng cho mối quan hệ tương lai giữa hai bên. Bằng việc ngăn chặn tình trạng cạnh tranh hạt nhân giữa hai nước, và tạo ra tính minh bạch chưa có tiền lệ, quyền tiếp cận xác minh và thông tin về quy mô, kích thước và việc triển khai các lực lượng hạt nhân tấn công chiến lược, Hiệp ước này đã đảm bảo khả năng dự đoán và tính chuyên nghiệp, dù không nhiều, trong mối quan hệ giữa hai nước. Đáng tiếc là New START sẽ hết hạn vào năm 2021 nếu Tổng thống của hai nước không muốn gia hạn Hiệp ước thêm 5 năm.