📞

Liệu MH370 có thể xảy ra lần nữa?

07:10 | 11/03/2018
Chúng ta đang sống trong thời đại mà con người có thể dễ dàng định vị được điện thoại của mình trong thời gian thực, thế nhưng ngành công nghiệp vận tải tiên tiến nhất thế giới không hề bị bắt buộc phải làm như vậy.

Năm 2014, máy bay mang số hiệu 370 của Malaysia Airlines (MH370) biến mất một cách bí ẩn và cho đến nay vẫn chưa tìm ra tung tích đã dấy lên hàng loạt những câu hỏi làm cách nào để những sự việc như thế không bao giờ lặp lại. Thế nhưng, sau 4 năm, khả năng những chiếc máy bay tân tiến biến mất giữa không trung vẫn có thể xảy ra.

Vụ mất tích bí ẩn

Vụ mất tích chiếc máy bay MH370 được giới phân tích hàng không thế giới đánh giá là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới. Cho đến bây giờ, các chuyên gia vẫn chưa thể thống nhất với nhau về nguyên nhân gây ra tai nạn cho chiếc MH370. Điều gì đã thật sự xảy ra trên chuyến bay định mệnh ấy?

Liệu MH370 có thể xảy ra một lần nữa?

MH370 biến mất vào ngày 8/3/2014 trong khi bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh với 239 hành khách. Các chuyên gia đã lập bản đồ đường bay ngẫu nhiên của chiếc Boeing 777 này qua Ấn Độ Dương sau khi chọn các kết nối dữ liệu theo giờ với vệ tinh.

Một vài mảnh vỡ đã được vớt lên tại châu Phi, không tìm được bất kỳ thi thể nào của hành khách trên chuyến bay. Tháng 1 vừa qua, một công ty của Mỹ có tên Ocean Infinity đã tiếp tục công cuộc tìm kiếm với phần thưởng lên tới 70 triệu USD từ chính phủ Malaysia. Tuy nhiên, đây được coi là những nỗ lực cuối cùng để tìm kiếm MH370.

Trong thời đại mà con người có thể dễ dàng định vị những chiếc smartphone trong thời gian thực, ngành hàng không với hơn 4 tỷ hành khách mỗi năm không hề bị bắt buộc phải làm giống như vậy. Lý do là bởi hiện chưa có một quy ước quốc tế nào bắt buộc các máy bay phải thông báo vị trí theo từng phút khi chúng gặp rắc rối trên không cho tới tháng 1/2021.

Quy định chậm chạp, không thực tế

Cho tới tháng 11 năm ngoái, theo quy định mới của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) thuộc Liên hợp quốc ban hành, cứ mỗi 15 phút, các hãng hàng không bị bắt buộc theo dõi những chuyến bay của mình. Cho tới nay, một số hãng như Malaysia Airlines, Singapore Airlines, Qantas Airways và Qatar Airways đã đáp ứng được yêu cầu này.

Vụ mất tích của chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia vẫn là bí ấn lớn nhất của ngành hàng không thế giới.

Tuy nhiên, với tốc độ khoảng 925 km/h, nếu máy bay mất tích giữa khoảng 15 phút đó, sẽ tạo ra một khu vực tìm kiếm tiềm năng lên tới 170.000 km2, bằng diện tích của bang Florida. Chưa hết, với diện tích rộng lớn đó, khả năng tìm kiếm người sống sót kịp thời cũng rất thấp, đặc biệt là trên biển. Qua đó, nếu máy bay báo hiệu vị trí theo từng phút, diện tích tìm kiếm cũng sẽ giảm đi rất nhiều, chỉ khoảng 748 km2 - nhỏ hơn gấp 227 lần.

Ông Tom Schmutz, Giám đốc điều hành của Flyht Aerospace Solutions, cho biết ngành hàng không rất cẩn trọng và đưa ra các bước đi mang tính chiến lược để đảm bảo an toàn cho hành khách nhưng lại không hề vội vàng để đưa ra các thay đổi do chúng có thể ảnh hưởng rất lớn tới lợi nhuận. Flyht là một công ty cung cấp công nghệ định vị máy bay hiện đại nhất thông qua vệ tinh, rất nhỏ gọn, chỉ bằng kích cỡ của một chiếc vali, có giá khoảng 60.000 USD và cứ 20 giây sẽ tự động xác định vị trí của máy bay khi đang hoạt động. Thế nhưng, trên thế giới hiện nay mới chỉ có 1.800 chiếc phi cơ sử dụng công nghệ này.

Cản trở về công nghệ và con người

Về phần mình, ICAO đã “nhanh chóng” phát triển những quy định mới ngay sau sự việc của MH370, và những quy tắc đó khuyến khích các hãng hàng không trang bị lại các thiết bị để có thể phát ra tín hiệu xác định vị trí theo từng phút.

Với những luật lệ mới sẽ có hiệu lực vào năm 2021, hệ thống định vị sẽ tự động gửi thông tin theo từng phút khi phát hiện máy bay có vấn đề lúc bay qua vùng thời tiết xấu, gặp sự cố kỹ thuật hay thay đổi đường bay bất ngờ, ví dụ máy bay bị không tặc kiểm soát hoặc nếu như phi hành đoàn bất tỉnh và không điều khiển được máy bay.

Điều đặc biệt là các phi công không thể tắt hệ thống này sau khi nó tự động kích hoạt, ICAO cho biết. Nó sẽ tự động tắt khi phát hiện máy bay đã an toàn trở lại. Tuy nhiên, các phi công vẫn có thể tự mình khởi động hoặc tắt hệ thống bằng tay nếu muốn.

Nghe thì có vẻ đơn giản, bởi chúng ta có thể dễ dàng định vị vị trí của smartphone thông qua GPS. Thế nhưng với một chiếc máy bay có vận tốc chuyển động rất nhanh, đòi hỏi các máy bay phải nâng cấp sức mạnh tính toán của máy tính và Internet băng thông rộng để có thể xử lý được các dữ liệu lớn và phức tạp. Chưa dừng lại ở đó, việc phải phóng một vệ tinh mới và sử dụng chỉ để thỏa mãn những nhu cầu trên là điều không thể tránh khỏi nếu hệ thống này đòi hỏi dữ liệu chính xác và chặt chẽ hơn.

Chính vì thế, bốn năm sau khi MH370 biến mất và ngành hàng không vẫn chưa nhất trí trong việc lắp đặt hệ thống định vị theo từng phút cho thấy một cuộc đấu tranh ngầm đang diễn ra trong ngành vận tải hiện đại nhất thế giới này. Bởi chi phí để trang bị hệ thống định vị cho tất cả những chiếc máy bay thương mại khá tốn kém - có thể lên tới 1 tỷ USD và vụ việc của MH370 là cực kỳ hiếm.

Dell, cựu giám đốc phụ trách an toàn tại hãng Qantas Airways nhận định rằng: “Tất cả quyết định rồi cũng hướng tới vấn đề thương mại. Đã là giữ an toàn cho tính mạng con người, liệu có nên biện minh rằng tai nạn sẽ không thể xảy ra dựa trên số liệu được không? Chính nhờ những sự việc như MH370 sẽ giúp thay đổi suy nghĩ của con người.”

(theo Bloomberg)