TIN LIÊN QUAN | |
Sẽ bầu cử trước Giáng sinh nếu Quốc hội Anh bác khung thời gian Brexit | |
Câu chuyện Brexit - Cuộc chơi của xảo thuật |
Ngày thứ Bảy vừa qua là ngày thất bại với Thủ tướng Johnson trước những nỗ lực của ông về Brexit. (Nguồn: Getty Images) |
Sự thất vọng trong "Ngày thứ Bảy trọng đại"
"Ngày thứ Bảy trọng đại" lẽ ra đã trở thành giây phút quyết định của Brexit, khi lần đầu tiên Quốc hội Anh tổ chức phiên họp vào ngày thứ Bảy kể từ sau Chiến tranh Falklands. Các thành viên của Quốc hội được cho là sẽ có "một cuộc bỏ phiếu đầy ý nghĩa" về thỏa thuận bất ngờ của Thủ tướng Boris Johnson mang về từ Brussels.
Thế nhưng, sau nhiều giờ tranh luận nảy lửa, Chủ tịch Hạ viện John Bercow tuyên bố rằng cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận của ông Johnson sẽ bị trì hoãn. Với rất nhiều giây phút "then chốt" trước đây đã diễn ra không như mong đợi trong "cuốn tiểu thuyết dài tập" về nỗ lực rời Liên minh châu Âu (EU) của nước Anh, tuyên bố trì hoãn cuộc bỏ phiếu chỉ là một trong một loạt những ẩn số.
Theo một luật mới đây được Quốc hội thông qua nhằm ngăn chặn khả năng Brexit không thỏa thuận, ông Johnson buộc phải xin EU gia hạn thêm cho Brexit, vốn đang được ấn định vào ngày 31/10 - điều mà ông từng tuyên bố "thà chết" chứ không chịu làm. Ông đã thể hiện rất rõ ràng sự miễn cưỡng của mình bằng cách đính kém theo yêu cầu chính thức xin gia hạn Brexit một bức thư thúc giục khối này không nên chấp thuận yêu cầu của ông. Tuy nhiên, thỏa thuận Brexit mà ông Johnson bất ngờ đạt được hôm 17/10 phần lớn tương tự thỏa thuận mà ông từng cực lực phản đối với tư cách là nhân vật "diều hâu" hàng đầu về Brexit khi người tiền nhiệm "xấu số" của ông, bà Theresa May, nỗ lực thúc đẩy Quốc hội cho thông qua thỏa thuận của bà.
Điểm khác biệt quan trọng giữa hai thỏa thuận này là một giải pháp mới cho vấn đề gây đau đầu là duy trì một biên giới mở giữa Ireland và Bắc Ireland của Anh sau khi Anh rời khỏi thị trường chung của EU. Giải pháp của ông Johnson về cơ bản là thiết lập kiểm soát hải quan ở biên giới Bắc Ireland. Những người trung thành với bà May đã rất ủng hộ thỏa thuận của ông Johnson.
Vấn đề ở đây không phải là thỏa thuận của ông Johnson bị phản đối, mà là do Quốc hội thiếu niềm tin vào chính Thủ tướng Johnson. Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Johnson đã nhiều lần nỗ lực tìm cách né tránh Quốc hội với hy vọng sẽ đưa Anh ra khỏi EU vào đúng hạn chót 31/10. Nhiều nghị sĩ lo ngại, nếu thỏa thuận của ông Johnson được thông qua, ông và các đồng minh của mình sẽ ngăn cản việc cho thông qua toàn bộ dự luật về Brexit cho tới khi đến hạn chót 31/10.
Quyết định được đưa ra trong những ngày tới không được phép là một sự đầu hàng chỉ vì "mỏi mệt với Brexit" ở cả hai phía. (Nguồn: Istock) |
Không được phép "đầu hàng vì mệt mỏi"
Trong 3 năm kể từ sau khi người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ rời EU với tỷ lệ sít sao, cuộc tranh luận này đã vượt xa khỏi những hứa hẹn đơn giản của những người chủ trương ủng hộ Brexit như ông Johnson, những người đã vẽ ra một bức tranh màu hồng và phi hiện thực về việc Anh sẽ hồi sinh được danh tiếng vẻ vang trong quá khứ của mình và thu về nhiều tiền hơn khi ra khỏi EU. Tuy nhiên, những phí tổn và sự phức tạp của Brexit vẫn không dập tắt được mong muốn của những người đã quá chán nản với ý tưởng chia sẻ chủ quyền với cả châu Âu.
Đa số Quốc hội Anh và EU đều hiểu rõ ràng việc Anh rời EU mà không có thỏa thuận là điều không được phép xảy ra. Cho dù cuộc tranh luận này diễn ra nảy lửa và kịch tính ra sao, Quốc hội vẫn dứt khoát đẩy lùi bất kỳ nỗ lực nào của bà May hay ông Johnson nhằm phá hỏng tiến trình dân chủ, như họ đã làm hôm 19/10 vừa qua. Quyết định về Brexit sẽ ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người dân Anh, và mọi sự trì hoãn và tranh cãi vẫn tốt hơn là một sự ra đi vội vã và còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Có thể thời khắc đã đến, và thỏa thuận của ông Johnson sẽ được Quốc hội thông qua trong tuần này. Hoặc có thể là không. Nhưng dù thế nào, quyết định được đưa ra trong những ngày tới không được phép là một sự đầu hàng chỉ vì "mỏi mệt với Brexit" ở cả hai phía.
Quả bóng hiện đang nằm bên "phần sân" của EU. EU sẽ phải quyết định xem có gia hạn Brexit hay không. Những người ủng hộ Brexit hy vọng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ bác đơn xin gia hạn của London và như vậy nước Anh sẽ rời châu Âu mà không có thỏa thuận nào đúng ngày 31/10. Theo giới quan sát, trong bối cảnh thời hạn 31/10 đã cận kề, chính quyền London đang phải lao vào một cuộc đua nước rút mới. Người phát ngôn của Thủ tướng Johnson đã cảnh báo rằng, trong 10 ngày tới, chính phủ sẽ không chấp nhận bất kỳ sự sửa đổi nào trong thỏa thuận đã đàm phán với Brussels. Chính phủ đặc biệt lo ngại phe phản đối Brexit sẽ nhân cơ hội các cuộc tranh luận tới đây để đặt ra những rào cản mới chống Brexit, chẳng hạn như yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về bản thỏa thuận.
Tờ Điện tín (Anh) tối 22/10 đưa tin, Thủ tướng Johnson đang vận động lãnh đạo các nước EU gia hạn Brexit với thời hạn ngắn hơn 3 tháng, một gia hạn mang tính "kỹ thuật" để cho ông có thêm thời gian cố gắng thúc đẩy thông qua luật tại Hạ viện. Tuy nhiên, nếu EU vẫn gắn chặt theo Luật Benn, tức là gia hạn đến ngày 31/1/2020, Thủ tướng Johnson cho biết ông sẽ kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn. Theo luật Quốc hội, ông Johnson phải nhận được sự đồng ý của 2/3 tổng số các nghị sĩ Hạ viện mới có thể tiến hành tổng tuyển cử, nếu không, ông có thể đối mặt với rủi ro phải chấp nhận một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit như là một điều kiện để tiến hành tổng tuyển cử.
Công đảng đối lập luôn phản đối một cuộc tổng tuyển cử vì lo ngại điều này có thể sẽ dẫn đến một Brexit không thỏa thuận. Tuy nhiên, một khi Brexit được gia hạn, và có khả năng EU yêu cầu Anh tiến hành bầu cử, khi đó Công đảng sẽ không thể phản đối được nữa. Cuộc tổng tuyển cử nhiều khả năng cũng sẽ gây ra một cuộc tranh cãi trong nội bộ Công đảng đối lập vì những nhân vật chủ chốt của đảng này lo ngại với vai trò dẫn dắt của ông Jeremy Corbyn, Công đảng có thể sẽ mất hy vọng giành được chiến thắng đa số tại tổng tuyển cử.
Thủ tướng Jonhson từng nói ông sẽ chỉ làm "những điều có trách nhiệm" và sẽ thúc đẩy các hoạt động chuẩn bị trong những ngày tới vì nước Anh có thể sẽ dời khỏi EU mà không có thỏa thuận nếu như EU phản đối việc gia hạn Brexit và Hạ viện Anh không thông qua dự thảo thỏa thuận của Chính phủ.
| Brexit: Ngày Thứ Bảy kịch tính - thỏa thuận nào tốt hơn những lựa chọn khác Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đã thất bại trong mọi cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Quốc hội từ khi lên nắm quyền, tiếp ... |
| Câu chuyện Brexit - Ăn nhau về cuối TGVN. Brexit đã có “nút gỡ” vào phút chót với thỏa thuận mới giữa EU và Anh. Mưu tính và thủ thuật của ông Boris ... |
| Anh - EU: Tiến trình 'ly hôn' đã dần cán đích? TGVN. Ngày 17/10, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thông qua một thỏa thuận Brexit do London và Liên minh châu Âu (EU) phác ... |