📞

"Liều thuốc giải" cho quan hệ Mỹ- Mexico

11:23 | 12/03/2017
Đánh thuế, trục xuất những người không có giấy tờ, xây dựng tường ngăn tại biên giới là những biện pháp mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp dụng đối với "người hàng xóm" Mexico.

Những mũi tên của ông Trump

Mũi đầu tiên nhắm vào Mexico là Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ký từ năm 1994, cho phép tự do trao đổi hàng hóa miễn thuế giữa các nước Mỹ, Canada và Mexico. Ông Trump cho rằng điều này là một thảm họa khi các hãng sản xuất ô tô của Mỹ đã tận dụng lương nhân công tại Mexico thấp (chỉ 3,80 Euro/ngày) để chuyển các dây chuyền lắp ráp sang nước này thay vì ở tại Michigan.

Những người Mexico nhìn sang phía bên kia lãnh thổ qua hàng rào “kín cổng cao tường” giữa biên giới Mỹ - Mexico ở địa phận Tijuana, Mexico. (Nguồn: The Atlantic)

Tương tự, Tổng thống Trump cũng cho rằng, không thể chấp nhận được khi thâm hụt cán cân thương mại hàng năm của Mỹ với Mexico (60 tỷ USD), thấp hơn 6 lần so với của Mỹ với Trung Quốc. Do đó, người đứng đầu nước Mỹ yêu cầu các hãng sản xuất ô tô của nước này phải rút về nước. Ford, General Motors hay Toyota chấp nhận chỉ thị trên. Nhưng chỉ thị đó có thực sự hiệu quả? Không chắc.

Tuy nhiên, việc triệu hồi toàn bộ các nhà máy sản xuất ô tô của Mỹ sẽ là thảm họa đối với Mexico, vốn được xem là quốc gia sản xuất ô tô lớn thứ 9 thế giới với 18 nhà máy lắp ráp sản xuất 3,5 triệu xe năm 2016 (tăng 2% so với năm 2015). Và Mỹ là khách hàng lớn nhất.

Mũi tên thứ hai là việc ông Trump thông báo trục xuất người nhập cư bất hợp pháp (5-6 triệu người Mexico) mà ông coi đó là những kẻ phạm tội, và xây dựng bức tường dọc biên giới.

Để đầu tư xây dựng bức tường thành đó với chi phí dự kiến từ 10-25 tỷ USD, lúc đầu ông Trump đã tính đến việc đánh thuế hải quan 35% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mexico. Nhưng nhận thấy rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ phải móc túi nhiều hơn, ông Trump đã dự định đánh thuế tiền người di cư gửi về cho người thân tại quê nhà của họ. Tiếp đó, Tổng thống Mỹ muốn sử dụng vũ lực để trục xuất người di cư không giấy tờ.

Nổi giận với những hành động trên, Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto đã hủy chuyến thăm Mỹ vào ngày 31/1. Ông Nieto cũng khẳng định, Mexico sẽ không trả một đồng nào để xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico, nhưng ông này bày tỏ sẵn sàng đàm phán về vấn đề NAFTA.

Ngày 22/2 vừa qua, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ John Kelly và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã gặp những người đồng cấp Mexico Miguel Ángel Osorio Chong và Luis Videgaray. Hai bên đã đồng thời bác bỏ sử dụng quân đội để trục xuất người di cư bất hợp pháp.

Mexico không có kế hoạch B

Mexico không có nhiều lợi thế để đối phó người hàng xóm siêu cường của mình. Thực hiện chiến tranh thương mại? Rất khó, khi mà thị trường 82% hàng hóa xuất khẩu của nước này là Mỹ và Mỹ còn là nhà cung cấp một nửa nhu cầu khí đốt cho Mexico.

Tất nhiên, Mỹ cũng sẽ bị thua thiệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Và nếu NAFTA không còn, bang Iowa sẽ bị Mexico đánh thuế gấp đôi các sản phẩm từ ngô. Bang Texas - nơi chuyên xuất khẩu thịt gà và bò cũng sẽ bị trừng phạt. Ngoài ra, một Mexico bất ổn và nghèo khó cũng sẽ làm bùng nổ làn sóng di cư sang Mỹ. Nhưng hiện tại, ông Trump không coi đó là vấn đề quan trọng. Nước Mỹ là số 1 và Mexico thì không có kế hoạch B.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Mexico Enrique Pena Nieto. (Nguồn: Reuters)

Gaspard Estrada - một nhà phân tích chính trị cho biết, phần thua thiệt có thể thuộc về Mexico và tất cả sẽ phụ thuộc sức chiến đấu của chính phủ Mexico. Họ có thể sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa. Chẳng hạn trục xuất các nhân viên an ninh Mỹ đang thực hiện các chiến dịch truy quét buôn lậu ma túy trên đất Mexico hoặc để dòng người di cư từ các nước Trung Mỹ quá cảnh tại Mexico để sang Mỹ, hoặc ngừng phối hợp chống khủng bố.

Các tập đoàn lớn của Mỹ thu lợi nhuận lớn khi làm ăn tại Mexico sẽ không khoanh tay đứng nhìn Mexico gặp khó khăn. Và Mexico sẽ tận dụng cơ hội này để xác định lại chiến lược đối ngoại và lựa chọn giữa nhiều thỏa thuận trao đổi mậu dịch tự do mà nước này đã ký với 46 quốc gia khác.

Trong bối cảnh đó, "liều thuốc giải" cho Mexico có thể đến từ Nam Mỹ. Trong những tuần tới, Liên minh Thái Bình Dương bao gồm Chile, Colombia, Mexico và Peru sẽ nhóm họp tại Chile để thúc đẩy hơn nữa gia nhập với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Liên minh giữa các nước này có thể sẽ tạo nên sức mạnh.

(theo Jeune Afrique)